Ngồi xe lăn vẫn đam mê thiết kế thời trang
Sinh ra tại mảnh đất Phủ Lý, Hà Nam, cuộc sống của Nguyễn Thị Hậu có rất nhiều ngã rẽ. Ngã rẽ đầu tiên là khi Hậu lên 5. Cô con gái duy nhất ấy luôn là niềm hạnh phúc của gia đình. Tuổi thơ của Hậu cứ thế trôi đi trong tình yêu thương tràn ngập và sự nhường nhịn của ba anh trai.
Cô bé Mèo Hen (tên gọi thân mật lúc nhỏ của Hậu - PV) nghịch ngợm, lúc nào cũng thích những trò chơi của con trai, bỗng một ngày phải ngồi một chỗ sau trận sốt bại liệt lúc lên 5. Đôi chân của Hậu đã không thể đi lại được.
Hậu luôn giữ nụ cười rạng rỡ trên gương mặt "thiên thần"của mình.
Cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn. Khó khăn lắm gia đình Hậu mới quen được với cảnh "sinh con lành lặn nhưng nuôi con bệnh tật yếu ớt". Dù bố mẹ theo ngành y, đã cứu chữa lành lặn cho biết bao nhiêu người nhưng lại bất lực trước bệnh tật của con gái.
Vẫn được tới trường, nhưng với đôi chân không bình thường như các bạn cùng trang lứa và tâm hồn đa sầu, đa cảm với niềm mong ước là được tung tăng chạy nhảy đã không thành hiện thực, Hậu dần thu mình với rất nhiều mặc cảm. Đối diện với đứa con gái tật nguyền yếu ớt, người bố đã từng vào ra trong quân ngũ luôn nghiêm khắc trong việc học tập của con. Nhưng chính sự nghiêm khắc ấy đã cho Hậu sự tự tin trong cuộc sống cũng như nghị lực để vươn lên.
Phần vì đi lại khó khăn, phần vì thương người thân vất vả mỗi khi đưa mình tới trường, Hậu đã chấp nhận mọi sự định hướng của bố mẹ. Học hết lớp 9, Hậu bắt đầu tập quen dần với cuộc sống tự lập. Nhưng chính sự an phận đó lại là bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Hậu.
Ở cái tuổi với rất nhiều mơ mộng và dự định, một cô gái khuyết tật như Hậu lại một thân một mình lạc lõng giữa chốn Hà thành để theo học ngành Thiết kế thời trang. Ban đầu chỉ là học để giải quyết tâm lý, để khỏi hụt hẫng khi phải rời xa mái trường, xa sách vở. Làm bạn với chiếc máy khâu, nhiều lúc Hậu đã khóc vì đôi chân khó tự kiểm soát mỗi khi sử dụng mô tơ điện. Hậu cố gắng rồi cũng thành đam mê.
Học không bao giờ là muộn
Sau khi thành nghề, Hậu về nhà mở cửa hàng được hai năm, lấy ít vốn lại khăn gói lên Hà Nội học thêm với suy nghĩ của tuổi trẻ muốn được khám phá và chứng minh khả năng của mình. Khi đó không ít người đã nghĩ: Hậu đang theo đuổi những điều rất mơ hồ. Nhưng với tính cách độc lập, Hậu vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Hậu đã cùng anh trai rong ruổi không biết bao con đường, gõ cửa rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ nhưng đâu đâu cũng nhận được những cái lắc đầu chỉ bởi: "Mình là người khuyết tật", Hậu tâm sự.
Trăn trở mãi, cuối cùng Hậu cũng quyết định nhận hàng cao cấp cắt sẵn về may để vừa tự học, vừa làm. Hậu trưởng thành nhiều hơn trong sự tin tưởng của khách hàng. Có những lúc Hậu làm quên ăn, quên ngủ. "Bà chủ nhỏ" ấy đã dần có được "chỗ đứng" trong nghề. Những bộn bề lo toan cho cuộc sống, những cảnh "thương trường" luôn nhắc nhở Hậu không quên chuyện đèn sách.
Sau bốn năm miệt mài học hỏi và làm việc ở Hà Nội để chứng minh mình "tàn nhưng không phế", đã đến lúc Hậu phải tạm gác mọi công việc đã làm để thực hiện con đường học tập còn dang dở. Sau khi hoàn thành lớp bổ túc văn hóa cấp 3, Hậu nộp hồ sơ vào khoa Dược Trung, trường cao đẳng Y tế Phú Thọ (cơ sở tại Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Công nghệ Điện tử Hà Nội). Hậu muốn sau này được khoác lên mình tấm áo trắng. Vì Hà Nam nơi Hậu sinh ra còn nghèo, nên Hậu luôn khát khao một mai học xong có đủ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương. Dù lúc ấy không còn quá trẻ nhưng Hậu lại kiên định niềm tin "Học không bao giờ là quá muộn".
Những ngày đầu đi học, khi nhìn giảng đường ở tầng 2, kí túc xá thì ở tận tầng 5, có lúc Hậu chùn bước và lại nước mắt ngắn dài. Những lúc đó, Hậu đã cảm nhận được tình cảm của những người xung quanh mình: Thầy cô, bạn bè, những người đồng cảnh ở Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, các bạn trợ giúp cá nhân (PA). Họ đã luôn bên cạnh động viên và giúp Hậu tự vượt qua những giây phút yếu lòng. Các bạn PA đã không quản ngại, cõng Hậu lên lớp học, lên kí túc xá rồi đẩy xe lăn ra cửa hàng làm việc.
Ngày khai trường, Hậu đã hát trước rất nhiều người. Hậu hát bằng tình yêu thương, bằng tất cả những dòng suy nghĩ mà Hậu muốn gửi tới những người luôn đồng hành cùng Hậu trong mọi khó khăn. Trong mọi buổi giao lưu của Trung tâm Sống độc lập, Hậu luôn là "cây văn nghệ". Có những chương trình Tết trung thu, Noel... Hậu còn trở thành MC "bất đắc dĩ". "Mình không biết chuyên sâu về lĩnh vực nào, nhưng cái gì mình cũng biết, đủ để dùng trong những khi cần", Hậu cười.
Đám cưới cuối năm 2012 với người bạn thân thiết nhiều năm là kết thúc có hậu cho chuyện tình của hai người.
Cô chủ nhỏ và hạnh phúc như mơ
Dù đã có sách vở làm bạn nhưng Hậu vẫn thấy mình có quá nhiều thời gian dư thừa. Nghĩ là làm, Hậu mạnh dạn đề xuất với nhà trường về ý tưởng kinh doanh sim thẻ điện thoại của mình và được nhà trường đồng ý cho thuê lại gian hàng ngay cạnh trường. Năm 2009, Hậu dành toàn bộ số tiền tích cóp được khi làm may để đầu tư vào lĩnh vực mới mà thị trường đang "nóng" từng ngày.
Chuyển sang một bước ngoặt mới, Hậu lại gặp rất nhiều khó khăn vì trong tay Hậu khi đó kinh nghiệm quản lý chỉ là con số 0. Đối diện với suy nghĩ "Cuộc đời có quá nhiều ngã rẽ dễ dàng làm cho con người ta mất phương hướng", Hậu lại dặn mình phải cố gắng gấp 10 lần những người bình thường. Vừa kinh doanh, Hậu vừa miệt mài nghiên cứu thị trường cũng như những cách thức quản lý và kĩ năng sử dụng các phần mềm trên internet.
Đến nay, mặc dù xung quanh có rất nhiều điểm bán sim thẻ cùng mở, nhưng điểm bưu điện của Hậu lúc nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào, mặc dù Hậu không đưa ra bất kì "chiêu thức" cạnh tranh nào. Hậu gọi đó là "lộc" trong kinh doanh. Những ngày khuyến mại, Hậu thường phải thức tới 12h đêm. Bạn bè tới đưa Hậu về kí túc xá. Hậu lại chìm vào những giấc ngủ ngon để ngày mai lại lên giảng đường và tiếp tục với công việc cùng các bạn trợ giúp cá nhân của Trung tâm Sống độc lập.
Khi được hỏi về thu nhập Hậu chỉ mỉm cười: "Đó là bí mật trong kinh doanh". Hậu đã chững chạc rất nhiều sau khi dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh mới khi công việc phải tiếp xúc với rất nhiều người, người tốt có, người xấu cũng không ít... Nhưng mỗi con người lại cho Hậu những cách nhìn cuộc sống cũng như những bài học trong kinh doanh.
Những ngày này, Hậu vừa kinh doanh trong vai trò quản lý vừa đi học. Hậu thuê thêm hai nhân viên để mình có nhiều thời gian tập trung cho công việc. Không chỉ là sim thẻ, Hậu còn đa dạng hóa thêm nhiều mặt hàng là các linh phụ kiện điện thoại. Cô gái nhỏ ấy luôn "cháy" hết mình cùng công việc để chứng minh con đường mình đang đi không bao giờ là hão huyền và bố mẹ sẽ luôn yên tâm về tương lai của đứa con gái duy nhất.
Giờ đây, Hậu cảm thấy có trách nhiệm hơn với con đường đã chọn, với lương tâm nghề nghiệp để xứng đáng với danh hiệu "chiến sĩ áo trắng" như thầy cô trong trường đã từng cống hiến cho sự nghiệp, như bố mẹ và hai anh trai của Hậu đang từng ngày chữa lành bệnh cho rất nhiều người.
Phía trước với vợ chồng Hậu còn rất nhiều chông gai. Nhưng Hậu luôn tin mình sẽ vượt qua tất cả để trở thành người có ích cho xã hội. Khoảnh khắc ngày khai giảng vẫn còn mãi trong Hậu: "Trên đường đời, hành lý mà con người mang theo đó là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng", Hậu mỉm cười.
Nguyễn Huệ