Ukraine và Bỉ vừa ký một thỏa thuận quốc phòng song phương kéo dài 10 năm, theo đó Brussels sẽ cung cấp cho Kiev khoản hỗ trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD (977 triệu Euro) vào năm 2024 và 30 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon do Mỹ sản xuất trong 4 năm tới. Đáng chú ý, những chiếc máy bay phản lực “Chim Cắt” đầu tiên sẽ được chuyển đến tiền tuyến trong những tháng tới.
Thỏa thuận được ký hôm 28/5 “đảm bảo sự hỗ trợ an ninh kịp thời của Bỉ, các phương tiện và thiết bị bọc thép hiện đại để đáp ứng nhu cầu của lực lượng phòng không và không quân Ukraine, an ninh hải quân, rà phá bom mìn, tham gia liên minh đạn pháo và huấn luyện quân sự”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài đăng trên X/Twitter.
Thỏa thuận này cũng bao gồm hợp tác công nghiệp quốc phòng, hỗ trợ “Công thức Hòa bình” của Ukraine, tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga cũng như sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga, và tái thiết kinh tế.
“Ukraine và Bỉ cũng sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tình báo, an ninh mạng và chống lại thông tin sai lệch. Bỉ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tư cách thành viên EU và NATO trong tương lai của Ukraine”, ông Zelensky cho biết.
“Lần đầu tiên, một thỏa thuận như vậy xác định chính xác số lượng máy bay chiến đấu F-16 – 30 chiếc – sẽ được giao cho Ukraine cho đến năm 2028, với những chiếc đầu tiên đến trong năm nay… Tôi cảm ơn Thủ tướng De Croo, chính phủ của ông và tất cả người dân Bỉ vì sự ủng hộ lâu dài và kiên định dành cho Ukraine”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Về phần mình, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, thỏa thuận hợp tác an ninh sẽ giúp cung cấp cho Ukraine những công cụ phù hợp để bảo vệ công dân của mình về lâu dài. “Chúng tôi rất quyết tâm khi nói đến vấn đề hỗ trợ (Ukraine). Vì vậy, chúng tôi cần phải làm nhiều hơn, tốt hơn và nhanh hơn”, ông De Croo cho biết trong một bài đăng trên X/Twitter.
Tổng thống Zelensky đặt chân đến Brussels liền ngay sau khi ông kết thúc chuyến thăm Madrid, nơi hôm 27/5 ông đã đạt được một cam kết trị giá 1 tỷ USD khác từ chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez về tăng cường các khả năng của Kiev, bao gồm cả phòng không.
Trong một bài đăng trên X/Twitter, ông Sanchez cho biết Tây Ban Nha đã cam kết cung cấp tên lửa phòng không Patriot (chỉ tên lửa chứ không phải toàn bộ hệ thống) và cũng sẽ gửi thêm xe tăng Leopard, và trên hết là đạn dược. Thỏa thuận này cũng có thời hạn hơn 10 năm và dành 1 tỷ USD viện trợ quân sự vào năm 2024.
Bỉ và Tây Ban Nha là các quốc gia châu Âu mới nhất, sau Anh, Pháp và Đức, đã ký các hiệp định an ninh song phương với Ukraine trong bối cảnh một cách tiếp cận trên toàn Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được do sự ngăn cản của Hungary.
Gói hỗ trợ mới trị giá 5,4 tỷ USD của Quỹ Hỗ trợ Ukraine (UAF) được đồng ý vào tháng 3 được cho là đang bị Thủ tướng Hungary Viktor Orban cản trở.
UAF đang được thanh toán thông qua Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF) trị giá 18,5 tỷ USD, một cơ chế tài trợ quân sự và hỗ trợ do khối tạo ra vào tháng 3/2021 với nhiệm vụ ngăn chặn xung đột và tăng cường phòng thủ.
Các quốc gia thành viên EU đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine khoảng 30 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, với khoảng 6,6 tỷ USD trong số tiền này đến từ EPF.
Minh Đức (Theo UPI, Euronews)