Airi Hirase (27 tuổi) tâm sự cô đã phải chịu đựng sự ngược đãi không ngừng khi còn nhỏ. Cô tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ là "cách duy nhất để bản thân có thể sống".
Cô gái người Nhật Bản đã chia sẻ hành trình trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, tiêu tốn khoảng 170.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Sinh ra ở Ibaraki (Nhật), Hirase cho biết cô có một tuổi thơ buồn bã, thường xuyên bị bắt nạt vì ngoại hình không ưa nhìn.
Bạn bè nói rằng cô "trông giống đàn ông" trong khi mẹ của Hirase thường xuyên chỉ trích ngoại hình con gái, nói cô giống cha mình - người phản bội vợ và để lại gánh nặng nợ nần.
Hirase cho biết cô từng tự ti và sợ gương, thậm chí đập vỡ gương khi giận dữ về ngoại hình của mình. Năm 15 tuổi, cô bắt đầu làm các công việc bán thời gian như hỗ trợ người khác chuyển nhà, làm nhân viên bảo vệ... để kiếm tiền làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô cũng rời nhà mẹ và thuê căn hộ một phòng cũ giá rẻ. Hirase phải xoay xở làm hai công việc bán thời gian và chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày. "Tôi làm tất cả điều này chỉ để sống'', cô nói.
Năm 19 tuổi, Hirase có ca phẫu thuật đầu tiên và thu hút lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội. Ở đó, Hirase chia sẻ những bức ảnh trước và sau phẫu thuật làm nổi bật sự thay đổi ngoại hình.
Theo SCMP, sau 27 lần "dao kéo", Hirase đã trở thành con người hoàn toàn khác. Cuộc sống của cô gái cũng có sự thay đổi lớn. Hirase còn chia sẻ dự định sẽ thực hiện thêm những thủ thuật khác khi có điều kiện trong tương lai.
Trải nghiệm và tâm sự của cô gái Nhật được nhiều người đồng cảm với 1,1 triệu tài khoản theo dõi trên Instagram và 300.000 trên X. Cô cũng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình thực tế và tạp chí thời trang.
Mặc dù hài lòng với ngoại hình mới của mình, Hirase thừa nhận vẫn đang đấu tranh với sự tự ti. Cô bày tỏ rằng có lẽ sẽ không phẫu thuật thẩm mỹ nếu không bị mẹ ngược đãi.
Khi được hỏi về cảm xúc của cô nếu những đứa con tương lai giống mình trước phẫu thuật, Hirase nói: "Tôi sẽ không bao giờ hành động như mẹ tôi. Tôi sẽ dành cho các con tôi thật nhiều tình yêu thương và sự chăm sóc", cô nói.
Chuyên gia tư vấn tâm lý người Trung Quốc Zhang Xiwen cho biết những người hay mặc cảm, tự ti có xu hướng phủ nhận giá trị của mình, bất kể họ đã thành công như thế nào. Bà cho biết họ phải đấu tranh để bỏ qua những phán xét của người khác và tập trung vào bản thân.
"Để yêu bản thân, bạn cần chấp nhận con người thật của mình", bà nói.
Người dùng mạng xã hội có nhiều bình luận trái chiều về Hirase. Có người khen cô phi thường, có thể thành công trong mọi việc nhờ kiên trì và khả năng tự chủ. Số khác cảm thấy thương hại cô, khi trở thành nạn nhân của cha mẹ vô trách nhiệm
"Hirase là một người phi thường. Cô ấy có thể thành công trong bất cứ việc gì với sự kiên trì và khả năng tự chủ", một cư dân mạng ca ngợi.
Một người khác bày tỏ sự thông cảm: "Cô ấy là nạn nhân của cha mẹ vô trách nhiệm, những người đã truyền gene nhưng lại đổ lỗi cho con. Tôi mừng cho cô ấy khi đã tìm được lối thoát".
Minh Hoa (t/h)