Phải bê thùng vì… to lớn và nhanh nhẹn!
Theo phản ánh của độc giả này, tại trường mầm non Lê Quý Đôn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một số học sinh ở lớp MG lớn (mẫu giáo lớn) A2 phải nhiều lần khiêng những thùng bằng inox đựng cơm, canh và xoong thức ăn từ trên tầng 4 xuống tầng 1.
Theo mô tả, đó là những chiếc thùng to gần bằng người các em. “Việc này là quá sức với các em khi các em phải liên tục dừng ở giữa cầu thang. Việc này diễn ra không phải một lần với một học sinh mà diễn ra nhiều lần cả trước Tết và sau Tết”.
Cũng theo bạn đọc này, chỉ vì những cậu bé tội nghiệp đó được cho là to lớn và nhanh nhẹn trong lớp nên các cô giáo đã “ưu ái” giao cho “trọng trách” mang xoong nồi, thùng cơm, thùng canh từ tầng 4 xuống tầng 1, trong khi các bạn khác ăn xong thì được đi ngủ. Các em này chỉ được đi ngủ khi nào đã “xong việc”.
Được biết lớp MG Lớn A2 do 2 cô giáo Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Minh Phương phụ trách. Và công việc rửa bát, bê xoong nồi vốn là của một nhân viên có tên là Nguyễn Thu Huyền.
Trường Mầm non Lê Quý Đôn có hai cơ sở: một cơ sở ở số 9B phố Lê Quý Đôn (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, HN), cơ sở còn lại địa chỉ 100 phố Thuý Ái cách đó không xa. Theo người phản ánh, hiện tượng trên xảy ra ở cơ sở số 100 Thuý Ái.
Hiệu phó, quyền Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Quý Đôn hiện tại là bà Phạm Thuý Khanh.
Cơ sở 2 của trường Mầm non Lê Quý Đôn tại địa chỉ 100 Thuý Ái bị tố có hiện tượng học sinh phải bê các thùng thức ăn từ tầng 4 xuống tầng 1
Hiệu trưởng nói gì?
Sau nhiều lần cố gắng liên lạc và gặp mặt để làm rõ hơn nội dung tố cáo nhưng không thành, tối 21/3 phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam cũng đã trao đổi được với bà Phạm Thuý Khanh qua điện thoại.
Khi phóng viên nói về những thông tin bạn đọc phản ánh, bà Khanh khẳng định: Không có việc các cháu bé trong trường phải mang những thùng thức ăn, đựng cơm (kể cả có thức ăn và rỗng).
“Tại cơ sở 100 phố Thuý Ái, chúng tôi rửa bát ở tầng 4, tất cả bát đĩa đều mang lên tầng 4, mỗi lớp đều có người phụ giúp việc mang bát đũa và xoong, thùng này”, bà Khanh cho biết. Khi được hỏi những người phụ giúp là ai thì bà Khanh cho biết, đối với mỗi lớp ngoài hai giáo viên phụ trách còn có các cô phụ giúp.
Bà Khanh cho biết: “Việc như phóng viên phản ánh là không thể xảy ra vì tôi liên tục kiểm tra, giám sát. Đầu tháng bao giờ họp tôi cũng nhắc lời nghiêm cấm một số việc làm đối với các giáo viên trong đó có việc như phóng viên nói: tuyệt đối không bao giờ cho trẻ bê bát. Việc này có trong quy chế của Phòng Giáo dục và luôn luôn nhắc nhở.
Tôi kết hợp với cô Chủ tịch Công đoàn và Tổ trưởng Tổ nuôi đi kiểm tra liên tục và đều có biên bản dự giờ ăn trưa. Vì lý do nào đó mà tôi phải ở một địa điểm thì cũng sẽ giao cho một cô kiểm tra điểm còn lại. Buổi trưa hôm nay (ngày 21/3), tôi cũng đã cử ngay hai cô phụ trách nuôi xuống kiểm tra điểm Thuý Ái xem có hiện tượng đó không thì hai cô ấy về báo cáo là không có việc như phóng viên nói”.
Khi được hỏi về tần suất kiểm tra, bà Khanh cho biết vì là người phụ trách trường nên ngày nào bà cũng đi kiểm tra cả hai điểm trường và buổi trưa nào cũng kiểm tra nhưng không có việc các bé phải bê xoong nồi.
“Có lần tôi kiểm tra thì có việc một bé ở lớp nhỡ (mẫu giáo nhỡ) bê vài cái bát cùng với cô giáo lên tầng 4 để đưa cho bác rửa bát. Việc này tôi đã đưa vào biên bản và yêu cầu lần sau không được làm như vậy đồng thời phải vệ sinh cho các cháu sạch sẽ”, bà Khanh nói.
Một lần nữa bà Khanh khẳng định với phóng viên: “Chúng tôi liên tục kiểm tra, giám sát nên không có việc các bé phải bê bát hoặc các thùng thức ăn (kể cả có và rỗng) từ tầng 4 xuống tầng 1 như có người đã phản ánh”.
Đem nội dung trả lời của bà Khanh trao đổi lại với người phản ánh, bạn đọc này tiếp tục khẳng định chắc chắn có chuyện như vậy.
Trước đó, vào khoảng 10h sáng 21/3, khi phóng viên điện thoại cho bà Khanh, bà khẳng định luôn không có hiện tượng này và hẹn cho đến đầu giờ chiều sẽ liên hệ lại phóng viên. Tuy nhiên không thấy bà liên hệ lại, điện thoại cũng không bắt máy, chúng tôi đã tìm đến trường thì tại cơ sở chính (9B phố Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) "cửa đóng then cài" không ai ra tiếp. Đến cuộc điện thoại buổi tối như đã nêu trên, bà Khanh giải thích rằng do bà đi họp cả ngày và quên điện thoại...
Theo Giáo dục Việt Nam