Mấy ngày qua, em Phạm Song Toàn, học sinh trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM và cô giáo dạy Toán của lớp là tâm bão mới nhất của ngành giáo dục.
Búa rìu dư luận chĩa về cô giáo dạy Toán nặng nề ra sao, tôi nghĩ không cần phải nói thêm. Cách ứng xử tiêu cực của cô với học sinh đương nhiên là sai. Điều đó không gì có thể ngụy biện. Nhưng tôi tin, từ thâm tâm, em Phạm Song Toàn khi phát biểu câu chuyện tại buổi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM với học sinh trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 23/3 không phải để cô giáo của mình chịu cảnh bị “truy đuổi” hết cấp trường, cấp huyện và giờ là thành phố như vậy.
Ở đâu, tôi cũng thấy cụm từ “yêu cầu xử lý nghiêm” chứ không phải sắp xếp cuộc đối thoại từ chính cô với các em học sinh lớp 11A1. Những khúc mắc sẽ mãi phải qua một bên thứ ba truyền tải mà thôi.
Nếu có cuộc khảo sát nho nhỏ với những ai từng kinh qua thời học sinh rằng “Bạn đã bao giờ chịu cảnh “bạo lực tinh thần” của giáo viên chưa?”, tôi tin sẽ nhiều người không ngại ngần nói có.
Bản thân tôi đã từng một mình một đề kiểm tra Toán năm cấp 2 vì không đi học thêm lớp cô mở. Đến giờ tôi vẫn nhớ, lý do mà cô giáo đưa ra cho sự phân biệt này là vì sợ tôi nhìn bài các bạn. Nhưng tôi và bạn bè đều biết lý do thực sự là gì.
Rất may, cô giáo đó chỉ dạy tôi một năm nếu không tình yêu Toán học của tôi cũng sẽ tan tành theo mây khói, tan theo “tâm tư làm kinh tế” của cô. Khi đó, tôi chỉ đủ dũng khí nói với bố mẹ và theo “kinh nghiệm” của bố mẹ thì “Đề nào cũng trong phạm vi kiến thức học thôi”. Tôi đã không dám phản ánh với cô chủ nhiệm và dư âm của sự phân biệt đối xử đó khiến tôi không thể có thiện cảm với giáo viên đó.
Trái ngược với cô giáo dạy Toán, cô giáo dạy Văn, cô chủ nhiệm, cô giáo tiếng Anh lại khiến tôi nể trọng, trân quý vì sự chân thành giúp đỡ về kiến thức và thấu hiểu tâm tư học sinh. Không phải giáo viên nào cũng như cô giáo từng dạy Toán của tôi và của lớp 11A1 ở trường THPT Long Thới.
Đề bài kiểm tra riêng, im lặng hoặc lờ đi sự có mặt của một số học sinh trong lớp là một dạng bạo lực tinh thần với học sinh. Nhiều căng thẳng giữa giáo viên và học sinh phải được lắng nghe, chia sẻ, giải quyết bằng đối thoại chứ không phải bằng những cuộc đấu tố.
Tôi ước nếu có thể trước đó, Hiệu trưởng hoặc cô giáo chủ nhiệm lớp 11A1 sắp xếp một buổi đối thoại giữa cô giáo dạy Toán và các em. Nếu điều đó xảy ra, có lẽ sự im lặng của cô giáo dạy Toán không bao giờ kéo dài đến 3 tháng. Em Phạm Song Toàn cũng sẽ không phải khóc khi chia sẻ về câu chuyện trên.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Hoàng Mai