Cô giáo Việt ở trung tâm vũ trụ và tên lửa Mỹ

Cô giáo Việt ở trung tâm vũ trụ và tên lửa Mỹ

Thứ 5, 11/07/2013 15:59

Chuyện tưởng như một giấc mơ không tưởng, nhưng giấc mơ đó đã đến với cô giáo giàu nghị lực Nguyễn Thị Phương Giang, giáo viên Toán trường THPT Lương Văn Chánh (Tuy Hòa, Phú Yên).

Nằm trong nhóm Các giải pháp cộng đồng của tập đoàn Honeywell, chương trình đào tạo tại trung tâm Vũ trụ và tên lửa Mỹ thu hút giáo viên Toán và Khoa học từ các bang của Mỹ và nhiều nước trên thế giới, với mục đích khơi dậy niềm đam mê khám phá cho học sinh.

Truyền cảm hứng sáng tạo

Là một giáo viên dạy Toán, cô Giang luôn trăn trở về sức hấp dẫn của môn học này. Nhiều học sinh của cô từng tâm sự: “Em rất thích học Toán, nhưng học để làm gì, hay chỉ để hoàn thành chương trình, đối phó với các kỳ thi?”.

Làm gì để học sinh giỏi Toán không chỉ là những “thợ”, mà có cả khả năng tưởng tượng, sáng tạo, cũng như kỹ năng mô phỏng? Khóa học thú vị ở trung tâm Vũ trụvà tên lửa Mỹ đã mang lại cho cô câu trả lời: học Toán cũng cần phải có cảm hứng sáng tạo, và chỉ có thực hành mới khiến cho học sinh nhớ lâu, hiểu sâu.

Xã hội - Cô giáo Việt ở trung tâm vũ trụ và tên lửa Mỹ
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Giang tại chương trình HESA.

Thể hiện quan điểm của Honeywell: giáo viên phải là người truyền cảm hứng học tập và sáng tạo cho học sinh, khóa học được tổ chức cho giáo viên dạy Toán và các môn khoa học từ lớp 4 đến lớp 8, nhưng cũng mở rộng cho các khối lớp khác.

Trong suốt khóa học kéo dài 45 giờ này, các giáo viên được phát triển chuyên môn trong phòng thí nghiệm và huấn luyện thực địa tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về khoa học và Toán học, bao gồm các học phần: Mô phỏng máy bay phản lực hiệu suất cao; Nhiệm vụ vũ trụ giả định; Đào tạo sinh tồn trên mặt đất và trong môi trường nước; Chương trình động lực học tương tác.

Bằng cách nào để các giáo viên THPT, dù là giáo viên dạy môn Toán và Khoa học đi nữa, có thể tiếp cận những đề tài “khó nhằn” này? Ngoài những buổi nói chuyện của chuyên gia về lịch sử chương trình vũ trụ không gian, nguyên tắc, cấu trúc tên lửa... những thử nghiệm khoa học đơn giản mà thú vị chính là “chiếc chìa khóa vàng”. Chính nhờ những buổi thực hành này, các giáo viên đến từ nhiều nước đã dễ dàng “gõ cửa” những ngành học tưởng như quá cao siêu, xa vời này.

Trong một thực hành khác, giả định đưa ra là môi trường nước trên hành tinh mà nhà du hành vũ trụ được gửi đến đang bị ô nhiễm trầm trọng. Với một số vật liệu cho trước, làm thế nào để nhà du hành có nước sạch để sử dụng? Vậy là, các thầy cô giáo cùng bàn bạc, vận dụng những kiến thức sẵn có để giải “bài toán vũ trụ”. Sau vài chục phút, bắt đầu có những tiếng reo: Nước sạch! Nước sạch! Các thầy cô giáo hoan hỉ vì đã hoàn thành bài tập.

Học đi đôi với hành

Một tình huống khác được đưa ra: nhà du hành vũ trụ được đưa đến một nơi có nhiệt độ rất cao, làm thế nào để bảo vệ mạng sống? Trong thử nghiệm này, một quả trứng được sử dụng tượng trưng cho nhà du hành vũ trụ. Một bên quả trứng đặt nguồn nhiệt cực cao, tới 800 độ.

Các thầy cô giáo phải  chọn vài vật liệu trong số các vật liệu được cho sẵn, trong khoản tiền định trước (2000 USD) để tạo ra tấm cách nhiệt giữ cho quả trứng an toàn. Chỉ với những vật liệu đơn giản như giấy bạc, gỗ, thạch cao, miếng nhôm mỏng... nhóm cô Giang đã hoàn thành nhiệm vụ. Cô hồ hởi nói: “Đúng là khoa học mang lại những điều kỳ diệu mà chỉ có thực hành mới có thể kiểm chứng được!”.

Xã hội - Cô giáo Việt ở trung tâm vũ trụ và tên lửa Mỹ (Hình 2).
Cô Giang tại Trung tâm vũ trụ và tên lửa Mỹ.

Bên cạnh các hoạt động mang tính chất khoa học và thực nghiệm, các nhà giáo cũng được trải nghiệm thực tế. Mỗi đội được thực hiện một "chuyến bay lên mặt trăng”. Nhóm cô giáo Giang có 15 người, trong đó 2 người được phân công làm phi công, 8 người là chuyên gia, còn lại là người điều khiển từ mặt đất. Các nhóm đều phải sử dụng các phương tiện máy móc, kỹ thuật không gian để hoàn thành nhiệm vụ.

Cô Giang là một trong 8 chuyên gia của nhóm. Sau một thời gian sử dụng máy móc trong tàu, cô nhận nhiệm vụ ra ngoài vũ trụ để lắp đặt máy ghi chép bên ngoài. Khi ra ngoài, cô được ngồi vào một chiếc ghế đặc biệt, và dần được đưa  lên cao.

Thoạt đầu, Giang nghĩ rằng nhiệm vụ thật đơn giản, và cô có thể dễ dàng điều khiển chiếc ghế, nhưng không ngờ chiếc ghế cứ lên cao mãi, giống như ở tình trạng không trọng lượng vậy! May mắn, cô bạn đồng nghiệp người Mỹ của Giang, đã được hướng dẫn từ trước, đã điều khiển được ghế của mình và hỗ trợ Giang. Vừa sợ, vừa vui, với cô giáo Giang, có lẽ đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất và không có cơ hội cho lần thứ hai.

Với những gì tiếp thu từ khóa học, cô Giang tâm niệm sẽ truyền đạt lại với các đồng nghiệp rằng: Hãy cho các em thực hành càng nhiều càng tốt! Những môn khoa học có thể rất khô khan, nhưng sẽ trở nên vô cùng thú vị, nếu học sinh được tiếp cận thông qua những buổi thực hành. Lý thuyết dễ quên, thực hành mới nhớ, đặc biệt với các môn khoa học. Với cùng một thử nghiệm, giáo viên cũng nên cho các em nêu các giải quyết vấn đề của riêng mình. Có thể có những kết quả khác nhau, nhưng đừng đánh giá đúng sai, bởi đó là con đường khuyến khích các em sáng tạo.

Cô Nguyễn Thị Phương Giang

Thạc sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Giảng dạy – ĐH Hawaii, Mỹ.

Cử nhân chuyên ngành Giáo dục – Phương pháp Sư phạm Toán ĐH Quy Nhơn, Bình Định.

Tham gia các tổ chức chuyên ngành: Hiệp hội Giáo viên Toán học Mỹ, Tổ chức Giáo dục tương lai, ĐH Hawaii at Manoa; Hiệp hội Trung tâm Đông Tây, Mỹ; Hiệp hội sinh viên Việt Nam tại Hawaii.

Theo Giáo dục Thời đại

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.