Quyết tâm cao của cô gái xương dễ vỡ
Gặp Thương trong căn phòng nhỏ vừa là chỗ ở vừa là trụ sở "công ty", trong hơn một tiếng trò chuyện, tôi cảm nhận rất rõ vẻ lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào cuộc sống của cô gái tật nguyền này. Thương chỉ cao khoảng 80cm, nặng chưa đầy 20kg, bị bệnh xương thủy tinh và đôi chân teo tóp không thể đi lại.
Thương là con thứ hai trong gia đình có bốn anh chị em tại một xã nghèo thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Từ khi sinh ra, Thương đã không được bằng chị bằng em khi mắc bệnh xương thủy tinh. Chỉ cần Thương vận động mạnh, không may va vấp vào thứ gì đó cũng có thể khiến xương của cô bị gãy, đau đớn và phải mất một thời gian dài mới liền lại được. Điều đó khiến Thương gặp rất nhiều khó khăn và đó cũng là nguyên nhân khiến cô không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương bên sản phẩm dày công của mình
Không chịu bó tay trước số phận, vốn bản chất thông minh, Thương nghĩ: "Mình bị bệnh về xương nhưng cái đầu mình vẫn bình thường, vẫn còn suy nghĩ được". Vì thế, Thương đã thuyết phục mẹ dạy chữ cho mình. Vượt qua bao khó khăn, lúc 12 tuổi Thương đã "luyện chữ" thành công. Đến năm 15 tuổi, Thương đã đọc thông, viết thạo. Và cũng từ đó, Thương quyết tâm đỡ đần giúp mẹ.
Ngày đó, gia đình có nghề nấu rượu, thương mẹ vất vả, Thương nói với mẹ: "Mẹ cứ nấu rượu, rồi con sẽ giúp mẹ bán hàng. Tuy con không rót được rượu nhưng con biết tính tiền và đôi mắt còn nhìn được, không ai lấy trộm được đâu". Thế là từ đó, mẹ để cho Thương ở nhà phụ giúp mẹ bán rượu.
Nhưng rồi thấy có nhiều thời gian rảnh rỗi quá, Thương lại xin chị học đan vó. Thương nhớ lại: "Đấy sản phẩm tự tay mình làm ra đầu tiên trong đời. Với người bình thường chỉ mất một ngày là làm xong nhưng với mình thì phải mất 3-4 ngày. Làm xong nhờ mẹ bán được 27 nghìn đồng. Lúc đó, mẹ đưa hết tiền cho mình bảo muốn tiêu gì thì tiêu rồi mẹ ôm mình vào lòng, 2 mẹ con cùng khóc nức nở".
Đến năm 2000, trong một lần tình cờ xem chương trình "Người tốt việc tốt" nói về những người tật nguyền vượt lên số phận, Thương khát khao được làm nhiều việc có ích khác. Thế là Thương tìm đến trung tâm xã hội "Vì ngày mai" để học nghề. Không tự đi được, ngày nào bà Nguyễn Thị Vân, mẹ của Thương cũng bế con trên tay đưa tới trường.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, Thương không bỏ học buổi nào. Nhiều lúc trời mưa to, bà Vân thương con khuyên ở nhà để đảm bảo sức khỏe nhưng Thương quyết tâm không bỏ học.
Ở trung tâm Vì ngày mai, Thương được gặp bà Lê Thị Hiền (Giám đốc trung tâm) mà theo Thương đây chính là người mẹ thứ hai trong cuộc đời mình. Thương được bà Hiền dạy cho cách làm ra các sản phẩm từ cúc áo và các sợi chỉ.
Nhờ đôi tay khéo léo, chỉ trong 3 tháng, Thương đã có thể hoàn thành các sản phẩm mà bà Hiền đặt hàng. Thế rồi, từ ấy, Thương đã mày mò tự làm ra các sản phẩm với mẫu mã sáng tạo như: Đèn bàn, áo len, lọ hoa...
Không ngừng mơ ước
Được một thời gian, Thương nhận thấy nhu cầu thị trường không chỉ ưa chuộng các sản phẩm làm bằng cúc áo mà còn các sản phẩm "tranh quấn giấy nghệ thuật". Nắm bắt được nhu cầu đó, Thương đã tự mình mày mò tìm kiếm, học hỏi trên mạng.
Năm 2008, Thương thành lập nên trung tâm đồ thủ công mỹ nghệ cho riêng mình. Thương đã mở trang mạng điện tử thuongthuong.net để quảng bá cho sản phẩm của trung tâm.
Thương chia sẻ: "Cái tên Thương Thương không phải là do mình nghĩ ra đâu mà là do mọi người đặt cho đấy. Chắc tại thấy mình nhỏ nhỏ lại vui tính, dễ thương nên mọi người đặt như thế" - Thương nhoẻn miệng cười.
Trung tâm của Thương không chỉ sản xuất tranh giấy và các sản phẩm làm bằng cúc áo mà Thương còn nhận dạy nghề cho các bạn khuyết tật hoặc những người có nhu cầu học về lĩnh vực này.
Trải qua 4 năm phát triển, hiện nay cơ sở của Thương có 5 nhân viên làm việc thường xuyên tại cơ sở và 7 người nhận hàng về làm. Thu nhập của những nhân viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, lợi nhuận Thương thu được khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng.
Tâm sự về nguyện vọng tương lai, Thương cho biết mong muốn mở rộng trung tâm, mô hình kinh doanh của mình để tạo được nhiều việc làm cho người khuyết tật hơn nữa.
Thương nói: "Hiện, nhiều người có xu thế du lịch trải nghiệm, được tự tay thực hiện các công việc đó. Vì thế, Thương muốn mở một cửa hàng trong phố cổ để cho khách du lịch trong và ngoài nước được tự tay làm các sản phẩm tranh giấy. Đó cũng là cách để người ta hiểu được những khó khăn, vất vả cũng như niềm vui mà công việc làm tranh giấy".
Thương cho biết thêm: "Mô hình này đã thực hiện rất thành công ở làng gốm Bát Tràng nên mình tin sẽ thành công". Nhưng khó khăn lớn nhất bây giờ vẫn là nguồn kinh phí cho dự án, bởi số tiền dự toán lên tới khoảng 500 triệu đồng, quá sức của Thương.
"Em mong tìm được người có cùng chí hướng và có thể tài trợ, cùng hợp tác. Em sẽ biến ước mơ đó thành sự thực" - Thương chia sẻ.
Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm xã hội Vì ngày mai cho biết: "Nguyễn Thị Thu Thương là cô gái đặc biệt, khá khéo léo. Tôi ấn tượng với Thương vì Thương không bao giờ bi quan trước số phận, hòa đồng và cởi mở. Ở Thương toát lên sự lạc quan và Thương đã truyền điều đó cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ".
Hiện, Thương đang rất cần tìm đối tác tài trợ để thực hiện dự định mở cửa hàng trong phố cổ của mình. Bất kỳ ai quan tâm tới dự án trên, xin hãy liên hệ trực tiếp với Thương qua số điện thoại: 0989998210 hoặc qua website: thuongthuong.net. |
Trung Tuyến