Cô gái không thích nấu ăn khởi nghiệp với bánh chưng
Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt với sự kết hợp của gạo nếp, lá dong, đậu xanh và thịt lợn. Với mong muốn gìn giữ và nâng tầm giá trị món ăn truyền thống này, chị Nguyễn Thu Hoài (SN 1990), quê Phú Thọ đã làm ra những chiếc bánh chưng làm quà tặng có giá "đắt nhất Việt Nam", được nhiều người yêu thích và đặt hàng.
Chị Hoài (áo dài nhung đỏ) đang hướng dẫn gói bánh chưng trong một sự kiện gần đây.
Kể về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Hoài cho biết, bản thân chị là người không thích nấu ăn nhưng lại thích ăn ngon. Sau khi kinh doanh thêm một số loại thực phẩm, chị nhận thấy bánh chưng là sản phẩm dễ bán nhất. Bởi vì, đây là loại bánh không thể thiếu vào những ngày Tết. Trong khi đó, đa số người dân Hà Nội chọn mua sẵn thay vì tự làm ở nhà.
“Đầu tiên, tôi nhập bánh chưng từ Điện Biên về bán hoặc đặt hàng từ các làng nghề ở Tranh Khúc (Hà Nội) và Bờ Đậu (Thái Nguyên) với công thức và yêu cầu riêng. Mỗi tháng, tôi bán được từ 500-700 chiếc bánh. Đặc biệt, dịp Tết năm 2015, tôi bán ra thị trường hơn 7.000 chiếc bánh chưng với giá từ 40-60 nghìn đồng/chiếc”, chị Hoài kể.
Bán được hàng, trong đầu chị Hoài lại luôn hiện hữu câu hỏi: “Liệu sản phẩm truyền thống như bánh chưng có thể trở thành một món quà tặng hiện đại, tinh tế, chinh phục được khách hàng ở mọi phân khúc hay không?”. Câu hỏi này đã thôi thúc chị phải bắt tay vào tự nghiên cứu công thức làm bánh chưng và làm chủ công thức đó.
Từ một người không biết gói bánh chưng, không thích nấu ăn, chị Hoài lại bắt tay vào học và làm nên những chiếc bánh chưng ngon và ưng ý nhất.
Để cho ra đời những chiếc bánh chưng đầu tiên, chị Hoài cùng mẹ của chị bỏ thời gian lặn lội đi khắp các làng nghề, từ Điện Biên đến Tranh Khúc để tìm hiểu và nếm thử bánh chưng, tìm ra công thức làm bánh chưng chuẩn vị nhất.
“Những ngày đầu tiên, cả gia đình tôi ngồi quanh nồi bánh, đợi đến sáng chỉ để nếm thử miếng đầu tiên. Đó là cảm giác không thể nào quên”, chị Hoài nhớ lại.
Khi làm ra sản phẩm, chị lại mang 200 chiếc đầu tiên đi tặng những khách hàng cũ để lấy ý kiến phản hồi. May mắn, ngay sau khi dùng thử, khách hàng đã quay lại đặt hàng mua luôn với số lượng lớn. Mỗi tháng, chị bán ra thị trường cả nghìn chiếc bánh chưng.
Mỗi ngày, xưởng sản xuất của chị Hoài có thể cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 chiếc bánh chưng.
Làm bánh chưng "đắt nhất Việt Nam"
Sau khi có hệ thống khách hàng phủ kín từ Bắc đến Nam, chị Hoài lại ấp ủ làm thế nào để nâng tầm chiếc bánh chưng truyền thống trở thành mặt hàng cao cấp, có thể làm quà tặng.
Tết năm 2017, những chiếc bánh chưng được đựng trong hộp quà sang trọng, mỗi hộp có 2 chiếc, bán với giá 589 nghìn đồng ra đời. Chỉ trong 20 ngày Tết, 1.000 hộp bánh chưng quà tặng cao cấp được bán hết, nằm ngoài sức tưởng tượng của chị Hoài.
Đến nay, chị Hoài đã cho ra mắt 24 loại bánh chưng khác nhau như: Bánh chưng xanh, bánh chưng gấc, bánh chưng gạo lứt, bánh chưng cá hồi… Đặc biệt, vào dịp Tết mỗi năm chị Hoài lại cho ra mắt một sản phẩm bánh chưng quà tặng mang ý nghĩa riêng, phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Bánh chưng được đội ngũ nhân viên gói bằng tay và quy trình sản xuất được ứng dụng công nghệ hiện đại.
Bánh chưng được làm từ gạo nếp nương 6 tháng, đỗ xanh lòng vàng, thịt ba chỉ organic. Quy trình sản xuất cũng được ứng dụng công nghệ hiện đại như nồi gia nhiệt tiệt trùng, giúp bánh bảo quản được lâu hơn. Sau đó được đóng gói hút chân không 2 lớp, tiện lợi và đảm bảo vệ sinh.
“Điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng của chúng tôi chính là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Từng hạt gạo nếp nương, từng chiếc lá dong đều được xử lý cẩn thận bằng công nghệ hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị nguyên bản, như cách các cụ ngày xưa vẫn làm. Đây là chiếc bánh mang hồn cốt Việt, được chăm chút từ những điều nhỏ nhất”, chị Hoài bộc bạch.
Chị Hoài là người làm ra những chiếc bánh chưng làm quà tặng đầu tiên cung cấp ra thị trường.
Với các sản phẩm bánh chưng làm quà tặng, chị Hoài đầu tư vào thiết kế bao bì sang trọng, tinh tế và đầy sáng tạo, mang ý nghĩa văn hoá riêng cho từng sản phẩm.
Năm 2024, chị Hoài đã bán được hơn 70.000 chiếc bánh chưng ra thị trường. Đồng thời, với nỗ lực cải tiến không ngừng, chị Hoài đã ứng dụng thành công công nghệ gia nhiệt tiệt trùng. Công nghệ này giúp kéo dài hạn sử dụng của bánh chưng lên tới 15 ngày mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon, mềm dẻo.
Có gì trong hộp bánh chưng giá 1,5 triệu đồng?
Trong dịp Tết năm 2025, chị Hoài cho ra mắt sản phẩm bánh chưng quà tặng có giá 1,5 triệu đồng. Bên trong hộp có 07 bánh gồm: 04 bánh chưng vuông tứ vị, 02 bánh chưng gù, 01 bánh tét ngũ sắc.
Cận cảnh hộp bánh chưng có giá 1,5 triệu đồng.
“Hộp quà không chỉ là một sản phẩm, mà còn là một hành trình khám phá. Khi dựng dọc, bạn sẽ thấy hình ảnh núi non hùng vĩ – biểu tượng cho miền Bắc và miền Trung. Khi mở ngang, dòng sông mềm mại lại hiện lên, mang theo hơi thở của miền Tây Nam Bộ. Mỗi chi tiết đều kể một câu chuyện, một nét đẹp văn hóa Việt Nam”, chị Hoài cho hay.
Hồng Cảnh