Hogreta là một blog của cô gái Séc 19 tuổi. Đã 4 năm qua, cô gái yêu một anh chàng Việt Nam. Bản dịch nguyên văn những trăn trở của cô gái này.
Ý tưởng viết bài này được nảy ra sau khi bạn trai tôi đến thăm. Anh ấy bảo tôi nên viết một điều gì đó về đề tài phân biệt chủng tộc. Thực sự, đây là một chủ đề mà tôi có nhiều điều để nói và đồng thời nó cũng là đề tài mà lâu nay tôi cố tình tránh nế bởi không biết nên nhận xét từ phía nào.
Chúng tôi là một cặp khá đặc biệt. Tôi da trắng, 19 tuổi. Anh ấy châu Á, người Việt Nam, 20 tuổi. Chúng tôi đã ở bên nhau được gần 4 năm, song có nhiều người vẫn nhìn chúng tôi như người ngoài hành tinh. Bạn nghĩ rằng chúng tôi có thể nắm tay nhau đi ngoài đường được ư? Điều này không tồn tại – nếu những ánh mắt xét nét không bắt đầu từ người Séc thì thể nào người Việt Nam cũng sẽ thay thế họ làm điều đó. Chúng tôi dường như là cái gai trong mắt cả hai dân tộc. Ở ngoài xã hội chúng tôi chỉ là bạn bè. Chúng tôi chạy trốn cùng với mối quan hệ của mình trước cả xã hội như mình đang mới vừa 15 vậy. Những người "cấm đoán“ việc hòa trộn chủng tộc mới nhiều làm sao. Đồng tình là không phải ai cũng như vậy, nhưng sao có nhiều người muốn xen vào chuyện của hai chúng tôi vậy? Mối quan hệ của chúng tôi đã làm gì mà gây "tổn thương“ nhiều người xung quanh thế? Tại sao một gã Pepa nào đó trên mạng lại có thể chỉ bảo tôi không nên xáo trộn chủng tộc và đánh giá mối quan hệ của chúng tôi là xấu? Rằng là tôi là người Séc thì nên chỉ có thể cặp với người Séc.
Tình yêu không phân biệt biên giới.
Những người thường xuyên nhìn nhận vấn đề xáo trộn chủng tộc là có hại cho xã hội thực sự chưa bao giờ biết giải thích cho tôi cụ thể tại sao nó lại xấu. Họ không thể lý giải được chúng tôi làm tổn thương hay phá hủy cuộc đời những người xung quanh bằng cách nào. Chưa bao giờ tôi nhận được câu trả lời thông minh cả. Như vậy thì việc bàn luận càng trở nên khó khăn. Tôi cũng đâu có ép buộc ai đó phải đi yêu người khác chủng tộc đâu. Tôi chẳng bao giờ xô đẩy ai vào cái gì cả. Nhưng mà tại sao nhiều người lại cứ muốn xen vào giữa hai chúng tôi vậy?
Có rất nhiều người chửi bới rằng người Việt cướp việc làm của họ. Điều này thật ngớ ngẩn. Bất kể ai muốn lao động cũng sẽ tìm được công việc cho mình. Tuy nhiên như vậy thì nhiều người phải không được lười biếng và kén chọn. Dĩ nhiên là chẳng ai có thể kiếm được 20 nghìn tiền sạch mỗi tháng cho công việc hầu như không phải làm gì. Người Việt Nam làm việc ở đây – nhưng kể cả khi họ không làm việc thì cũng chẳng có mấy người Séc muốn làm thay công việc của họ. Những người Séc làm công việc hệt người Việt Nam thường có nhiều lợi thế hơn nhờ màu da của mình – họ có thể tăng giá gấp 5 lần mà khách hàng vẫn tới mua hàng của họ nhiều hơn. Những người này đặt sự tin tưởng của mình vào những người bán hàng vì họ là người da trắng mà không hề biết số hàng này cũng bắt nguồn từ một kho. Thế nên thực sự nếu ai muốn làm công việc giống hệt người Việt Nam thì cứ việc. Người Việt cũng sẽ không cạnh tranh mấy với mọi người đâu.
Tuy nhiên thực sự các bạn nghĩ mình có thể làm công việc như họ? Thực sự các bạn có thể làm việc 7 ngày trong tuần và sẵn sàng làm đến 8 giờ tối? Đôi khi thậm chí đến 9 giờ. Các bạn cũng quên đến những kì nghỉ đi nhé. Người Việt làm việc cả trong ngày lễ, các bạn thậm chí có thể đi mua đồ tại cừa hàng họ thậm chí trong ngày Noel. Họ làm việc quần quật và quý trọng công việc của mình. Tất cả những ai đã từng thử công việc trên đồng lúa với lương bố thí đều biết quý trọng công việc. Số tiền họ làm ra thường được dành cho con về thăm Việt Nam để hiểu biết thêm về đất nước của mình.
Người Việt cũng rất coi trọng học thức, họ luôn cố ép con mình vào học các trường đại học. Điều này cũng dễ hiểu – bố mẹ thường không muốn con cái mình phải làm việc như họ. Họ muốn con mình có được công việc tốt hơn – và việc nhận được nền giáo dục như thế này tại Việt Nam thường không mấy đơn giản. Học sinh Việt thường học giỏi môn toán (những thứ học sinh Séc được học ở lớp 7 học sinh Việt Nam đã biết từ lớp 3), song hệ thống giáo dục của họ không mấy phát triển. Hình thức phạt bằng đòn roi vẫn hay được áp dụng và nếu muốn con mình nhận được nền giáo dục tốt hơn thì cha mẹ phải trả thêm tiền. Do vậy việc phụ huynh muốn con mình có được tương lai sáng sủa hơn cũng là lẽ tự nhiên.
Tôi không thích kiểu nhiều người cứ vơ đũa cả nắm. Đúng là có những người Việt Nam trồng cần sa hay mở lò mổ chó và cũng có những người bán hàng nhái. Đấy là những người chúng ta biết đến qua thời sự trên ti vi. Những người này thường không thể ngạc nhiên khi mình bị phạt hay bị trục xuất. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không biết đến gì cả về những người bán hàng bình thường, không trồng cần sa và cũng chỉ ăn thịt chó ở Việt Nam. Và những người này tuy nhiều hơn con số kia, song lại là số đông thầm lặng.
Có rất nhiều lần tôi nghe thấy nhiều người lên án người châu Á chuyện họ ăn thịt chó mèo. Ở Việt Nam, việc ăn thịt chó là bình thường. Tại đây, điều này bị cấm đoán nên nhiều người không hề biết đến miếng thịt chó trong nhiều năm. Trẻ em Việt Nam thường chưa bao giờ ăn thịt chó và cũng không muốn ăn nó bởi chúng lớn lên tại đây và coi chó như thú nuôi trong gia đình. Tuy nhiên người lớn ở Việt Nam sẵn sàng ăn thịt chó. Mà tại sao không? Chó với lợn có gì khác nhau cơ chứ? Tại Séc, con lợn cũng có thể được nuôi trong môi trường tồi tệ - mà sự thông minh của nó còn nhỉnh hơn chút ít chú chó bình thường. Nếu như ở châu Á người ta cũng nuôi dạy chó như thế thì đấy cũng là xấu và phi đạo đức? Tôi thực sự vẫn chưa biết sự khác biệt ở đây là gì.
Tôi đồng tình với việc mỗi con vật đều có quyền được sống trong môi trường đàng hoàng kể cả khi nó được nuôi lấy thịt. Chúng ta chẳng có gì để mà trách móc người châu Á cả. Tôi không có thắc mắc gì về việc ăn thịt chó và thịt mèo tại châu Á. Đấy hoàn toàn là việc của họ. Việc điều này ở đây bị cấm nên không ai ăn không có nghĩa là ở nơi khác người ta không thể. Những người mở lò mổ chó tại Séc thường bị bắt và trục xuất về Việt Nam nên chúng ta không cần phải lo sợ sẽ gặp phải thịt chó trong thực đơn của mình. Ngoài ra ví dụ bạn trai của tôi cũng không bao giờ ăn thịt thỏ bởi anh ấy coi nó như vật nuôi trong nhà và ở Việt Nam người ta cũng không ăn thịt thỏ. Có lần tôi mời anh ấy ăn thử, nhưng anh ấy nhìn tôi như kẻ điên :-D.
Một điều tiếp theo khiến người Việt tại đây hay bị chỉ trích là việc họ không biết tiếng Séc. Nhiều người sống ở đây khá lâu, song tiếng Séc đối với họ không quan trọng. Lý do ở đây rất đơn giản – họ là một cộng đồng khá khép kín. Ngoài khách hàng ra họ hầu như không quen biết người Séc nào cả. Do vậy họ cũng chẳng mấy cần đến tiếng Séc. Ở chợ họ chỉ cần biết số, vài từ đơn giản và cách chào hỏi. Mọi người muốn nghĩ gì thì nghĩ, nhưng tiếng Séc là thứ tiếng hết sức khó. Đặc biệt đối với người nói ngôn ngữ âm sắc. Họ chỉ cần đến tiếng Séc khi đi xin quốc tịch. Nhưng phần lớn cảm thấy hài lòng với cư trú vĩnh viễn và không cần tới quốc tịch. Đằng nào họ cũng sẽ quay trở về quê hương mình khi về già.
Các bạn đừng nghĩ rằng việc sống tại đất nước này và bị coi là "người khác“ dễ dàng lắm. Mọi ánh mắt đổ dồn về phía bạn từ mọi nơi; những lời nói xấu, định kiến và xúc phạm xuất hiện từ mọi phía. Tôi thực sự không thích cách xưng xô của người Séc với người Việt Nam chút nào. Việc họ dùng ngôn từ "ty“ thay cho "vy“ đủ để thể hiện cách họ khinh thường người Việt. Nhiều người trong số họ thậm chí còn là người lớn. Đừng nghĩ rằng khi người Việt không giỏi tiếng Séc thì họ sẽ không hiểu. Ở Việt Nam, việc thể hiện sự tôn kính hết sức quan trọng. Tôi sẵn sàng muốn tát những người dùng từ "ty“ khi xưng hô với người đối diện chỉ vì họ "da vàng“, song có thể hơn rất nhiều tuổi. Cách xử sự thế này chỉ có ở những người không được dạy dỗ tử tế.
Lời cuối tôi gửi đến các bạn là tôi cảm thấy vui mừng khi lớp trẻ ngày càng bớt đánh giá người khác qua màu da. Vào thời buổi bay giờ, việc ở lớp 1 có bạn Anh ngồi cạnh Anička và sau họ là Linh với Verunka là điều bình thường. Kể cả việc bạn có trong lớp tại trường học hai người bạn Việt Nam cũng thế. Và bình thường hơn nữa là việc các bạn học coi họ như bạn bè. Những đứa trẻ này sẽ nhớ lấy điều ấy và khi lớn lên chúng sẽ không trở thành những người theo chủ nghĩa cực đoan mà sẽ là những người rộng lượng. Và tôi cảm thấy mừng vì điều đó.
Thu Uyên (Vietinfo)