Tại World Cup 2014 ở Brazil, lần đầu tiên, các đội y tế của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA đã được trang bị túi y tế khẩn cấp đạt tiêu chuẩn kể từ khi giải đấu này được tổ chức. Từ đó, chiếc balo cấp cứu có tên gọi chính thức là Túi Y tế Khẩn cấp FIFA (FMEB) trở thành một phần không thể thiếu của đội ngũ y tế trên sân cỏ. Chiếc túi được thiết kế để tất cả đội bóng trên thế giới đều có thể sử dụng trong quá trình tập luyện, thi đấu, làm tiêu chuẩn chung cho việc cấp cứu các cầu thủ.
Chiếc túi bao gồm đầy đủ thiết bị nhằm sơ cứu, phản ứng nhanh trên sân trong vòng 60 phút trong tình huống các cầu thủ trên 14 tuổi, nặng 50 kg trở lên, bị chấn thương.
FMEB được sử dụng để xử lý các trường hợp sự cố trên sân cỏ như sốc phản vệ, tức ngực, mất nước, co thắt phế quản do tập luyện quá sức, gãy xương, động kinh, chấn thương, say nắng, kiệt sức, hạ đường huyết, chấn thương do sét đánh, chấn thương cột sống, ngưng tim đột ngột. Đội ngũ y tế có thể dùng túi này trên sân cỏ, khán đài hoặc bên ngoài sân vận động.
Danh mục thiết bị y tế trong FMEB lên tới hơn 100 món bao gồm bông, băng gạc, kéo, máy đo huyết áp, ống nghe, nhiệt kế, mặt nạ, ống truyền dịch, kim tiêm, băng cố định cổ, nút tai, găng tay, khẩu trang phẫu thuật...
Một trong những thiết bị quan trọng nhất của FMEB là máy khử rung tim. Đây là phương pháp duy nhất được chứng minh hiệu quả để điều trị người bị ngưng tim khi đang trong trạng thái có thể gây sốc.
Thực tế, trong quá trình thi đấu có thể xảy ra một số va chạm vật lý hoặc lý do khách quan, cầu thủ có thể bị ngưng tim. Lúc này, đội ngũ y tế sẽ sử dụng máy khử rung tim (còn gọi là máy khử rung tự động bên ngoài - AED) để điều chỉnh nhịp tim cầu thủ bằng cách gây sốc điện. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, người không có kinh nghiệm hoặc kiến thức y khoa cũng có thể sử dụng.
Loại máy được các nhân viên y tế FIFA dùng là Zoll AED+, cung cấp cho người sơ cứu thông tin phản hồi theo thời gian thực về hiệu quả cứu sinh trong quá trình ép ngực, tăng cơ hội sống sót của cầu thủ.
Năm 2014, trên tờ Fox News, Tiến sĩ Jiri Dvorak (cựu Giám đốc bộ phận y tế của FIFA) cho hay, việc trang bị túi y tế khẩn cấp sẽ giúp đội y tế tại chỗ có kiến thức và thiết bị cần thiết nhằm chăm sóc các cầu thủ bị chấn thương hay gặp vấn đề nghiêm trọng khi thi đấu.
Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế không đủ kiến thức và kỹ năng xử lý các ca cấp cứu, FMEB có thể bị sử dụng sai cách hoặc không hiệu quả. Vì vậy, trong kỳ World Cup năm 2014 tổ chức ở Brazil, FIFA đã đào tạo các bác sĩ và cung cấp tài liệu Sơ cứu Khẩn cấp liên quan đến chiếc túi. Các nhân viên y tế cũng phải trải qua kỳ huấn luyện tiêu chuẩn nhằm ứng phó với tất cả tình huống có thể xảy ra trên sân cỏ.
Minh Hoa (t/h)