Klyde Warren, đến từ Nebraska (Mỹ), bắt đầu mọc râu từ năm 15 tuổi. Hiện nữ nhà văn tự do sở hữu bộ râu rậm rạp như đàn ông. Điều này khiến cô thường xuyên phải nhận về ánh mắt kỳ thị và bình luận tiêu cực từ người lạ.
"Ra đường, tôi nhận nhiều ánh mắt soi mói. Trên mạng xã hội, mọi người bảo tôi trông thật kinh tởm. Không ai thích nhận những bình luận như vậy. Ngay cả mẹ tôi cũng không thích việc tôi để râu", Warren nói.
Tuy nhiên, cô gái chưa bao giờ muốn cạo đi bộ râu của mình: "Tôi bắt đầu phát hiện mình có ria mép dày hơn bình thường ở trường nhưng chấp nhận điều đó ngay lập tức”.
"Tôi để nó vì tôi thấy tự tin, khác biệt một chút cũng không sao. Chúng ta phải tự ý thức về bản thân nhưng cũng cần học cách thoải mái với vẻ ngoài của mình dù điều này không hề dễ chút nào", Warren cho biết thêm.
Cô cũng tiết lộ việc chăm sóc râu rất dễ dàng. Mỗi ngày Warren đều gội rửa sạch sẽ và cắt tỉa thường xuyên. Dù vậy vẻ ngoài khác biệt ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống tình cảm của cô.
"Nhiều người trên tài khoản hẹn hò Tinder nhắn tin cho tôi và nói những lời lẽ bất lịch sự, thậm chí rất thô thiển. Điều đó làm tôi khó chịu nhưng tôi vẫn tự tin. Tuy vậy một số người tôi hẹn hò đã chấp nhận và coi bộ râu là đặc điểm nổi bật của tôi. Người bạn trai mới nhất thì thực sự ủng hộ và yêu bộ râu của tôi", nữ nhà văn cho hay.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh (NHS), việc mọc râu ở nữ giới chủ yếu là do hội chứng buồng trứng đa nang tuy nhiên trong những trường hợp khác - như trường hợp của Warren - nguyên nhân vẫn chưa được xác định.
Ngoài lông trên mặt, một số phụ nữ có thể mọc lông rậm ở các bộ phận khác như: ngực, cổ, bụng, lưng, mông hoặc đùi. Về cơ bản việc mọc lông, râu rậm này không gây hại đến sức khỏe. Tùy vào lựa chọn cá nhân, một số người có thể tẩy, triệt để loại bỏ lông, trong khi số khác chọn cách giữ lại.
Minh Hoa (t/h)