Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về việc đưa đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt thành Tiếq Việt của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi học kỳ 1 năm học 2017-2018 môn Ngữ văn lớp 12 của trường, cô giáo Trần Thị Phương Loan, một trong những tác giả của đề thi cho biết, đề thi được sự xem xét chặt chẽ, thống nhất của hội đồng ra đề. Việc ra đề thi được làm nghiêm túc, có người phản biện đề.
“Việc chúng tôi đưa vấn đề cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền không có ý định để học sinh tiếp tục theo trào lưu, khuynh hướng nhìn nhận một chiều theo ý bàn luận theo hướng không tốt, tiêu cực.
Bởi theo tôi, vấn đề này không chỉ có mặt không tốt. Có 3 tiêu chí mà đề thi hướng đến: Về nhận thức, định hướng cho các em có thể hiểu biết những vấn đề xảy ra xung quanh mình, những vấn đề thời sự đang diễn ra. Thêm nữa, khi các em tiếp nhận một thông tin nào đó cần biết cách dừng lại suy xét, sàng lọc thông tin, không đi theo trào lưu số đông.
Về mặt kỹ năng, sau khi trình bày vấn đề này, các em đã được học cách bày tỏ ý kiến thì cũng bày tỏ đúng đắn, đúng mực và đa chiều”, cô Loan nói.
“Tôi cũng đọc và thấy rằng PGS.TS Bùi Hiền có vẻ không muốn để học sinh bàn luận vấn đề này. Nhưng theo quan điểm của tôi, đây không phải là để thêm một khuynh hướng để khích bác thầy hay bàn luận, mà là để giáo dục học sinh cách tiếp nhận thông tin một cách khoa học, nghiêm túc.
Các em khi làm bài thi cũng phải lưu ý, bài kiểm tra này là bài kiểm tra cuối học kỳ của học sinh lớp 12. Sau mỗi bài kiểm tra sẽ có tiết học để chữa đề cho các em. Khi chữa đề như vậy, giáo viên sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các em đưa ra chính kiến của mình một cách đúng đắn và đúng mực nhất”, cô Loan nhấn mạnh.
Bày tỏ suy nghĩ về việc có nhiều ý kiến đánh giá cao đề thi của trường, cô Loan cho rằng, sự đồng thuận này là vì các cô đều hiểu mục tiêu giáo dục chung của các môn học trong đó có môn Ngữ văn. “Khi đọc đề, các cô giáo trong nghề có thể hiểu ngay được ý định của nhau”, cô Loan nhấn mạnh.
Cũng theo cô Loan, nếu học sinh có phá cách, đồng tình với quan điểm của PGS.TS Bùi Hiền và bảo vệ được quan điểm của mình thì vẫn được điểm cao. “Các em cần phải có cách suy nghĩ của riêng mình”, cô Loan nhắn nhủ.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là vấn đề chung. Trường hợp của PGS.TS Bùi Hiền là một biểu hiện của sự nỗ lực đi tới việc thống nhất về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. “Ở đề thi này, tôi không đưa ra chính kiến của bản thân mà để học sinh đưa ra ý kiến của các em. Nếu các em đưa ra ý kiến thuyết phục được như tôi nói ở trên thì cần trân trọng”, cô Loan nói.
Vì đã là học sinh lớp 12 và học trường chuyên nên cô giáo Loan cho rằng, khi đứng trước các luồng thông tin khác nhau về đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, các em bày tỏ chính kiến như thế nào là rất quan trọng. “Thậm chí, các em có thể đưa ra những ý kiến trấn an dư luận, tôi muốn các em sáng tạo, đa chiều về vấn đề”, cô Loan nhấn mạnh.
Trước đó, như báo Người Đưa Tin đã đưa, đề thi Ngữ văn lớp 12 của trường chuyên Nguyễn Huệ có 2 phần gồm: Đọc hiểu (4,0 điểm) và Làm văn (6,0 điểm). Đáng chú ý, phần Đọc hiểu nêu nội dung: “Đọc đoạn trích sau đây trong bài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của Phạm Văn Đồng và thực hiện các yêu cầu. Một trong những yêu cầu đáng chú ý là: “Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về “Đề xuất cải tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”” của PGS.TS Bùi Hiền, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về đề xuất ấy”.