Chiều 6/10, bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM đã xác nhận, nhà trường đã nhận được tố cáo của nhiều phụ huynh về việc giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 có hành vi bạo hành học sinh.
“Giáo viên nay là cô Nguyễn Hồng H., đã bị tạm đình chỉ công tác để nhà trường tiến hành xác minh thêm. Đồng thời, Thanh tra quận Tân Phú cũng đã thụ lý sự việc để điều tra, làm rõ. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ từng bước xử lý theo quy định”, bà Sửu nói.
Đại diện cũng cho biết, trong thời gian này, cô H. vẫn đến trường. Tuy nhiên, giáo viên này được phân công công việc khác chứ không được đứng lớp giảng dạy.
Đánh giá vụ việc, luật sư Nguyễn Tri Đức, đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm: “Hành vi của cô giáo như trong video phản ánh là đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe của trẻ em khi đã sử dụng vũ lực liên tiếp nhéo tai, đánh vào đầu, tay và xỉ mắng học sinh”.
“Các học sinh nhỏ tuổi, nhận thức còn hạn chế. Nhưng không vì thế mà cô giáo tự cho phép mình được dạy bảo bằng hình thức trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức nghề giáo”, luật sư Đức nhận định.
Còn luật sư Đặng Văn Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc cô giáo đánh hàng loạt học sinh là phản giáo dục, có thể gây hệ lụy lâu dài. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, không thể chấp nhận được.
"Về trách nhiệm pháp lý, nếu các học sinh có 1-2% thương tích, cô giáo có thể bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự (hành vi là gây thương tích cho người dưới 16 tuổi và gây thương tích cho người mà người phạm tội có trách nhiệm giáo dục... ).
Clip do phụ huynh cung cấp: Hình ảnh cô giáo liên tục bạt tai, đánh đập học sinh lớp 2 tại TP.HCM gây bức xúc
Nếu hành vi đánh đập, sỉ nhục, xúc phạm học sinh diễn ra thường xuyên khiến nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tâm lý, dù không có tỷ lệ phần trăm thương tích, vẫn có thể khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác", luật sư Cường nhận định.
Còn trong trường hợp hành vi và hậu quả không đủ dấu hiệu cấu thành hai tội danh nêu trên thì cô giáo này vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP và tiến hành các biện pháp kỷ luật viên chức theo quy định pháp luật.
Cũng theo các luật sư, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của bộ GD&ĐT. Theo đó, giáo viên chỉ được thực hiện hình thức kỷ luật cảnh cáo. Các hình thức kỷ luật khác do hội đồng kỷ luật và hiệu trưởng nhà trường quyết định.
"Trong các hình thức kỷ luật trong quy định, không có hình thức nào cho phép giáo viên được phép đánh đập, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh", ông Cường khẳng định.
Chị H.T.B., phụ huynh lớp 2/11 chia sẻ, từ khi nhập học vào cuối tháng 8 vừa qua, con của chị đã phản ảnh rằng bị giáo viên chủ nhiệm đánh. “Con tôi còn kể, cô giáo đánh rất nhiều bạn khác. Tôi đã hỏi một số phụ huynh khác và cũng được biết tình trạng như vậy”, chị T. kể.
Để kiểm chứng câu chuyện, một phụ huynh lớp 2/11 đã âm thầm gắn camera trên tường phòng học và để liên tiếp 4 ngày, từ 27 đến 30/8. Khi xem video, các phụ huynh đã bàng hoàng, bức xúc khi thấy con bị cô giáo đánh, tát và xỉ mắng.
Theo như video mà nhóm phụ huynh cung cấp cho báo chí, trong ngày 30/8, với bộ áo dài tím màu cánh sen, cô giáo Nguyễn H. gọi học sinh lên bục giảng trả bài và có véo tai liên tiếp nhiều em.
Một góc khuất của camera quay được 12 học sinh nhưng theo quan sát, có đến 5 em bị cô đánh vào đầu, đập mạnh vào vai, véo tai và kéo tai lên xuống nhiều lần trong thái độ giận dữ, tay này chỉ vào học sinh, tay kia chống nạnh.
Sau đó, nhóm phụ huynh lớp 2/11 đã gửi video và đơn phản ánh cho ban Giám hiệu nhà trường vào ngày 9/9. Đại diện Nhà trường đã xin lỗi và hứa sẽ giải quyết dứt điểm, thấu tình sự việc này.