Cô gái phụ hồ nghèo mơ ước làm cô giáo

Cô gái phụ hồ nghèo mơ ước làm cô giáo

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Gia đình nghèo khó, nhà đông anh chị em, Chu Thị Hải Phương nửa buổi đi học nửa buổi đi làm giúp mẹ. Năm đầu thi đại học bị trượt, em xin đi làm phụ hồ ngoài Hà Nội, nhưng ước mơ trở thành cô giáo chưa bao giờ tắt hẳn.

Đi phụ hồ nuôi ước mơ đến giảng đường

Tốt nghiệp chuyên ngành công tác xã hội, trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, Chu Thị Hải Phương đang làm việc cho một dự án giáo dục mới thí điểm tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Theo đó, công việc của Hải Phương là kèm cặp một số học sinh mắc bệnh tự kỷ, mắc bệnh down tại các trường học trên địa bàn quận.

Hải Phương tươi cười cho biết: "Em đang kèm cặp cho riêng một bé trai bị bệnh down nhẹ tại trường tiểu học Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Em kèm bé học chữ ngay trên lớp và dạy những kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho bé khi ở nhà. Lúc đầu ra trường, em vẫn ở ngoài, sau đó gia đình bé đề nghị em chuyển về ở cùng để tiện việc dạy dỗ và có người chơi với bé, bởi bố mẹ bé bận bịu tối ngày. Công việc của em khá nhàn, thu nhập hàng tháng cũng tạm được và rất ý nghĩa vì bản thân mình đã giúp một phần công sức đối với các em sinh ra đã thiệt thòi".

Điều ít ai biết rằng, Chu Thị Hải Phương đã phải trải qua biết bao vất vả, khó khăn và có những lúc tưởng chừng như không thể bước tiếp, mới tạm gọi là được như ngày nay. Gia đình khó khăn, nhà đông anh chị em, lại là con cả trong gia đình, quê Chu Thị Hải Phương ở xã Cẩm Lại, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội, hầu như ít người học hết cấp ba, nói chi đến học ĐH, CĐ.

Thu nhập của người dân quê Phương chỉ trông vào mấy sào lúa là chính. Thời gian gần đây mới có thêm nghề phụ móc sợi để xuất khẩu, nhưng thu nhập khá là "bèo". Người thạo việc, móc sợi một ngày xong một bộ bốn túi được trả 27 nghìn đồng. Nếu làm không quen phải mất vài ngày thậm chí đến hàng tuần mới xong một bộ. Nửa buổi đi học, thời gian còn lại Phương giúp bố mẹ lam lũ tối ngày, nhưng vẫn không đủ cho gia đình 6 miệng ăn và tiền học hành cho bốn chị em. Nghèo khó, nhiều lúc em thấy chạnh lòng và tủi thân vì hoàn cảnh gia đình, em chỉ muốn bỏ học để đi làm, bố mẹ không phải lo lắng mà mình còn giúp gia đình thêm nguồn thu. Tuy nhiên, một loạt những câu hỏi lớn cứ hiện lên trong đầu, tương lai của mình sẽ ra sao? Hay ở nhà làm ruộng và lấy một người chồng. Cuộc sống như thế không khác gì cái vòng luẩn quẩn.

Không giống như các bạn cùng trang lứa khác, trượt đại học họ được bố mẹ ưu ái cho thi lại một năm, hai năm. Nhiều bạn bố mẹ còn không cho động chân động tay vào bất cứ việc gì, còn được "đầu tư" cho đi luyện thi. Ngược lại, những gia đình hoàn cảnh, không có điều kiện như Hải Phương thi năm đầu không đậu thì coi như cánh cổng học vấn đã khép lại và phải đi làm ngay để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ngoài ra, chỉ tính kinh phí để Hải Phương "lai kinh ứng thí" cũng không phải là chuyện nhỏ đối với gia đình em. Để có tiền cho Phương đi thi đại học, bố mẹ phải bán thóc và chạy vạy khắp nơi. Năm đầu thi đại học không đỗ, Hải Phương buồn chán và thất vọng, cảm thấy có lỗi với bố mẹ, với các em vì đã tin tưởng và tốn kém lo cho em ăn học suốt 12 năm.

Xã hội - Cô gái phụ hồ nghèo mơ ước làm cô giáo

Cô giáo Chu Thị Hải Phương đang ngồi dạy kèm cho một em học sinh

Ngày đi làm vất vả và mệt mỏi, nhưng Hải Phương vẫn ôm mộng và nuôi ý định phải học đại học, sang năm nhất định sẽ thi lại. Bố mẹ và các cô chú bảo: "Con gái học hành làm gì nhiều. Ở nhà đi làm, rồi lấy chồng cho yên phận". Để không có thời gian buồn chán, nghĩ ngợi và hơn hết là phải sống tự lập và đỡ đần bố mẹ được đồng nào hay đồng ấy, sau còn ba đứa em ăn học rất tốn kém. Hải Phương xin đi làm phụ hồ theo cô chú làm thợ xây trên Hà Nội. Hơn hai tháng ròng, ngày em đi làm phụ hồ, tối về miệt mài ôn tập bài vở. Ngoài ăn uống, em nhận được 80 nghìn đồng/ngày.

Công việc phụ hồ đối với người con gái mới lớn, xem ra quá vất vả đối với em. Em lại về quê vừa làm đỡ đần bố mẹ và tranh thủ thời gian rảnh ngồi học. Ngày làm hồ sơ thi đại học, bố mẹ Phương nhất định không cho em thi nữa, bởi cố đỗ đại học bố mẹ cũng không lo được cho em lên Hà Nội học được. "Đi học hay ở nhà làm ruộng, lấy chồng. Sau nhiều lần đắn đo, em đã giấu bố mẹ, sang nhà người thân vay 100 nghìn đồng mua hồ sơ dự thi vào trường cao đẳng Sư phạm Trung ương".

Kết quả Phương thi đạt số điểm 20,5 và được gọi nhập học vào trường cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ngày nhận giấy báo nhập học, Phương nửa mừng, nửa lo vì biết trước mắt mình là cả chặng đường dài khó khăn chồng chất. Ngày Phương đưa cho bố mẹ tờ giấy báo nhập học, bố em đã khóc phần vì vui mừng, phần vì ông thương con và bản thân không lo được khoản tiền lớn nhập học trước mắt cho con, còn những khoản sau này khi sống ở ngoài Thủ đô nữa: "Gia đình mình nghèo, các em còn nhỏ, có lúc bố muốn con nghỉ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em khôn lớn. Giờ con có thể đi học rồi, bố không thể để con vì nghèo mà phải nghỉ học". Hải Phương nghe bố nói mà không ngăn được những giọt nước mắt lăn dài trên má, em tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Gia đình chạy vạy vay mượn khắp trong xóm ngoài làng được 2 triệu đồng cho Phương nhập học.

Hình ảnh bố mẹ tất tả lo vay tiền cho em chuẩn bị ngày nhập học mà Phương ái ngại. Cầm trên tay 2 triệu đồng mà không đành, lúc đó em chỉ muốn nghỉ học. Bản thân em nghĩ nếu việc học của mình mà cứ dựa vào sự chu cấp của gia đình là không thể, em sẽ phải đi làm để tự lo được cho mình. Em cũng tự hứa với bản thân phải cố gắng thật nhiều để sau này báo đáp công ơn bố mẹ.

Gian nan không nản chí

Sau khi ổn định chỗ trọ và công việc học hành tạm ổn, Phương bắt tay vào tìm kiếm việc làm ngay. Từ bán quần áo, giày dép tại chợ sinh viên cho đến bán xúc xích, bánh mỳ tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) rồi bưng bê, rửa bát Phương đều sẵn sàng làm mà không ngần ngại. Đến nay, công việc đã ổn định, thu nhập cũng tạm ổn, cô giáo Chu Thị Hải Phương vẫn nhớ như in những ngày mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội: "Ngày lên trường nhập học, số tiền bố mẹ vay mượn sau khi đóng tiền học chẳng còn là bao. Để có tiền ăn học, em xin làm nhân viên chạy bàn tại quán phở số 111 Cầu Giấy (Hà Nội). 6h sáng, em đạp xe đến chỗ làm, trưa lại từ quán phở tới trường. Học về em lại đạp xe trở về chỗ làm từ 17h đến 19h tối".

Những ngày tháng vất vả và cơ cực đó đã qua đi, nhưng với cô giáo Chu Thị Hải Phương, những khoản chi tiêu thời khốn khó đó sẽ không bao giờ quên: "Em chọn ở với những người bạn có hoàn cảnh giống mình. 4-5 người cùng ở chung một phòng trọ. Mỗi tháng chia ra cũng mất gần 400 nghìn đồng tiền phòng. Tiền ăn bữa tối mất khoảng 200 nghìn đồng một tháng, còn bữa sáng và trưa em ăn ở chỗ làm. Tiền học phí là 280 nghìn đồng một tháng. Tiền công tháng nào em để riêng từng khoản tháng đó như tiền ăn, tiền phòng, tiền học phí. Mỗi tháng em cũng thừa ra một ít để tiêu pha bên ngoài".

Ra trường, cô giáo Chu Thị Hải Phương nhận dạy kèm cho một trẻ bị bệnh down nhẹ. Mỗi tháng Hải Phương nhận được 3 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình em này cũng nhờ Phương dạy thêm buổi tối các kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho bé, mỗi tháng thêm được 2 triệu đồng. Mong muốn của Hải Phương sau này là học cao hơn nữa, giúp đỡ những người kém may mắn hòa nhập với cộng đồng. Và hơn hết là làm được nhiều tiền gửi về đỡ đần bố mẹ để các em không phải dang dở chuyện học hành vì nghèo.

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.