Trong lần đi siêu thị mua hàng mới đây, anh Lý Văn T. (Đại Từ, Thái Nguyên) - hiện đang là du học sinh tu nghiệp tại Nhật Bản thấy bày bán quả vải thiều của Việt Nam với giá 1.980 Yên Nhật (12 quả), quy ra tiền Việt Nam có giá khoảng 430.000 đồng. Tuy nhiên, vì nhớ hương vị quả vải quê nhà cũng như nhớ quê hương, anh vẫn “cắn răng” chi tiền mua hộp vải có lẽ đắt nhất trong đời này để thưởng thức.
Câu chuyện mà anh T. chia sẻ cho thấy một nghịch lý rơi nước mắt. Xoài đỏ Nhật Bản nặng chỉ từ 350-400 gram nhưng giá bán lên đến 1,7 triệu đồng/quả. Nếu tính theo cân, xoài Nhật đắt gấp 100 lần giá xoài của Việt Nam. Không chỉ xoài Nhật, nhiều loại hoa quả nhập khẩu khác cũng cũng được rao bán với giá ngất ngưởng.
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường rao bán khá nhiều loại nông sản của Nhật như: Đào lông Nhật Bản có giá 1,1 triệu đồng/hộp 2 quả, 2,3 triệu đồng/hộp 6 quả; nho mẫu đơn Nhật 1,2 triệu đồng/kg, biwa Nhật 4 triệu đồng/kg...
Chị Hằng (Linh Đàm, Hà Nội) chuyên bán hoa quả nhập ngoại lý giải, nhiều người thấy mức giá siêu đắt đỏ như vậy thường nghĩ có xuất xứ từ Nhật là loại nông sản cao cấp nên giá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hoa quả “mác Nhật” mới có giá đắt đỏ. Hoa quả Việt giá cũng đắt không kém, sau khi được các doanh nghiệp nước ngoài nhập về, bảo quản, đóng gói, dán tem phiếu thì được “lên đời” hoa quả cao cấp.
Điều đáng bàn, từ năm 2014 đến nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đàm phán và xuất khẩu thành công vải thiều sang Nhật. Tuy nhiên, giá vải thiều xuất sang Nhật cũng chỉ có giá vài chục ngàn đồng một cân, không khác gì so với giá vải thương lái Trung Quốc thu mua tại vườn.
Chia sẻ với PV, một tiến sĩ công tác tại đại học Y dược TP.HCM cho hay, hồi ở bên Nhật ông đã từng ăn xoài đỏ của Nhật. Giá bên đó cũng khá đắt, khoảng 1 triệu/quả. “Mặc dù đắt nhưng xoài đỏ Nhật cũng không ngon như nhiều người nghĩ. Sau đó, khi tôi quay trở lại Nhật công tác, tôi đã mang “lậu” 100 trái xoài cát Hoà Lộc sang cho bạn bè bên đó và ai cũng khen nức nở. Điều đó cho thấy, nông sản Việt so với bên Nhật không hề thua kém nhưng vì sao giá cả lại chênh lệch đến vậy?”, vị Tiến sĩ nói.
Nhận định về thực trạng này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng cục Trồng trọt (bộ NN&PTNT) cho rằng, chúng ta không có liên kết chuỗi. Chế biến và bảo quản sau thu hoạch là khâu yếu nhất của nông sản Việt Nam, chưa kể yếu tố thương hiệu. Vì thế, nhiều mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện chỉ là xuất dưới dạng thô hoặc sơ chế đơn giản.
Lan Thơm