Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, theo đó người bán hàng sẽ được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và của những người trong mạng lưới.
Không phủ nhận bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại và đã có những ưu thế nhất định. Ở nước ta đã có những công ty sử dụng loại hình, hình thức kinh doanh này một cách hiệu quả.
Mô hình bán hàng đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một số công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu bất thường, biến tướng. Chính những công ty bán hàng đa cấp này đang thực sự tạo nên những cơn sốt làm giàu, xáo trộn cuộc sống ở không ít vùng quê nông thôn bằng cách reo rắc vào đầu người tham gia những ảo tưởng làm giàu vô lý. Từ những người nông dân đến các bạn sinh viên và cả những người già đã nghỉ hưu bỗng chốc trở thành những chuyên viên đa cấp.
Làm thế nào mà loại hình này lại thu hút nhiều người tham gia đến vậy? Liệu có hay không những dấu hiệu lừa đảo vi phạm pháp luật như đã xảy ra ở các công ty kinh doanh đa cấp khác như MB 24 hay không?
Trao đổi với phóng viên VTV, nhà đầu tư tài chính Nguyễn Duy Định, người từng được mời tham gia kinh doanh đa cấp chia sẻ: "Thực ra thì bản chất của kinh doanh đa cấp không xấu. Tuy nhiên, trong quá trình tôi được mời tham gia tôi nhận thấy có một số bất ổn mà mình cảm thấy nếu tham gia lâu dài thì mình cảm thấy hiệu quả nó không như người ta đã hứa và trao đổi với mình, thế nên tôi đã từ chối".
Nói về dự bất ổn của kinh doanh đa cấp, anh Nguyễn Duy Định cho biết: "Tôi từng được Thiên Ngọc Minh Uy mời. Sự bất ổn ở đây là ở góc độ liên quan đến sản phẩm. Sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, giá trị sản phẩm có đúng như họ bán cho mình hay không và điều nữa là tôi muốn có lợi nhuận thì tôi phải mờ thêm nhiều người khác. Tôi cảm thấy nó không ổn trong mô hình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận và làm giàu cho bản thân".
Thực tế bán hàng đa cấp tại Việt Nam hiện nay nổi lên vấn đề người bán hàng vì lợi nhuận mà quên mất lợi ích khách hàng, chính điều này đã dẫn đến nhiều ấn tượng không tốt đẹp về hình thức bán hàng này.
"Những buổi đào tạo và hội nghị khách hàng tôi thấy nổi lên một số điều, đó là những thành viên tham gia được hứa hẹn khi mời những người khác tham gia ở dưới mình sẽ được nhận những mức hoa hồng rất lớn. Tất cả mọi người đều chạy theo mức hoa hồng đó mà quên mất rằng là trong kinh doanh, thương mại ta phải quan tâm đến sản phẩm. Người ta cần giá trị sản phẩm đó bên cạnh giá trị của nó. Tuy nhiên, người ta cũng chẳng quan tâm, họ chỉ quan tâm là giá trị chia thưởng được bao nhiêu và thời gian tới họ lôi kéo được bao nhiêu người nữa để trong tương lai họ có thể làm giàu lên, đó là điều họ quan tâm nhất và nó sẽ lấn át các điều khác", anh Định giải thích lý do nhiều người tham gia bán hàng đa cấp.
Dưới góc nhìn của một luật sư, luật sư Nguyễn Minh Ly, văn phòng luật sư P&P, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: "Hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay được hiểu là hình thức bán lẻ thông qua hệ thống những người tham gia và được thực hiện tại nơi ở của người tham gia hay nơi làm việc của người được mời hay một địa điểm khác thay vì địa điểm bán hàng truyền thống và người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích khác từ việc bán hàng đó hoặc từ việc bán hàng của người cấp dưới trong hệ thống của họ được hệ thống bán hàng đa cấp chấp nhận"
Nói về những vi phạm của các công ty bán hàng đa cấp hiện nay, luật sư Minh Ly cho rằng: "Các công ty bán hàng đa cấp đang vi phạm nhiều điều cấm, chẳng hạn 9 hành vi mà pháp luật quy định. Ví dụ, pháp luật quy định doanh nghiệp không được yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp đóng những khoản tiền nhất định hoặc là phải mua những lượng hàng nhất định để được vào hệ thống hoặc là không được phép dụ dỗ người khác tham gia vào hệ thống để mình được hưởng hoa hồng và ăn chia lợi nhuận… và nhiều hành vi bị cấm khác"
Tuấn Khanh (Nguồn: VTV)