Để có kinh phí đào tạo và ăn uống sinh hoạt miễn phí hàng ngày cho họ, chị đi kêu gọi các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ và trích 5% doanh thu từ việc bán hàng của mình.
Kiên trì mục tiêu đến cùng
Bố của Nguyễn Thị Thu Thương làm việc tại một công ty xây dựng nay đã nghỉ hưu, mẹ làm thợ may tự do. Quê chị ở xã Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Nội). Năm Thương 11 tuổi, cả gia đình chuyển ra thành phố sinh sống tại căn nhà nho nhỏ được cơ quan của bố phân cho để tiện việc điều trị và chăm sóc bệnh tình của chị.
Căn nhà số 13, ngõ 11 nằm khuất sâu trong một con ngõ nhỏ phố Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội) từ lâu đã trở thành một địa chỉ thân quen của những người khuyết tật. Người dân khu phố này biết đến chị Thu Thương như một tấm gương sáng, điển hình về sự vươn lên trong cuộc sống và gieo niềm tin cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, chị còn dạy nghề cho họ làm những sản phẩm thủ công bằng cúc áo, bằng giấy cuốn nghệ thuật.
Thu Thương bên sản phẩm là chiếc đèn kết bằng cúc
Khuôn mặt sáng sủa, đeo cặp kính cận dày cộm, tươi cười và giọng nói đầy tự tin, đó là những điều mà người đối diện dễ nhận thấy ở chị Thu Thương. Điều mà ít ai nghĩ rằng một người mắc bệnh xương thủy tinh, không đứng được bằng chính đôi chân của mình lại làm được điều kỳ diệu vượt qua chính mình và giúp đỡ những người khác.
Nhớ về ngày còn nhỏ, chị Thu Thương ngậm ngùi: "Mẹ tôi bảo, khi tôi mới chào đời cũng ăn uống, khóc cười như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng mỗi lần thay tã, tôi đều khóc thét lên. Sau đó, bố mẹ đưa tôi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh xương thủy tinh. Bệnh này xương rất giòn và dễ gãy, phải rất cẩn thận nếu không sẽ bị gãy chân, gãy tay bất cứ lúc nào. Bởi vậy mà bố mẹ không cho tôi đi học cùng các bạn. Đến năm em gái tôi học lớp một, tôi mới được bố mẹ dạy chữ".
Tuổi thơ của Thu Thương cứ thế trôi đi trong sự đùm bọc, yêu thương của gia đình. Khi đã lớn, chị nhận ra bản thân mình là gánh nặng của người khác nên đã đến lúc phải thay đổi: "Ngày còn nhỏ, trong suy nghĩ của tôi, con người sinh ra chỉ có ba việc là ăn, làm việc và vui chơi. Vậy mình không phải làm, chỉ việc ăn và chơi vì đã có bố mẹ lo rồi. Nhưng lớn lên, tôi thấy bản thân thật vô dụng, chỉ ăn rồi xem ti vi. Rồi một lần tôi đi xe lăn đến chơi chỗ mẹ làm, tôi mới hiểu công việc của mẹ bận bịu và vất vả thế nào. Vô tình có một bác làm cùng mẹ hỏi tôi: "Cháu đến đây chơi có giúp được gì cho mẹ không?", lúc đó tôi chỉ biết ôm mặt khóc và ngay tối hôm tôi đòi bố mẹ cho đi học nghề bằng được".
Trong tâm trí của Thu Thương không thể quên những ngày đầu mới học nghề tại Trung tâm khuyết tật Vì ngày mai (Hà Nội). Để đan được những chiếc khuy vào nhau, đôi bàn tay yếu mềm, nhỏ bé của chị phải kéo chỉ và ghì thật chặt. Việc bị chỉ cứa đứt tay thường xuyên xảy ra, nhiều lần rồi cũng chai sạn và thành quen. Nhiều người học cùng với chị phải chuyển sang học việc khác hoặc bỏ học, nhưng chị vẫn kiên chì và chịu khó theo đến cùng: "Tôi được học lớp đan sản phẩm thủ công bằng khuy áo. Mới đầu cũng khó khăn và đau tay lắm nhưng càng học tôi càng thích, bởi trong đầu luôn nghĩ công việc này sẽ có ích cho bản thân sau này nên phải cố gắng".
"Cô gái thủy tinh" đang hoàn thành bức tranh giấy cuốn Trống đồng Đông Sơn
Theo Thu Thương, trong một thân hình luôn có hai con người cùng tồn tại. Một con người sống thật với bản thân mình và một người sống vì những người xung quanh. Con người sống thật với mình thì đừng biểu hiện ra bên ngoài, hãy cất giấu những thiệt thòi, bất hạnh và nước mắt vào bên trong. Con người thứ hai sẽ sống vì những người xung quanh. Cho dù có buồn, có đau khổ đến mức nào đi nữa thì vẫn phải sống vui vẻ để những người yêu thương mình không phải buồn, phải suy nghĩ và bận tâm nhiều.
Người khuyết tật nếu không vươn lên trong cuộc sống thì tâm trí và cơ thể sẽ ngày càng tụt dốc và luôn cảm thấy nặng nề. Khi đã chấp nhận sự thật thì hãy sống và làm việc hết mình, mọi người sẽ đón nhận bạn như một người đáng kính. Nếu người khuyết tật mà không biết vươn lên và cố gắng thì trước tiên bản thân người đó khổ và mọi người sẽ không quan tâm, không đón nhận, đừng tách mình ra một thế giới riêng".
Dạy nghề miễn phí
Làm việc và học nghề tại trung tâm được một năm, Thu Thương đã mạnh dạn xin về nhà tự làm và bán sản phẩm tại nhà. Công việc mới đầu cũng khó khăn bởi sản phẩm làm ra ít người biết đến. Nhưng dần dần sản phẩm của chị đã đến tay người tiêu dùng, sản phẩm làm đến đâu bán hết đến đó. Chị Thương cho biết: "Mới đầu mang hàng về nhà cũng gặp nhiều khó khăn, sản phẩm mới khó bán. Tôi tin rằng nếu mình tâm huyết, đam mê thì một ngày nào đó sản phẩm của mình sẽ được nhiều người biết đến. Bản thân tôi lúc đó không quan tâm nhiều đến việc có bán được nhiều hàng hay không, thu nhập ra sao? Lúc đó tôi chỉ thấy yêu thích công việc này thì làm và nghĩ nó sẽ tốt cho mình sau này".
Công việc mỗi lúc một thuận lợi, bằng chính bàn tay của mình, chị Thu Thương đã tích cóp mua được một chiếc điện thoại, máy tính và lập một website bán hàng qua mạng. Ngoài công việc làm đèn thủ công kết bằng những chiếc khuy áo, chị Thu Thương còn học thêm nghề cuốn giấy nghệ thuật. Chị bảo làm giấy cuốn nghệ thuật nhẹ nhàng và phù hợp với người khuyết tật hơn. Hơn nữa, sản phẩm làm ra cần đa dạng và đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.
Dù nằm một chỗ, nhưng Thu Thương vẫn bán được các sản phẩm ở nhiều kênh khác nhau, trong đó có website thuongthuong.net mà chị làm quản trị bán hàng qua mạng. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng được bày bán và treo khắp gian phòng của chị xen lẫn với những giấy khen, bằng khen, huy chương, giải thưởng chị được các tổ chức, cơ quan trao tặng.
Cô gái xương thủy tinh thích hát và hát cũng rất hay
Không chỉ dừng lại ở việc tự mình làm và bán sản phẩm, Thu Thương còn đào tạo nghề miễn phí cho những người khuyết tật muốn học nghề. Đặc biệt, những học viên ở xa đến học nghề đều được chị bao ăn nghỉ tại chỗ miễn phí. Năm ngoái, số học viên đến xin học lên tới 15 người, trong đó có 6 người ở các tỉnh xa nên phải ở lại.
Căn phòng nhỏ mà bố mẹ dành cho chị đã trở thành nơi ăn ngủ và lớp học dạy nghề cho những người đồng cảnh. "Họ cũng như tôi trước đây, thường cảm thấy buồn chán và tủi thân. Mình đã biết nghề thì phải có trách nhiệm giúp những người khác. Cứ người này giúp người kia, người khuyết tật sẽ sống hòa nhập và tự tin hơn trong xã hội. Hạnh phúc biết bao khi chính đôi tay mình làm ra những sản phẩm có ích cho mọi người lại có thêm thu nhập", Thu Thương chia sẻ.
Không chỉ giúp đỡ những người đồng tật có công ăn việc làm và thu nhập hàng tháng, Thu Thương còn thăm hỏi động viên và gieo niềm tin cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị tâm niệm rằng, ông trời không đóng cửa với bất cứ ai, trong hoàn cảnh nào cũng có lối thoát, tia sáng, điều quan trọng có dám chấp nhận và vượt qua hay không.
Chị chia sẻ: "Tết vừa rồi về quê, tôi đến thăm và động viên người chú ở gần nhà bị tai nạn giao thông dẫn đến đôi chân bị tàn phế. Chú chỉ ăn nằm một chỗ và không dám đối mặt với sự thật, lúc nào cũng chỉ muốn ngủ để quên đi thực tại. Tôi đã khuyên chú rất nhiều và hứa sẽ giúp chú học nghề và làm việc để có thu nhập và không phụ thuộc vào bố mẹ già yếu. Tôi tin là lần tới tôi về, chú sẽ đồng ý học nghề và thay đổi cách nhìn tích cực và lạc quan hơn trong cuộc sống".
"Tôi nghĩ rằng làm việc gì cũng phải có chữ tâm, chữ đức ở trong đó, có như vậy lương tâm mới thanh thản. Nhiệt tình giúp đỡ người khác mà không cần người đó giúp lại, bản thân mình sẽ thấy vui hơn và những điều tốt đẹp sẽ đến. Tôi luôn tạo điều kiện cho những người khuyết tật ở xa muốn có một công việc phù hợp và một phần thu nhập giúp gia đình. Mọi chi phí từ chỗ ăn, chỗ ngủ đến học nghề đều miễn phí, trích từ quỹ Thương Thương của cửa hàng và các nhà hảo tâm ủng hộ. Tôi luôn chào đón những bạn khuyết tật mong muốn và đam mê học nghề để sau này có việc làm, thu nhập ổn định hàng tháng", Thu Thương nói. |
Thiên Vũ