Cô gái trẻ nuôi hai người mẹ bệnh tật

Cô gái trẻ nuôi hai người mẹ bệnh tật

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Buổi sáng Tuyết chăm sóc người mẹ ruột tâm thần còn buổi chiều cô đến nuôi người mẹ nuôi ốm yếu.

Trên đường đưa chúng tôi tìm đến nhà của mẹ con em Đỗ Thị Ánh Tuyết (21 tuổi, khu phố 4, Tân Vạn, Biên Hòa, Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Tài (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn) không giấu được xúc động. Ông Tài kể: “Cách đây 21 năm, khi cháu Tuyết vừa chào đời cũng là lúc bệnh tâm thần của bà Đỗ Kim Ngà (mẹ Tuyết) ngày một nặng. Suốt ngày bà lang thang hết chỗ này đến chỗ khác, tối về lại lảm nhảm, la hét...”

Những lúc lên cơn do động kinh người mẹ này lại ẵm con ra ngoài đường, ngoài chợ. Hồi ấy, có những bữa hai mẹ con họ không có gì để ăn, phải bồng bế nhau xin từng chén cơm, ổ bánh mì.

Pháp luật - Cô gái trẻ nuôi hai người mẹ bệnh tật

Tuyết đang chăm sóc người mẹ tâm thần

Lang thang cùng người mẹ tâm thần

Căn nhà nhỏ của mẹ con Tuyết nằm khuất trong một con hẻm sâu hút, ngay cả lối vào cũng không có. Bên trong căn nhà không có một vật dụng gì có giá trị ngoài chiếc xe đạp được một “mạnh thường quân” tốt bụng tặng cách đây không lâu.

Lúc gặp chúng tôi, bà Ngà đã khỏe lên nhiều sau hơn một tháng điều trị ở bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Bà kể lại: “Từ khi còn nhỏ, đầu óc tôi đã không bình thường, lúc tỉnh, lúc mê. Tôi chỉ nhớ cái ngày sinh bé Tuyết là vào một buổi tối”. Khi chúng tôi hỏi bố Tuyết là ai, bà Ngà ngậm ngùi bảo, trong một lần lên cơn đau bỏ nhà chạy ra ngoài đường, bà gặp phải một bọn lưu manh. Chúng lôi người phụ nữ vào một bãi đất trống hoang rồi thay nhau hãm hiếp. Sau đó về nhà, một thời gian gian sau bà có mang. Kể đến đây, ánh mắt bà Ngà vẫn hiện lên sự run sợ. Bà cúi mặt khóc nức nở.

Tuyết cho biết: “Gần đây, bệnh của mẹ em đã bớt nhiều lắm rồi. Mẹ không còn đi lang thang và nói nhảm nữa. Trước đây, mẹ bị bệnh tâm thần nên thường dẫn em đi lang thang hết chỗ này đến chỗ khác. Sáng thì xin ăn ở chợ, chiều đi đến các nhà dân. Nhiều lúc quên mất đường về nhà, mẹ lại chui vào một xó chợ để ngủ”. Khi Tuyết lớn lên, bắt hiểu chuyện và không đi theo mẹ nữa. Bà Ngà ngồi gần ôm Tuyết và bảo, những lúc phát bệnh, không có tiền mua thuốc, bà lên cơn, la mắng và đánh con bé đến chảy máu.

Tuyết kể, dù tinh thần bị tổn thương nhưng mẹ vẫn giữ được bản năng làm mẹ. Những lúc tỉnh, mẹ thường ôm em vào lòng và động viên em ráng học để người ta thấy, dù mẹ có bị bệnh tâm thần nhưng em vẫn ngoan hiền, học giỏi. Nhờ những lời động viên ấy mà Tuyết cố gắng học tập.

Lúc này, để nuôi con, bà Ngà hàng ngày đi bán vé số. Tuy nhiên, bị căn bệnh hành hạ nên những lúc khỏe bà mới đi bán được. Nhiều hôm, bà Ngà lấy vé số về nhưng lại quên mất không đi bán. Đến gần giờ xổ số, hai mẹ con lại tất tả chạy ngược chạy xuôi năn nỉ người trong xóm mua giúp. Đã vậy, nhiều lần bọn bất lương còn lừa vé số của bà Ngà rồi chiếm đoạt luôn tiền. Những lúc này, hai mẹ con Tuyết đành nhịn đói mấy ngày liền.

Năm Tuyết lên 13 tuổi, bà Bùi Thị Độ bán nước đá bên hông chợ Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai) thương tình đã nhận Tuyết làm con nuôi và lo cho cô ăn học. Dù may mắn có được một người mẹ nuôi, nhưng bà Độ cũng nghèo nên ngoài thời gian đi học, Tuyết còn phải phụ mẹ nuôi bán hàng ở chợ. Lên cấp 3, Tuyết bắt đầu đi dạy kèm cho các em nhỏ ở trong khu phố để kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải việc học và lấy tiền mua thuốc cho mẹ. Ông Nguyễn Văn Tài (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn) cho biết: “Mỗi tháng phòng LĐ - TB & XH phường trợ cấp xã hội cho bà Ngà 170 nghìn đồng, rồi Hội chữ thập đỏ còn hỗ trợ thêm gạo, quần áo và sách vở cho mẹ con bà Ngà.

Pháp luật - Cô gái trẻ nuôi hai người mẹ bệnh tật (Hình 2).

Đỗ Ánh Tuyết ước mong thành cô giáo

Gánh trên vai hai người mẹ

Bà Ngà năm nay đã 57 tuổi, còn người mẹ nuôi của Tuyết đã bước sang tuổi 70. Cả hai người mẹ đều nghèo khó, bệnh tật. Những ngày trái gió trở trời, buổi sáng Tuyết chạy qua chăm sóc cho mẹ nuôi, buổi chiều lại về bên này lo cho mẹ ruột. Dù vậy, cô gái dáng người nhỏ nhắn này lại có thành tích học tập rất đáng nể. 12 năm liền cô đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Tuyết cho biết: "Năm em học lớp 12, trong một lần đi bán vé số mẹ đã bị một người lạ đánh đến thương tích đầy mình và lâm bệnh nặng. Mẹ phải nằm bệnh viện điều trị cả 2 tháng. Hồi đó, em phải vừa học, vừa đi dạy kèm, lúc nào rảnh rỗi vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Nhưng khi ra viện được vài tháng, mẹ lại phát bệnh nặng nên phải điều trị nội trú gần một năm rưỡi nữa”. Tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng Tuyết vẫn đậu tốt nghiệp THPT loại giỏi. Sau đó, cô vỡ òa khi đỗ Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai.

Bà Độ, mẹ nuôi của Tuyết kể: “Sau những giờ học trên lớp, Tuyết lại chạy đi dạy kèm cho các em trong xóm. Nhiều bữa đi học về con bé mệt la mà nhà không có gì để ăn. Tôi thì già rồi không đứng dậy nấu cơm được”. Được biết, công việc dạy kèm của Tuyết mỗi tháng được gần 700 ngàn đồng. Cô trích một phần cho chi phí học tập, sinh hoạt còn đâu mua thêm thuốc cho mẹ Ngà.

Thầy Mai Anh Tuấn, chủ nhiệm lớp Hóa - Sinh K32 nói về cô sinh viên đặc biệt của mình: “Chúng tôi đều khâm phục cô bé. Tuyết đã vượt qua hoàn cảnh gia đình để đến trường. Bây giờ chỉ cần em cố gắng học tập để ra trường thì một tương lai tươi sáng đang đợi em ở phía trước”. Thầy Tuấn cho biết thêm, Tuyết không chỉ chăm học mà còn ngoan hiền, hiếu thảo. Cô bé chính là chỗ nương tự của hai người mẹ già yếu, ốm đau. Mặc dù bận nhiều việc nhưng thành tích học tập của em vẫn rất tốt.

Trước mặt Tuyết là hai người mẹ, một người bị bệnh tật hành hạ, một người thì già yếu. Một chặng đường dài khó khăn trong học tập và cuộc sống đang đợi Tuyết phải nỗ lực vượt qua.

Tuyết tâm sự: “Em mong sau khi ra trường sẽ xin được việc làm ở một trường THPT gần nhà. Làm ở đó em sẽ có thời gian, điều kiện chăm sóc, đỡ đần cho mẹ Ngà và mẹ Độ”. Nhìn dáng Tuyết lẻ loi dắt chuyến xe đạp cà tàng chuẩn bị cho giờ dạy thêm, chúng tôi cảm thấy quặn lòng và cảm phục nghị lực vượt khó phi thường của cô sinh viên nghèo hiếu thảo.

10 tuổi đi vác gạch kiếm tiền nuôi mẹ

Gia cảnh nghèo khó, cơm ăn không đủ no, áo mặc không được lành nên khi lên 10 tuổi Tuyết đã phải đi lao động kiếm sống. Hết bán vé số, lại ra chợ phụ bán hàng, rồi đi chuyển gạch lên xe để kiếm tiền...Dù cuộc sống bất hạnh nhưng Tuyết không lúc nào là buông xuôi, bỏ mặc mẹ. Nhưng điều làm Tuyết buồn nhất là việc bị bạn bè xa lánh vì em là con của một người mẹ bị bệnh tâm thần và không có cha. Từ nhỏ đến giờ, cô có rất ít bạn. Những người bạn hiểu, thông cảm cho Tuyết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thắng Trần


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.