Hiện nay ở Việt Nam chưa có một bảng xếp hạng âm nhạc chính thức, đa phần các bảng xếp loại đều được xây dựng bởi một số công ty nhạc số tư nhân như Zing MP3, Nhaccuatui... Khoảng 5-6 năm trước, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ rất quan tâm đến việc sản phẩm âm nhạc của mình nằm ở Top nào, được yêu thích ra sao. Nhưng giờ "gió đã đổi chiều", nhiều người trong cuộc thờ ơ với kiểu sắp xếp này, vì sao vậy?
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nhạc sĩ Dương Trường Giang - người có những hài hát Hit như Phố không mùa, Mùa đi ngang phố... cho hay: "Từ lâu rồi các nhạc sĩ không mặn mà với bảng xếp loại các bài hát bởi vì.., không còn tin nữa. Một số bài hát câu từ rất nhảm nhí, không có ý nghĩa vẫn lọt Top rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng nên hiện nay, không ai quan tâm đến việc xếp loại này. Bản thân tôi đã nói "bye bye" với bảng xếp hạng của Zing MP3 lâu rồi, bởi toàn nhạc đâu đâu, xếp hạng như một cái ao nhạc. Bản thân những người làm nhạc chân chính không bao giờ làm nghề để xếp hạng".
Nhạc sĩ Dương Trường Giang cũng chia sẻ thêm: "Có hiện tượng ai có tiền, ai chịu khó đầu tư thì lên Top các bảng xếp hạng. Ai cũng thấy rằng, các bảng xếp hạng của Việt Nam đều do các công ty tư nhân quản lý, mà không chịu một sự chỉ đạo điều hành từ các cơ quan chuyên môn nên việc có "góc khuất" là có.
Bảng xếp hạng Top trending ở Youtube thì đỡ hơn, vì ít nhất nó cũng có yếu tố của Quốc tế, nhưng một số nhạc sĩ, ca sĩ vẫn có những cuộc đua "ngầm" kinh hoàng. Một số ca sĩ đưa MV, bài hát lên Youtube, ban đầu họ vẫn "chơi chiêu" đấy chứ, vẫn kêu gọi bạn bè, người thân cày view đó thôi, nhưng sau đó thì nếu bài hát Hot vẫn có view tự nhiên như của Sơn Tùng M-TP, Đen Vâu, Hoàng Thuỳ Linh... Nhưng không phủ nhận, ban đầu họ vẫn chạy view. Ở showbiz, người ta đã xài "chiêu" câu view lâu rồi. Có góc tối, chiêu trò nên không ai tin ở bảng xếp hạng hài hát nữa".
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường - cha đẻ của những bài hát Em trong mắt tôi, Nồng nàn Hà Nội... thì cũng thẳng thắn nói về việc xếp hạng các bài hát: "Tôi không quan tâm đến việc bài hát của mình có lot vào Top này hay Top kia không. Tôi thấy chuyện này vớ vẩn quá, chúng tôi làm về nghệ thuật, nhưng không quan tâm đến đó, view có thể ảo mà. Chúng tôi chỉ muốn cống hiến, nếu làm nhạc, chơi nhạc là khiến khán giả vui, đồng cảm với mình là thành công rồi. Đó là cái mà tôi hướng tới chứ không phải lượng view ảo trên mạng xã hội.
Về lâu dài khán giả Việt Nam sẽ nhận ra điều này, ở các nước phương Tây cũng từng trải qua những giai đoạn âm nhạc đánh giá như này. Nhưng khi có tập quán nghe nhạc văn minh hơn, họ không để ý đến chuyện Top trending nữa, họ tìm những sản phẩm âm nhạc đích thực để họ xem. View ảo chỉ là chuyện ngoài lề thôi".
Ca sĩ Việt Tú cũng bộc bạch rằng, các bảng xếp hạng bài hát hiện nay rất "ngớ ngẩn". "Mấy bảng xếp hạng chỉ là tham khảo cho vui thôi, như như Zing MP3, Nhaccuatui... thì chỉ xem cho biết, còn Top trengding ở Youtube thì chỉ là tính trên lượt view xem thôi, không có hội đồng chuyên môn nào đánh giá cả. Bài nào view cao thì nằm trên Top nên vẫn có những bài hát không ra gì, nội dung nhạt nhẽo vẫn có tên trên Top đó thôi. Bên cạnh đó, các bảng xếp hạng vẫn có dich vụ "cày view". Có bài thì công nhận rất hay, được nghe nhiều, được nhận xét tích cực và share nhiều, nhưng cũng có nhiều bài rất nhảm, lượt view khủng nhưng chả ai biết bài đấy của ai".
Nói về vấn đề bản quyền bài hát ở các bảng xếp loại, nhạc sĩ Dương Trường Giang cho hay: "Thi thoảng, bên Nhaccuatui vẫn trả tiền bản quyền các bài hát cho tôi, còn các trang khác thì không. Hầu hết họ sử dụng các bài hát vô tội vạ, không xin phép ý kiến nhạc sĩ rồi cũng "lơ" luôn việc trả tiền cho tác giả. Nhiều nhạc sĩ bị thế chứ không riêng gì Dương Trường Giang, chúng tôi có nhắc đấy, nhưng một thời gian lại bị thế. Chúng tôi cũng bận rộn, không ai rảnh để suốt ngày để ý việc trang nào, công ty nào dùng nhạc "chùa" của mình. Thôi thì mình cứ chuyên tâm làm nhạc, rồi họ cũng không thể làm ăn thiếu chuyên nghiệp như thế mãi được, khán giả sẽ tẩy chay thôi".
Ca sĩ Thu Trang cho hay: "Thực thế, việc vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra hàng ngày, các bảng xếp hạng bài hát vẫn vi phạm, có nhắc nhở nhưng rồi "đâu lại vào đấy", vì các nhạc sĩ ngại va chạm. Chỉ có một vài vụ vi phạm quyền tác giả được đưa ra Pháp luật giải quyết như bài Gánh mẹ của nhà thơ Trương Minh Nhật và ca sĩ Quách Bem, cũng lùm xùm một thời gian, cũng có người để ý, cũng có nơi "chỉ trỏ" bàn tán nhưng sau đó, họ vẫn dùng miễn phí các bài hát khác mà không trả tiền cho tác giả, thậm chí không ghi tên tác giả. Khán giả cần tẩy chay mạnh mẽ những hiện tượng này để có một môi trường nghe nhạc văn minh".
Theo quy định, Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) cũng đã nêu rõ các hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng như Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng đã quy định rõ ràng về các mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên mà không có một biện pháp xử lý cứng rắn nào được đưa ra.