Kỳ 2: Sự thật được hé mở...
Tạp chí Người Đưa Tin pháp luật đã thông tin về phản ánh của nhóm 5 NLĐ nói trên trong bài viết: "Bị đưa đi XKLĐ "chui" giữa dịch Covid-19, 5 công dân Việt Nam “mắc kẹt” 4 tháng ở Bờ Biển Ngà"
Để xác minh phản ánh của NLĐ là có cơ sở hay không, chúng tôi đã liên hệ các bên liên quan để làm rõ.
Theo số điện thoại mà nhóm NLĐ cung cấp, tôi liên hệ với ông Nguyễn Phạm Đềm và bà Nguyễn Thị Hương nhưng không thể kết nối được. Chúng tôi đã trực tiếp đến văn phòng làm việc của công ty VIETKITE tại tầng 3, nhà B6A, khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Trao đổi với PV Người Đưa Tin pháp luật, ông Hoàng Ngọc Linh - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VIETKITE - xác nhận ông Đềm là nhân viên sale (bán hàng) của công ty nhưng đã xin nghỉ việc. Về vụ việc bị nhóm NLĐ kiện cáo, ông Linh phủ nhận trách nhiệm của công ty VIETKITE và khẳng định công ty không đưa 5 người này đi đâu, không làm thủ tục hay tư vấn gì.
“Công ty VIETKITE đăng ký 24 ngành nghề hoạt động, trong đó có ngành nghề chính là dịch vụ hỗ trợ giáo dục, tư vấn du học… Công ty không hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi làm việc tại nước ngoài nên việc 5 NLĐ “tố” công ty đưa người đi Bờ Biển Ngà là không đúng” – ông Linh nói.
Nhưng khi được PV cho xem ảnh chụp phiếu thu (do NLĐ cung cấp) ngày 11/3/2020 mang tên người nộp tiền là Trương Xuân Bình, với số tiền 14 triệu đồng, lý do nộp là “hoàn thiện hồ sơ đi Bờ Biển Ngà” có chữ ký của ông Nguyễn Phạm Đềm và dấu treo ghi tên công ty VIETKITE, ông Linh không xác nhận đây có phải phiếu thu và con dấu của công ty hay không mà chỉ nói rằng phiếu thu này không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký của kế toán, thủ quỹ, giám đốc.
Sau khi bài báo "Bị đưa đi XKLĐ "chui" giữa dịch Covid-19, 5 công dân Việt Nam “mắc kẹt” 4 tháng ở Bờ Biển Ngà" của chúng tôi được xuất bản, ông Hoàng Ngọc Linh đã gọi điện cho PV Người Đưa Tin pháp luật khẳng định đây là vụ việc "đánh quả lẻ" của ông Đềm, không liên quan đến công ty VIETKITE bởi vì giữa công ty VIETKITE và nhóm NLĐ nói trên không có hợp đồng ký kết với nhau, ông Linh chưa từng gặp 5 người này, họ cũng không lên văn phòng công ty VIETKITE làm việc, dấu treo đóng trên phiếu thu đã phản ánh là dấu giả.
PV liên hệ với ông Trần Văn Quỳnh qua điện thoại thì được ông Quỳnh xác nhận có vụ việc đưa 5 NLĐ nói trên đi Bờ Biển Ngà. Ông Quỳnh nói với PV rằng mình là Giám đốc Marketing của công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực ABC nhưng hiện đã nghỉ việc.
“Tôi không trực tiếp đưa những người này đi Bờ Biển Ngà mà chỉ phối hợp để làm các việc chia sẻ thông tin, thông báo đến NLĐ… Tôi có nhận một phần thù lao cho công việc này, tuy nhiên ngay sau khi sự cố xảy ra, tôi đã hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận cho những người trên”, ông Quỳnh nói.
Thông tin được ông Quỳnh hoàn trả tiền cũng đã được anh Trương Xuân Bình thừa nhận.
Để xác minh có hay không việc “bắt tay” giữa công ty VIETKITE và công ty ABC trong vụ việc XKLĐ “chui” đầy tai tiếng này, PV Người Đưa Tin pháp luật đã đến liên hệ tìm hiểu thông tin tại công ty ABC ở địa chỉ 79 phố Thiên Hiền (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tiếp chúng tôi là ông Trần Quyết, cán bộ pháp chế của công ty ABC. Ông Quyết cho biết lãnh đạo công ty đi vắng và hẹn trả lời bằng văn bản sau.
Và, ngày 27/8/2020, công ty ABC đã có văn bản trả lời tạp chí Người Đưa Tin pháp luật về vấn đề nêu trên. Văn bản do bà Lê Hồng Vân – Tổng Giám đốc công ty ABC - ký, khẳng định nội dung tố cáo của nhóm NLĐ ở Nghệ An, Hà Tĩnh “không liên quan đến công ty ABC”.
Bà Vân xác nhận, hai người liên đới trong đơn tố cáo là ông Trần Văn Quỳnh và bà Nguyễn Thị Bảy “từng có thời gian làm cộng tác viên tuyển dụng bán thời gian của công ty ABC” nhưng đã không đến làm việc kể từ tháng 3/2020 do dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo công ty ABC cũng cho hay, công ty không hợp tác liên kết với công ty VIETKITE. Đặc biệt, công ty ABC không có hoạt động XKLĐ tại thị trường Bờ Biển Ngà nên không thông báo tuyển dụng, ra văn bản hay chỉ đạo nhân viên, cộng tác viên làm bất cứ việc gì để đưa người lao động sang đất nước này.
“Việc tư vấn, tuyển dụng đưa người sang Bờ Biển Ngà hoàn toàn do ông Quỳnh, bà Bảy tự ý câu kết với bà Hương và công ty CP Giáo dục và Du lịch VIETKITE, không báo cáo hoặc thông báo vấn đề này cho ban lãnh đạo công ty ABC nên ông Quỳnh, bà Bảy phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những việc làm của mình”, văn bản của công ty ABC nêu rõ.
Ngay cả đến bà Nguyễn Thị Thúy Hồng là người được nhắc đến trong đơn thư với vai trò là người cùng ông Đềm tiếp đón nhóm NLĐ ở TP.HCM hôm 11/3/2020 và đưa họ ra sân bay làm thủ tục xất cảnh hôm 15/3/2020 cũng phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm liên quan.
Trả lời điện thoại PV Người Đưa Tin pháp luật, bà Hồng nói: "Chị không biết gì đâu em ơi. Chị là người Nghệ An, vào sống trong TP.HCM nên được phía người quen bên Bờ Biển Ngà nhờ đưa mấy người đó ra sân bay làm thủ tục hộ thôi. Chị không nhận đồng nào trong việc giúp đỡ này cả". Nhưng khi được hỏi phía người quen bên Bờ Biển Ngà là ai thì bà Hồng lấy cớ đang bận việc rồi cúp máy.
Như vậy là, công ty VIETKITE không có chức năng XKLĐ, Chủ tịch công ty này cũng khẳng định không hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Công ty ABC thì có chức năng XKLĐ nhưng không hoạt động ở thị trường Bờ Biển Ngà. Vậy không hiểu vì lý do gì nhóm người trên lại đưa 5 NLĐ đi sang Bờ Biển Ngà để lao động xuất khẩu?
Phải chăng họ tổ chức đi “chui” bằng đường du lịch và có hay không đường dây XKLĐ trái phép đằng sau những cá nhân này?
Đáng lưu ý, người có vai trò quan trọng nhất trong câu chuyện này là ông Nguyễn Phạm Đềm luôn khẳng định "bên anh làm đúng", "bên anh sẽ có văn bản"..., tôi chưa hiểu ông Đềm đang nói đến bên nào, trong khi cả hai công ty VIETKITE và công ty ABC đều phủ nhận mối liên quan đến ông Đềm trong vụ việc này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong Kỳ cuối: Luật sư và Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bờ Biển Ngà lên tiếng.
Minh Minh - Phạm Tùng