Mới đây, trên trang cá nhân của mình, tác giả Hạ Chi (từng là cây viết quen thuộc được yêu mến tại một tạp chí dành cho giới trẻ), hiện đang làm ở một công ty quảng cáo sáng tạo, đã viết nên những dòng tâm sự, trải lòng về quyết định xin nghỉ việc của mình.
Theo đó, Hạ Chi viết:
“Hồi năm 2013, mình làm báo thấy hết vui. Hết vui tức là không nhìn được công việc mình làm tạo ra giá trị gì. Không thấy được mình sẽ phát triển tiếp như thế nào. Không còn cảm thấy vui vẻ khi bước vào cơ quan nữa. Viết bài mà cực như đi cày. Từ lúc mình thấy hết vui tới lúc mình nghỉ việc là khoảng 6 tháng. Lại mất thêm 1 năm nữa mới thực sự rời bỏ lĩnh vực báo chí. Mình mất nhiều thời gian vì SỢ.
- Sợ thất nghiệp, không có tiền
- Sợ không biết làm gì tiếp theo, lỡ như mình chỉ có mỗi khả năng viết lách, nhảy qua cái khác làm dở như hạch thì sao.
- Sợ mất những gì đang có. Bao gồm mất danh xưng "phóng viên", "cây bút", "chủ mục". Mất vị thế. Mất mối quan hệ.
- Sợ sự thay đổi.
- Sợ phải làm lại từ đầu.
Sau đó thì mình làm marketing, làm suốt 3 năm ở công ty cũ. Tháng 5 năm ngoái, mình lại nghỉ việc ở đó. Và mình cũng mất cả năm từ lúc thấy cần phải dừng lại đến khi thực sự dừng lại. Chung quy vẫn là sợ những nỗi sợ như trên, và thêm tiếc. Ở lại càng lâu thì càng tiếc, tiếc tâm sức đã bỏ ra.
Mình đã muốn tìm kiếm một nơi dừng chân mới, rồi mới dám nghỉ. Nhưng sau đó mình đổi ý. Mình tự nói với bản thân, khi mà mỗi ngày thức dậy không còn thấy muốn làm việc nữa, mà chỉ thấy mệt mỏi, áp lực, thì điều duy nhất cần làm là dừng lại.
Nhảy đi. Rồi tính tiếp.
Vì ở lại, chịu đựng, là phản bội chính mình và không công bằng với những người đang làm việc cùng mình.
Nghỉ đi, dù chưa biết chặng tiếp theo làm gì.
Cũng giống như khi không yêu nhau được nữa, người ta cần rời đi.
Dù rất có thể, rời đi rồi sẽ sống một mình và rất lâu rất lâu nữa mới tìm được một mối quan hệ mới.
Mình quyết định rằng với mình, "làm việc" là một dạng tình yêu, một mối quan hệ cần tôn trọng. Sự tôn trọng thể hiện bằng việc mình chấp nhận cái giá của sự tự do. Chẳng hạn như... thất nghiệp.
Nhưng mình chỉ nghỉ được đúng một tuần. Và tìm được một tình yêu mới. Một an bài may mắn.
Sau những lần dừng lại như vậy, mình học được cách ra quyết định kiên định và dũng cảm hơn. Quan điểm của mình là:
- Cái bánh đang ăn không ngon nữa, thì không ăn tiếp. Mình tôn trọng vị giác và bao tử của mình trước.
- Những mối quan hệ không phù hợp thì không tiếp tục. Mình tôn trọng cảm giác của bản thân và thời gian của cả hai.
- Việc không muốn làm sẽ không làm. Cái gì không muốn nhận thì sẽ nói không. Vì mình sẽ không thể làm cho đàng hoàng. Và sẽ có người thực sự muốn làm, làm tốt hơn mình.
Mình là người ra quyết định và chịu trách nhiệm. Mình không phải là nạn nhân. Thế nên cái gì mình làm, sẽ làm với niềm vui, với lòng biết ơn, với tinh thần rực rỡ nhất và chấp nhận trả giá.
Viết - nhân đọc bài báo về cô giáo im lặng 3 tháng lên lớp. Và nhớ về vài người mình biết, đi làm mỗi ngày như một chuyến lưu đày. Mình không tin người hạnh phúc với công việc đang làm có thể cư xử như vậy. Nhưng không hạnh phúc mà vẫn quyết định làm tiếp, thì lại là sợ và tiếc. Như mình đã từng.
Nghĩ rằng cái đang có đây, dù làm mình đau và mệt, nhưng là cái phao cuối cùng giữa bể đời.
Không phải đâu.
Buông phao đi, sẽ thấy trời cao đất rộng, thoả chí tang bồng.
Phải can đảm về phía mình trước, rồi vũ trụ sẽ đáp lời”.
Bài chia sẻ của Hạ Chi đã nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng. Trong đó, nhiều người đưa ra ý kiến trái chiều.
Han Phong chia sẻ: “Cảm ơn bài chia sẻ của chị lúc chênh vênh thế này, thực sự đủ dũng cảm để ra quyết định và cuộc sống sẽ mở sang trang mới”.
Ngược lại với Han Phong, bạn trẻ Phạm Thủy cho biết: “Cũng tùy từng người và tùy từng thời điểm, chứ cứ gặp khó khăn mà nghỉ việc thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà nuôi bản thân, gia đình và bố mẹ?”.
Liên hệ với chủ nhân của dòng trạng thái này, Hạ Chi cho biết: “Tôi viết bài vì đọc thông tin về cô giáo im lặng đó, tôi nghĩ cô ấy đang làm việc trong căng thẳng và không yêu mến điều mình làm. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do mà cô ấy không thể nghỉ việc. Nhiều bạn trẻ cũng mang tâm lý không thích nhưng vẫn làm. Còn với tôi sau rất nhiều năm đi làm, đến giờ tôi thực sự tin rằng chúng ta cần làm việc với niềm vui”.
Cũng bật mí thêm về cách chọn công việc, Hạ Chi chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu bạn hãy bỏ tâm lý “xin việc” đi. Bạn bình đẳng với người đang phỏng vấn mình. Vì thế thay vì cố chứng tỏ bạn xứng đáng để “được nhận vào”, hãy đối thoại để hiểu về giá trị và định hướng phát triển của công ty, văn hoá chung, phong cách của lãnh đạo cấp trên, và cả các chế độ lương thưởng nữa. Càng hiểu nhau, càng kỳ vọng đúng về nhau và đi đường dài được lâu.
Với tôi, tôi đặt ra 5 câu hỏi cho mình trước khi chọn việc:
1. Công việc này có thực sự tạo ra giá trị cho xã hội không?
2. Công việc này có cho mình cơ hội phát triển không?
3. Công việc này có cho mình sự cân bằng và khoẻ mạnh không?
4. Công việc này có đảm bảo tài chính cho mình không?
5. Mình có muốn làm việc cùng những người này không?
Khi làm việc, tôi cũng có 5 tiêu chí để “vui vẻ đi làm”:
1. Luôn cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày. Khi cứ sau một thời gian nhìn lại, tôi thấy mình “rút kinh nghiệm” được nhiều là thấy vui.
2. Được làm chủ việc mình làm, chịu trách nhiệm với nó, được nhìn những dự án như những đứa con tinh thần. Khi đó đi làm chính là…nuôi con.
3. Được quyền làm cái mới. Cho tôi thử đi, nếu sai tôi sẽ học được cách để sửa. Cho tôi làm điều tôi không giỏi nhất đi, để tôi được học và giỏi hơn.
4. Được gõ cửa phòng sếp để đặt câu hỏi, để xin ý kiến, để… phê bình.
5. Không căng thẳng, không nghiêm trọng hoá vấn đề. Tóm lại là không làm việc để… chết, thế nên cứ 7h là tôi đi tập yoga và cuối tuần thì hiếm khi mở mail công ty”.