Vụ việc nữ sinh Đinh Trần Phương M., học sinh lớp 10A3 - Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm - Hà Nội) nói tục bị cô giáo dạy môn Hóa - Đặng Thị Huyền phạt bằng việc bắt đứng trước lớp và cho 2 học sinh nam cùng lớp tát vào mồm, gây xôn xao dư luận.
Phụ huynh học sinh Phương M. không đồng tình với hình thức kỷ luật cảnh cáo mà nhà trường áp dụng đối với cô giáo.
Cũng bàn về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Nếu phản ánh của phụ huynh học sinh là chính xác thì cô giáo Đặng Thị Huyền đã có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể học sinh.
Theo luật sư Thanh, hành vi của cô giáo Huyền có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2013 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” với mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.
Ngoài ra, theo luật sư Thanh, việc làm của cô Huyền đã gián tiếp cổ vũ cho tình trạng bạo lực học đường, là tình trạng mà cả xã hội đang vô cùng bức xúc và tìm mọi giải pháp để hạn chế, chấm dứt. Vì vậy rất cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cô giáo đã cho phép, cổ vũ một số học sinh nam tát vào mặt nữ học sinh.
Bên cạnh đó, luật sư Thanh cũng cho rằng: Đối với nữ học sinh đã nói tục, chửi bậy trong lớp, nhà trường cũng cần phải có hình thức xử lý nếu nữ học sinh đó vi phạm nội quy, quy chế. “Đây sẽ là hình thức cảnh báo đối với những học sinh khác có thái độ tương tự, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh”, luật sư Thanh nêu quan điểm.
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nêu quan điểm: Nếu thông tin phụ huynh phản ánh là đúng thì theo quy định Luật viên chức 2010 và nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/04/2012 của Chính Phủ “quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức” thì hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với viên chức – cô giáo Huyền trong vụ việc trên là có căn cứ.
Theo đó, cô Huyền có hành vi vi phạm là “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng”.
Luật sư Cường cũng cho rằng: Hành vi của cô giáo có thể không chỉ dừng lại ở hình thức kỷ luật tại nhà trường, bởi nếu gia đình phụ huynh của em Mai có yêu cầu xử lý hành chính cô giáo này thì cơ quan công an có thể áp dụng điểm a khoản 2 điều 5 nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính Phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng – chống tệ nạn xã hội, PCCC, phòng chống bạo lực gia đình” để xử phạt vi phạm hành chính cô giáo này.
Theo luật sư Cường, trong bối cảnh gần đây lan tràn các clip học sinh đánh bạn, các vụ việc bạo lực học đường gia tăng mà chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bất an trong xã hội, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, thì vụ việc có dấu hiệu xúi giục học sinh đánh bạn của một giáo viên xuất hiện càng khiến dư luận thêm hoang mang, nhất là các bậc phụ huynh, do đó cần phải xử lý nghiêm khắc vi phạm của giáo viên này để ngăn ngừa, giáo dục chung đối với xã hội, đặc biệt là bản thân các em học sinh.
Trong diễn biến khác, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội: Quyền kỷ luật viên chức là do đơn vị (tức nhà trường). Theo Sở này, nhà trường cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật theo đúng quy định. Về hướng xử lý tiếp theo Sở GD&ĐT Hà Nộ cho biết đang họp bàn và sẽ thông báo sau.
Nhất Nam