Đây là câu chuyện khởi nghiệp của chị Lê Thị Minh Thư (27 tuổi, trú tại ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, Đồng Tháp).
Theo Nông Thôn Việt, 6 năm trước, chị quyết định sử dụng 30 triệu đồng, là số tiền bán vàng cưới của mình để nuôi rắn ri cá.
Toàn bộ số tiền này chị đầu tư vào mua 300 con rắn ri cá giống và đầu tư xây bể xi măng để nuôi. Chị Thư cho biết lý do chọn rắn ri cá nuôi vì chị đã tìm hiểu qua, biết loại rắn này hình dạng cũng giống như ri voi nhưng thân hình dài hơn và ít hung dữ hơn. Chưa kể, nó là con vật dễ nuôi, ít công chăm sóc mà đầu ra đang rất ổn.
Sau 6 năm nuôi, hiện tại, chị đã có 2 cơ sở, mỗi cơ sở có 4 bể nuôi với tổng số rắn bố mẹ là 2.000 con, mỗi con trọng lượng từ 1-2kg. Với số lượng này, chị bán 2 tấn rắn thịt mỗi năm và trên 10.000 con rắn giống.
“Rắn giống thì tôi sẽ bán giá từ 45.000 đồng – 80.000 đồng/con, rắn thịt bán được giá khoảng 450.000 đồng/kg. Những con giống sẽ có kích thước khoảng 20-25cm và trưởng thành có kích thước khoảng 50-70cm”, chị chia sẻ.
Chị Minh Thư bán cả con giống và rắn thương phẩm vì cả hai đều là mặt hàng thị trường rất cần. Mỗi năm trừ tất cả chi phí, chị thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Thức ăn chủ yếu của rắn ri cá là các loại cá vừa và nhỏ, các loài ếch nhái và các loài giáp xác thủy sản. Chị thường mua cá tạp, mỗi cân chỉ 15.000 đồng mà có thể đủ cho 200 con rắn con ăn hoặc 20 con rắn lớn. Chi phí thức ăn mỗi tháng không nhiều.
Rắn khi trưởng thành có cân nặng từ 500 – 800 gram. Người nuôi nếu chăm sóc kỹ, thức ăn đầy đủ, sau 15 - 18 tháng tuổi rắn có thể đạt trọng lượng từ 1 - 1,7kg/con.
Chị Thư cho biết nuôi rắn ri cá có nhiều cái lợi hơn rắn ri voi. Thịt ngọt hơn rắn ri voi mặc dù ít thịt hơn. Về giá, rắn ri voi giá thương phẩm cao hơn từ 100.000 – 200.000 đồng/kg nhưng rắn ri cá dễ nuôi, dễ chăm sóc hơn nhờ kháng bệnh tốt, tiền đầu tư cũng ít hơn, rất thích hợp với kinh tế hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cũng nhờ nuôi rắn ri cá, anh Bùi Hoàng Bằng, ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo VOV, điều khác lạ là thay vì thả rắn trực tiếp vào bể hoặc ao, mương để nuôi như nhiều nông dân ở ĐBSCL đã thực hiện thì anh Bằng làm vèo (mùng lưới) để nuôi rắn.
Ban đầu anh nuôi thử nghiệm 50 con. Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm anh nhận thấy rắn lớn khá nhanh, con mập mạp, anh liền tuyển chọn bán lứa đầu tiên được 30 triệu đồng. Số còn lại tiếp tục nuôi làm con giống cho sinh sản.
Theo Nông Nghiệp Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên anh Bằng khởi nghiệp bằng chăn nuôi mà ngay từ năm 2009 anh đã trải nghiệm với nghề nuôi thỏ, nhờ vậy mà anh đã rút ra được một bài học kinh nghiệm cho việc chọn mô hình nuôi rắn sau này.
Sau một thời gian mày mò với con rắn ri cá, anh đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, đặc biệt là quá trình cho rắn sinh sản. Từ tín hiệu tích cực ban đầu, anh tiếp tục đầu tư thêm vèo lưới, dọn ao mương, khai thông cống rãnh để chuẩn bị nuôi quy mô lớn hơn. Không bao lâu đàn rắn đã tăng lên hơn 1.000 con lớn nhỏ. Lúc bấy giờ anh mới tự tin dồn sức cho mô hình nuôi rắn trong vèo mà anh là tác giả.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn, anh đã thiết kề chuồng nuôi dưới nước bằng hình thức treo mùng lưới, còn gọi là “vèo”. Tất cả các vèo đều làm bằng lưới nylon đủ bảo đảm an toàn cho rắn không bò ra ngoài được. Kích thước mỗi vèo 3 x 2m, diện tích 6m2, có thể thả nuôi 17 con/m2.
Theo anh Bằng, chi phí để thả nuôi 1 vèo rắn 6m2 với 100 con rắn khoảng hơn 1 triệu đồng, gồm: Tiền con giống và vèo lưới. Còn phần thức ăn là các loại cá tạp có thể tự tìm kiếm hoặc mua của người dân đánh bắt trong tự nhiên.
Anh cho biết điều quan trọng là vèo nuôi phải thoáng, ao mương phải sạch, nước vô ra thường xuyên. Trong trường hợp mương vườn không có đường thoát nước cần thường xuyên sát trùng bằng vôi bột và muối. Có như thế rắn mới lớn nhanh và ít bị nhiễm bệnh. Một bí quyết quan trọng nữa là trong mỗi vèo cần thả lục bình vì lục bình có tác dụng lọc sạch nước, mặt ao mát mẻ và yên tĩnh, đồng thời cũng giúp cho rắn có nơi ẩn trú.
Theo kinh nghiệm của anh, nuôi rắn cho sinh sản phải chăm sóc thật kỹ, đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi con bố mẹ, cho ăn riêng, nhưng với niềm say mê nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính của loài bò sát này, anh đã vượt qua mọi mọi khó khăn ban đầu và đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo anh muốn cho rắn đẻ nhiều, người nuôi phải chọn con bố mẹ trước khi cho rắn phối giống. Cần nhốt chung phân nửa đực và phân nửa cái để rắn đẻ đều và đẻ nhiều. Tốt nhất là chọn những con bố mẹ có trọng lượng trên 800gr và cho giao phối từ đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 - 7 âm lịch.
Rắn ri cá mỗi năm con cái đẻ một lần, bình quân mỗi lần từ 10 - 30 con. Đối với rắn mẹ có trọng lượng trên 2kg có thể đẻ 35 con/lứa. Sau khi lọt khỏi mình mẹ, rắn con bám vào rễ lục bình, lúc đó người nuôi bắt ra nhốt riêng, sau một tuần mới bắt đầu cho ăn.
Người nuôi nếu chăm sóc kỹ, thức ăn đầy đủ, sau 15 - 18 tháng tuổi rắn có thể đạt trọng lượng từ 1 - 1,7kg/con. Muốn cho rắn mau lớn, phát triển đồng đều, trước khi thả vô vèo người nuôi phải chọn những con có kích cỡ bằng nhau, không dị tật và mạnh khỏe, nhanh nhẹn.
Về cách chăm sóc, đối với rắn thịt cứ 3 ngày anh cho ăn 1 lần và rắn đẻ mỗi tuần cho ăn 1 lần. Thức ăn chính của rắn là cá tạp như rô, sặt, rô phi và các loại cá trắng khác.
Thời điểm năm 2018, với 600 con rắn bố mẹ, anh Bằng cung ứng hàng ngàn con giống cho người nuôi trong vùng. Tổng thu nhập của anh Bằng từ bán rắn giống và rắn thương phẩm một năm hơn 400 triệu đồng. Được biết, mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo của anh Bằng đã đạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2017.
Minh Hoa (t/h)