Nhiều đoàn làm phim có riêng một người… nhắc lời thoại
Chia sẻ với pv báo Người Đưa Tin, đạo diễn Tuấn Dũng cho biết: “Khoảng hai năm trở lại đây, phim truyền hình Việt có sự chuyển đổi khi ra đời nhiều bộ phim hay, đáp ứng thị hiếu của giới trẻ như: Tuổi thanh xuân, Hôn nhân ngõ hẹp, Khúc hát mặt trời, Hợp đồng hôn nhân, Những ngọn nến trong đêm 2, Zippo, mù tạt và em…
Tuy nhiên, phim truyền hình Việt hiện nay vẫn mắc phải một “rào cản” khiến cho phim chưa được “phiêu” cùng cảm xúc nhân vật: Đó là chuyện lồng tiếng phim. Trong khi các nước đã bỏ việc “mất thời gian” lồng tiếng phim truyền hình thì ở Việt Nam, việc này vẫn “dậm chân tại chỗ”, khiến cho nhiều bộ phim hay chỉ đáng điểm 8, trong khi nó xứng đáng điểm 10… Đây là bất cập không thể giải quyết trong thời gian ngắn được…”.
Nghệ sĩ Thu Hương cho biết: “Hai năm trở lại đây, ở Việt Nam ít có phim truyền hình được lồng tiếng đồng bộ, trực tiếp. Sau khi quay xong, diễn viên phải đến phòng thu để lồng tiếng. Phim truyền hình Việt Nam vẫn phải “kỳ cạch” như vậy vì chúng ta vẫn không có trường quay chuyên nghiệp, vẫn phải đi mượn bối cảnh, nhà dân quay phim thì làm sao lọc được tạp âm bên ngoài?”
Trao đổi tại cuộc họp báo bộ phim Hợp đồng hôn nhân đang phát trên VTV1, đạo diễn – NSND Khải Hưng cho hay: “Hiện nay, ở miền Bắc có khoảng 40 diễn viên lồng tiếng cho phim truyền hình, cũng biết nhau cả nên thành ra nhiều khi nhàm. Nếu lồng tiếng trực tiếp thì lại vướng mắc nhiều thứ, như “được đường hình thì mất đường tiếng”, diễn viên mải thu tiếng thì mất đi sự tự nhiên do tác động của bên ngoài. Vì vậy, việc thu tiếng trước khi phát sóng là giải pháp an toàn mà nhiều đạo diễn hướng tới”.
“Nhiều đoàn làm phim chọn phương án là quay xong mới thu tiếng, bởi họ sợ… mạo hiểm. Các phim truyền hình là những phim có nhiều diễn viên trẻ, và họ mới vào nghề, vì thế, việc thu âm trực tiếp rất khó, bởi còn… nghiệp dư. Lồng tiếng trực tiếp cần thuộc lời nhưng nhiều diễn viên trẻ thường quên lời thoại, vì thế khó có thể hoàn hành được vai diễn nếu vừa ghi hình, vừa thu âm trực tiếp…” – Đạo diễn Khải Hưng chia sẻ.
Diễn viên Lê Hoàng Yến bộc bạch: “Bản thân người diễn viên đóng phim cũng muốn mình lồng tiếng cho nhân vật của mình, tuy nhiên, nhiều diễn viên cách đài từ rất kém, khẩu hình chậm nên cũng có chuyện “miệng không khớp” khẩu hình. Vì thế, nhiều đạo diễn cũng đã phải thuê diễn viên khác để lồng tiếng, dù chuyên nghiệp cỡ nào, thì người lồng tiếng cũng không thể truyền tải cảm xúc nhân vật như người đóng phim được. Vì thế, phim sẽ mất đi sự tự nhiên, chân thật.
Nhiều đoàn phim có cả người nhắc thoại riêng, nhưng người này, cũng chỉ nhắc… cho hay, cho miệng nhân vật khớp với lúc quay, chứ sau đó, nhiều đạo diễn cũng phải đi thuê người lồng tiếng. Thực tế là nhiều diễn viên trẻ hiện nay ít người chủ động học lời thoại nhân vật, vì họ ỷ lại có người lồng tiếng, nhắc thoại cho mình rồi…”.
Nhiều diễn viên lười biếng vì được lồng tiếng?
Bộ phim truyền hình Zippo, mù tạt và em vừa chiếu trên VTV thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đạo diễn Trọng Trinh đã thành công khi khắc hoạ cuộc sống của lớp thanh niên trẻ hiện nay, như họ yêu và sống chân thành, có cá tính, tuy trải qua nhiều sóng gió, nhưng cuối cùng, nếu yêu nhau, họ cũng sẽ về bên nhau.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phim này hơi… ảo khi khắc hoạ cuộc sống của một số nhân vật ở Hội An – Đà Nẵng mà toàn bộ nhân vật đều nói giọng Bắc khiến phim bị chê là giả tạo.
Thêm nữa, đoàn làm phim chọn một người lồng tiếng cho hai diễn viên cùng đóng một nhân vật. Nhân vật Sơn (Bình An – Mạnh Trường), Lam (Nhã Phương– Lã Thanh Huyền) hay Huy (Anh Tuấn – Hồng Đăng) cùng một giọng nói khiến cho phim bị nhàm. Vì sau 6 năm giọng nói nhân vật không thay đổi khiến cho người xem có cảm giác đang xem phim… hoạt hình. Qua nhiều năm, thậm chí thay cả diễn viên mà giọng lồng tiếng nhân vật vẫn thế, không có sự khác biệt…”.
Diễn viên Mạnh Huy cho biết: “Lồng tiếng sau khi quay phim khiến diễn viên, đạo diễn bị mất thời gian nhưng không có cách nào khác, vì việc thu tiếng trực tiếp ở Việt Nam gần như không thể. Có một thực tế là nhiều đạo diễn hiện nay hay mời ca sĩ, người mẫu đóng phim, có thể do danh tiếng cá nhân mà phim sẽ “hot” hơn, nhưng vì là diễn viên không chuyên nên họ không có sự linh hoạt trong cảm xúc, khiến phim bị cứng, thậm chí đã lồng tiếng rồi mà vẫn không ra chất… nhân vật, cách đài từ như đọc, và cả giọng địa phương nữa khiến cho phim không được đánh giá cao”.
“Thu âm trực tiếp sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời nhân vật sẽ có cơ hội thể hiện mình, tôi còn nhớ một thời nhiều khán giả “mê mẩn” giọng nói của NSƯT Kim Tiến vì bà có giọng đọc truyền cảm, sau này về hưu bà còn được nhiều đoàn làm phim truyền hình, phim tài liệu mời vào lồng tiếng, đọc phóng sự. Thế mới nói rằng, ngoài việc diễn xuất ra, thì việc lồng tiếng cũng rất quan trọng, nó khiến người diễn viên tự tin hơn trong việc thể hiện cảm xúc nhân vật của mình…
Nghe mãi một giọng lồng tiếng cho nhiều nhân vật cũng chán, vì không có dấu ấn cá nhân của người diễn viên ấy. Lý do việc phim truyền hình Việt Nam vẫn quanh quẩn bên cái… cối xay là như vậy đấy” – diễn viên Hoàng Yến cho biết.
Lạc Thành