Hồi đầu tháng 12 vừa qua, cả thế giới đổ dồn sự chú ý về phía 1 cô gái người Trung Quốc Gui Yuna (33 tuổi, Quảng Tây, Trung Quốc) đã xuất sắc đạt giải Nhất trong cuộc thi thể hình Olympic Night.
Hình ảnh cô gái chống nạng, 1 chân nhưng đầy mạnh mẽ kiên cường đã truyền cảm hứng cho nhiều người về nghị lực sống phi thường.
"Tôi không biết nhiều về thể hình mặc dù trước đó tôi là 1 vận động viên chuyên nghiệp. Trong phần thi bikini, tôi còn không biết cách tạo dáng, hay các động tác trình diễn hình thể. Khi đó, tôi chỉ quan sát các thí sinh thi trước, cộng với với kiến thức sẵn có để hoàn thành bài thi", Gui nói với The Paper.
Nữ vận động viên 33 tuổi còn cho rằng bản thân được xếp hạng Nhất là do ban giám khảo đánh giá cao sự tự tin của cô chứ không phải chuyên môn. Hiện tại, cô đang luyện tập chăm chỉ, tích cực chuẩn bị cho Giải vô địch thể hình quốc gia tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng 12 tới. Tại sân chơi này, cô là vận động viên khuyết tật duy nhất tham dự.
Để chuẩn bị cho cuộc thi vào cuối tháng 12 tới, Gui Yuna đã tập luyện chăm chỉ. Cô đang học thể hình với huấn luyện viên tại Thượng Hải. Vì thời gian khá gấp rút, cô phải luyện tập 6 tiếng mỗi ngày.
Mỗi sáng, cô dậy từ 5h để chuẩn bị và có mặt ở phòng tập lúc 6h. Các bài tập của Gui rất đa dạng từ nâng tạ nặng đến tập sức bền, kiểm soát nhịp tim. Dù có dáng người thon gọn, mỗi ngày, cô ăn ít nhất 10 lòng trắng trứng cùng nhiều thịt gà, cá, tôm và rau củ, hoa quả. Trong quá trình tập luyện để thi đấu, cô không ăn thịt đỏ, dầu mỡ.
Nữ vận động viên 33 tuổi nói rằng ở cuộc thi lần này phần lớn là những người có từ 5-10 năm kinh nghiệm. Cô tin rằng bằng sự cố gắng cùng nền tảng sẵn có, cô sẽ đạt thứ hạng cao.
Gui Yuna có một cuộc sống bình thường và vui tươi cho đến năm cô 7 tuổi, tai nạn xe hơi đã cướp đi của cô gái nhỏ 1 chân. Sau vụ tai nạn thảm khốc, thay vì ủ rũ, cô bé 7 tuổi tập đi bằng một chân đồng thời cô thử thách bản thân ở nhiều môn thể thao khác nhau như bơi lội, cầu lông, nhảy cao.
Năm 2001, khi đang là học sinh cấp 2, Gui được Liên đoàn người khuyết tật Quảng Tây chọn vào đội tuyển nhảy cao của tỉnh. 1 tháng huấn luyện, Gui tiếp tục được chọn đến Nam Kinh tham gia Giải vô địch quốc gia và giành vị trí thứ 5 chung cuộc môn nhảy cao. Kể từ đó, Gui Yuna bắt đầu con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Năm 2008, Gui Yuna được đại diện cho các vận động viên khuyết tật tham gia rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại TP.Nam Ninh (Quảng Tây).
Quyết định giải nghệ vào năm 2017, Gui Yuna bắt đầu tập gym và đăng tải những video tập thể dục lên mạng xã hội. Nhờ hình ảnh truyền cảm hứng này, cô có thêm nhiều người hâm mộ.
"Dù gặp bất cứ điều gì trong cuộc sống, bạn cũng phải chấp nhận thực tế. Nếu đối mặt với những khó khăn bằng thái độ tiêu cực, chúng ta có thể trở nên cực đoan. Ngược lại, nếu bạn nhìn nhận nó với thái độ lạc quan, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết" cô bày tỏ.
Trang Dung (Tổng hợp)