Chia sẻ của cô giáo Kim Anh là những trải nghiệm sâu sắc và tâm huyết với dạy học - nghề cao quý.
Là giáo viên dạy Ngữ văn, tôi luôn muốn khi nói được học trò nghe say mê, khi giảng được học trò hưởng ứng. Suốt hơn 20 năm đứng lớp, ngày ngày tôi vẫn đi tìm con đường nói hay giảng sâu. Mong muốn ấy không chỉ để giúp tôi trụ với công việc mà còn ngầm thể hiện niềm tri ân cuộc sống đã cho tôi được làm một nghề cao quý. Và tôi cũng tự biết, mình may mắn khi được học trò ghi nhận.
Cô giáo Kim Anh trong một tiết dạy Văn. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Trí tuệ – lòng yêu – tỏ bày
Trước tiên, tôi biết cần phải có một quan điểm về nghề để vững vàng. Tôi hiểu rằng để dạy học suốt đời thì mỗi ngày cần có trí tuệ, có lòng yêu trò trong từng cuộc trao – nhận kiến thức. Với người làm thầy thời nay thì phải giỏi tỏ bày kiến thức và lòng yêu ấy đến học trò. Đã ngỡ kiến thức nằm lòng và tình yêu trẻ vốn sẵn có từ khi bước chân vào trường sư phạm, vậy mà sao vẫn không chắc sẽ đến được với trò. Thì ra, đó là lỗi chưa biết truyền kiến thức, chưa biết tỏ lòng. Giống như người đang yêu, trách làm chi mình bị thờ ơ khi mắt mình chưa trao, tình mình chưa tỏ. Tôi có quan điểm nghề rõ rằng: ba yếu tố trí tuệ, lòng yêu, tỏ bày cần hòa kết và hỗ trợ cho nhau.
Có một ý thơ, thương bầu trời không có cánh chim và thương cánh chim không có bầu trời. Tôi biết, đã say nghề, ai cũng cần lắm một bầu trời tung cánh. Tôi thấy mình may mắn vì sống trong và làm việc trong một môi trường có nhiều điều kiện để luyện và say nghề. Tại trường tôi, từ lãnh đạo đến đến giáo viên đều đồng lòng đổi mới. Khung trời sư phạm của tôi có tình thầy trò thực sự cởi mở, có những người đứng đầu biết lắng nghe, dám nghĩ dám làm, có phụ huynh và giáo viên đồng lòng hiếm thấy. Ngày xuân, phụ huynh và thầy cô cùng lên sân khấu thi hát đối trong sự cổ vũ cả hai chiều của học sinh “mẹ một bên và cô một bên”. Nhà trường và gia đình đã kết nối để gắng tạo nếp nhà – nếp trường cho các trò.
Tạo sinh khí trong dạy học
Người ta thường nói, dạy học là một nghệ thuật, và giáo viên là nghệ sĩ. Theo tôi cần phải nói rõ hơn, người thầy như nghệ sĩ sân khấu, chứ không phải nghệ sĩ điện ảnh. Bởi trong mỗi tiết dạy, người thầy có thể điều chỉnh khi bất ưng, không giống phim quay xong là thôi. Sân khấu bục giảng tiếp tục cho cơ hội sửa cái sai sau một phút, sau nửa tiết, sau một vài ngày. Dạy mấy tiết liền thấy không ổn lắm, thầy có thể tìm chiêu thức mới để “khuấy động”, tiếp lửa tạo sinh khí.
Ở trường tôi đang có cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học bằng tạo sinh khí dạy và học. Sinh khí không phải là nội dung, không hoàn toàn là phương pháp, cũng không hẳn là tâm thế song lại dựa đủ trên những điều kiện tốt nhất của NỘI DUNG – PHƯƠNG PHÁP – TÂM THẾ và cả NĂNG KHIẾU của người làm thầy để có sự sống động, hấp dẫn học sinh cho mỗi bài.
Chúng tôi thường động viên nhau rằng mình đang sống như “trời thử”. Thầy cô luôn phải cố gắng trau dồi kiến thức không ngừng, luôn nén không nhăn nhó, cáu gắt. Tuyệt đối không nói bóng gió hay thiếu tế nhị. Thầy cô sống tự nhiên mà không buông lơi. Nếu chỉ mãi là cố gắng sẽ dễ mỏi mệt, nhưng nếu muốn cố gắng, thầy cô sẽ tự nâng bậc của chính mình. Đây phải là một công việc thường trực, bởi vì cố làm người tốt thì chỉ tốt khi đang cố. Làm thầy là phải trau dồi, làm thầy phải xứng thầy đó là lẽ đương nhiên. Suy nghĩ về nghề, tôi đã vụng đúc kết những câu thơ bằng mồ hôi trên bục giảng mỗi ngày:
Giấy trắng, phấn trắng, màn hình trắng
Hồn xanh, trí sáng với lòng say
Đã giảng phải vang dù khan giọng
Đã nhen là cháy đến kiệt cùng…
Bục giảng – đời ta
khổ mà không!
Những thấm thía
Tôi đã nghiệm ra rằng: Yêu học trò là con đường ngắn nhất trong công việc của đời mình. Yêu bằng ánh mắt, bằng bàn tay, bằng vòng ôm với học trò khi cần và phù hợp. Bằng cả những cuộc điện thoại, tin nhắn kịp thời… Tôi biết, không nên trì hoãn, buông xuôi mà mỗi việc làm vì học trò đều cần đi đến cùng. Bên cạnh việc dạy có lửa, thì chúng tôi đã hát, đã nhảy, đã lắc vòng, đã diễn thời trang (cho dù từng lúng túng và mệt)… Tuổi của các con ưa cảm nhận sự “hết mình” của thầy cô trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nên ta phải theo cách của các con.
Tôi cũng luôn hiểu lòng tin tạo sự yên bền lâu nhất. Cần tế nhị trong mọi hoàn cảnh. Cần có quan điểm rõ ràng và có tầm của người làm thầy để nhìn trước những biến cố, nguy cơ mà trò hay lâm phải, khi con buông học, ngã chơi, sa yêu, chìm lười…
Thực chất trong hoạt động dạy học, học sinh là người kiểm định sản phẩm, là “khách hàng” ăn và hưởng thụ kiến thức thầy “nấu”. Cũng gạo, cũng rau, cũng gia vị nhưng nấu thế nào để không ngán, và thỉnh thoảng lại có món ngon mới. Những lúc trò không chịu “ăn”, lòng thầy cần như lòng cha mẹ, khi con suy dinh dưỡng thì thương đứt ruột, và nên «nếm thử» kiểm nghiệm chính món ăn mình nấu để điều chỉnh đỡ khổ trò, tội thân mình. Thầy tìm, đổi cách dạy vì học sinh để trò có kiến thức thiết thực, kiến thức để dành. Công việc này tôi nghĩ rằng người thầy cần có tầm của người trên và biết truyền thụ kiến thức qua những biểu hiện thân thương.
Tôi thấy biết ơn học sinh trong việc được các con bình chọn là giáo viên được học sinh tin yêu của trường, vì rõ ràng là các con thấy công việc của mình là có ích chứ không thể chỉ khéo cười, năng chào hỏi mà có được. Không một thầy cô nào lại có thể cứ lên lớp là nghĩ đến “lấy lòng” học sinh, chờ dịp bình chọn. Hàng trăm tiết dạy, có những tiết được trò đón nhận nhưng cũng có tiết các trò chưa hào hứng. Bên cạnh nhiều ngày thầy, cô rạng rỡ, nhã nhặn cũng có những giai đoạn thầy cô phải ốp học, rèn kỷ luật khiến không khí lớp bị căng. Vậy mà trò vẫn chọn, vẫn giúp nuôi cho tôi lòng yêu nghề để vui phấn bảng. Vì vậy tôi biết ơn trò!
Khi nào muốn trách phạt học sinh tôi thường nghĩ đến hình ảnh một đôi giầy trắng tinh khôi. Tựa như đi đôi giầy mới, ta sẽ rất giữ gìn, rón rén để tránh chỗ có bùn đất, nhưng khi đôi giầy đó có một vài vết bẩn rồi, ta sẽ không giữ nữa. Học sinh mà bị ám ảnh rằng lúc nào mà thầy cô cũng nhìn ra lỗi, cũng trách phạt thì dễ bị “nhờn thuốc” hoặc bất cần. Như vậy, hơn cả các trò, ta không muốn đôi giầy mất đi sự trắng tinh sạch sẽ. Đó là ta tránh để học sinh ở trạng thái không thiết sự gìn giữ.
Làm nghề giáo nghĩa là không có sự chủ quan, buông xuôi “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà phải như một vận động viên điền kinh phải đoạt giải mà phần thưởng là tiếp tục với đường chạy dài hơn và phải chạy nhanh hơn. Làm thầy cô giáo còn phải cảnh giác vì chỉ một lần bực bội nói câu quá lời, xử lý thiếu công bằng trước học sinh là có thể “tắt nắng tan gió” trong hồn các con.
Sau những lần được học trò tôn vinh, tôi rất sợ phải trải nghiệm cảm giác "tự ngượng" do giờ dạy nào thiếu lửa, sơ nhạt. Đối mặt với những giờ dạy như thế, tôi tự hỏi, có hay không niềm ân hận của trò vì đã tôn vinh mình ? Được học trò tôn vinh không phải là vương miện của sắc đẹp nhận khi trẻ tuổi, vết chân thời gian in dấu là thôi. Không phải may mắn trúng số một lần. Mà là sự vinh danh cho trí tuệ, tâm huyết và tình cảm thân thương với các trò. Thế nên đã chọn làm thầy là bước vào con đường cần luôn cố gắng không ngừng nghỉ.
> LTS: Trong khi đó, có một sự thật khác đang diễn ra ở Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nguyễn Kim Anh (Học thế nào)