Thời gian gần đây, có rất người giao hàng (shipper) bị khách hàng đặt đồ nhưng khi gọi nhận hàng thì thuê bao hoặc không nhận, dẫn đến shipper bị mất số tiền đã ứng ra để mua trước đó. Nhiều shipper ứng tiền hàng trước với số tiền lên đến hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng nhưng đành phải ngậm ngùi khi khách "mất tích" hoặc từ chối nhận hàng.
Cách đây một tháng tại Hà Nội, hơn 10 shipper tố bị hai đối tượng dùng hình thức như nhau lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cách thức của hai đối tượng rất tinh vi, mỗi quận huyện chúng chỉ thực hiện 1,2 vụ việc bằng cách mua hàng qua mạng, thuê shipper ứng tiền trước trả cho shop, khách nhận hàng trả lại cho shipper. Tuy nhiên, khi shipper giao hàng đến địa chỉ nhận thì người nhận thuê bao, và số tiền các shipper phải ứng trước tối đa không quá 2 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng, những hành vi như trên cần phải quy trách nhiệm hình sự, không thể để cho thực trạng này tiếp diễn, ảnh hưởng tới những người giao hàng.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề pháp lý, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Quách Thành Lực, thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội.
Theo luật sư Lực, đối với những trường hợp như việc shipper bị "bùng" đơn hàng trà sữa 1,2 triệu đồng thì đây chỉ mới là quan hệ dân sự. Thứ nhất, đối tượng "bùng" hàng không cố ý hoặc không có ý định từ trước, thứ 2 số tiền không quá mức tiền quy định để có thể xử lý trách nhiệm hình sự.
"Hơn hết theo tôi được biết, cô gái mà dân mạng tìm không phải là người gây ra sự việc, mà là do cậu em trai, gia đình đã đến xin lỗi và bồi thường cho anh shipper", Luật sư Lực nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với luật sư Lực, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: "Đây chỉ là giao dịch dân sự chứ không thể quy trách nhiệm hình sự được, bởi cô gái kia chỉ thay đổi ý định vào phút chót và giữa hai bên chỉ có trao đổi cá nhân chứ không có giấy tờ hay hợp đồng. Nếu muốn, anh shipper có thể gửi đơn tố cáo, yêu cầu bồi thường lại số tiền ấy hoặc hơn, tuy nhiên như vậy rất mất thời gian".
Luật sư Lực phân tích thêm: "Đối với những trường hợp đối tượng thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu (là 2 triệu đồng) để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...). Đồng thời, trong các hành vi xâm phạm đó, chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, và nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm. Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian".
"Tương tự như trường hợp hơn 10 shipper bị 2 đối tượng dùng cùng cách thức như nhau để bùng tiền hàng. Nếu rải rác đơn tố cáo đến cơ quan chức năng thì có thể rất khó để xử lý vì giá trị đơn hàng không quá mức quy định truy cứu trách nhiệm hình sự. Cách tốt nhất chính là những shipper bị cùng một đối tượng lừa làm chung một đơn gửi lên cơ quan chức năng, thì lúc đó tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lớn hơn rất nhiều lần mức quy định xử lý hình sự, thì lúc đó cơ quan chức năng sẽ dễ vào cuộc hơn”, Luật sư Lực nói.