Trong 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn, 2 người lần đầu ngồi ghế "nóng" là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược vắc-xin trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở vùng khó khăn hay định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.… là những nội dung được quan tâm.
Các địa phương phải chuẩn bị cơ sở vật chất
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn với Covid được nhân dân đánh giá cao. Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp triển khai hiệu quả nghị quyết trên. Hiện nay các địa phương đang triển khai khác nhau, vậy giải pháp thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc là gì?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ nên nhiều quốc gia cũng phải điều chỉnh chính sách trong từng giai đoạn. Đến nay, hầu hết quốc gia đã chuyển sang thích ứng với dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Nghị quyết 128 đã đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình dịch, tiến độ tiêm chủng và năng lực y tế ở từng địa phương, từ đó đưa giải pháp thích hợp.
Giải pháp đầu tiên, theo ông Long, các địa phương phải đánh giá được cấp độ dịch để áp dụng biện pháp phù hợp cho những hoạt động khác nhau như sự kiện ngoài trời, giao thông, giáo dục…
“Nghị quyết quy định rõ nên địa phương phải tuân thủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long Long, muốn chuyển sang thích ứng an toàn với dịch, các địa phương phải chuẩn bị cơ sở vật chất đặc biệt về y tế như hạ tầng y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức, giường cấp cứu.
Về câu hỏi làm sao triển khai đồng bộ các giải pháp, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh diễn biến dịch phụ thuộc nhiều vào từng địa phương nên các địa phương vừa qua căn cứ vào địa bàn, quy mô dân số và nhiều yếu tố khác để triển khai các biện pháp khác nhau, nhưng khi Nghị quyết 128 ra đời thì cơ bản tất cả áp dụng đồng bộ. Tư lệnh ngành y tế mong các địa phương lưu ý thực hiện đúng nghị quyết.
Không cách ly tập trung người đã tiêm vắc-xin đi cùng thang máy có F0
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình)cho biết nhiều cử tri sống chung cư lo lắng về việc bắt buộc đưa F1 đưa đi cách ly tập trung mà không xem xét trường hợp cụ thể. Ví dụ người tiêm 2 mũi, thực hiện 5K nhưng chỉ tiếp xúc vài giây trong thang máy vẫn phải đi cách ly tập trung 14 ngày, trong khi đủ điều kiện cách ly tại nhà. Ý kiến Bộ trưởng như thế nào?
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế căn cứ trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã có hướng dẫn xét nghiệm, cách ly đối với người đi từ vùng dịch trở về.
Đối với cấp độ 3, cấp độ 4 phân ra, nhiều quy định: Thứ nhất đối với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, chỉ cần theo dõi y tế 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất; Đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như vậy; Đối với người đã tiêm 1 mũi vacicne thì cách ly tại nhà 7 ngày; Đối với người chưa được tiêm vắc-xin theo dõi trong vòng 14 ngày.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện vào từng địa phương, và trong khuyến cáo của Bộ Y tế tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư… chúng ta đảm bảo việc cách ly một cách linh hoạt.
Bộ trưởng cho rằng, đối với những khu chung cư có mật độ cư dân đông đúc mà chưa có độ phủ vắc-xin chưa cao thì chúng ta áp dụng việc cách ly tập trung, bao gồm việc cách ly tại nhà.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường giơ biển tranh luận. Đại biểu Cường nói: "Tôi thấy câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ, nhiều cử tri gọi cho tôi hỏi vấn đề cụ thể và phổ biến là người tiêm đủ hai mũi vắc-xin, đeo khẩu trang, không tiếp xúc và chẳng may đi cùng thang máy với F0 thì trong trường hợp này có bắt buộc phải cách ly tập trung hay không?"
Trả lời điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết vấn đề này đã xảy ra với một vài địa phương, trong đó có Hà Nội.
"Chúng tôi đã trao đổi với thành phố Hà Nội, với những trường hợp như vậy, chúng ta không bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày, và trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rất rõ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói và cho biết thêm, với những trường hợp này chỉ cần cách ly tại nhà 7 ngày.
Bộ trưởng cũng đề nghị, Bộ Y tế đã đưa các văn bản về vấn đề này, các địa phương áp dụng tạo thống nhất thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Do “mải mê chống dịch” nên không thực hiện được thu giá xét nghiệm
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chất vấn tại sao có việc loạn giá phí xét nghiệm Covid-19, có nơi thu phí 450.000 đồng/lần, liệu có lợi ích nhóm trong bộ test xét nghiệm. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc để giá xét nghiệm trôi nổi?
“Vấn đề tiêu cực của ngành y trong thời gian qua, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân trong thiếu kiến thức trong quản lý? Vậy đã đến lúc tách bạch giữa quản trị và quản lý với chuyên môn? Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?”, đại biểu Hoà hỏi.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xin phép dành nhiều thời gian hơn để giải đáp câu hỏi “liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề loạn giá xét nghiệm?” của đại biểu Phạm Văn Hòa và “vì sao Việt Nam đã sản xuất được kit, test xét nghiệm Covid-19 nhưng vẫn phải nhập ở nước ngoài” của đại biểu Đặng Hồng Sỹ.
Về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán, trước đây, Bộ trưởng Long khẳng định không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn.
Bộ trưởng nhắc nhớ hồi đầu năm 2020, giá khẩu trang, gang tay, máy thở do khan hiếm đã bị đẩy lên cao, các quốc gia có tình trạng tranh mua trong thời điểm đầu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian qua do nhiều doanh nghiệp tham gia vào nên đã làm giảm giá những mặt hàng này.
Biện pháp của Bộ Y tế được ông Long đề cập là từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, yêu cầu các công ty công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế. Bộ cũng liên tục yêu cầu các DN tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị.
“Hiện nay, chúng ta đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28”, Bộ trưởng Long nói.
Người đứng đầu ngành y tế cho biết đã tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Tư lệnh ngành y tế cũng nêu ra yêu cầu về việc giảm giá thành, theo đó, Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20). Điều này cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành.
Bộ trưởng khẳng định Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm “hiệu quả, tiết kiệm”.
Ông Long cho biết, trước 1/7, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn vì việc xét nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng “thực thanh thực chi”. Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: “Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này”.
Bộ đã có văn bản và Thủ tướng đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022.
Ưu tiên phủ vắc-xin
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Đoàn Bình Thuận) nêu thực tế Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên phân lập được virus, năm 2020 sản xuất được kit test và có nước đặt mua, nhưng vừa qua chủ yếu nhập khẩu. Vậy nguyên nhân là gì? Nếu sản xuất được kit test thì đã sử dụng ở đâu, địa phương nào?
Đại biểu cũng hỏi thêm: "Giá xét nghiệm sáng nay mới có, vậy trách nhiệm quản lý giá cả của Bộ trưởng thế nào?".
Hiện nhiều người dân trên 18 tuổi chưa được tiếp cận vắc-xin, trong khi đó nhiều nơi tiêm mũi 2, thậm chí mũi 3 và tiêm cho trẻ em. Vậy nguyên tắc phân bổ vắc-xin ra sao?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, Việt Nam là một trong 4 quốc gia phân lập thành công virus và giải trình tự gen virus. Bộ Y tế đã quan tâm đầu tư sản xuất sinh phẩm (kit xét nghiệm). Từ sớm, Bộ đã hỗ trợ hai doanh nghiệp sản xuất kit PCR, nên hiện nay cơ bản đã đủ.
Bộ trưởng nói: “Chúng ta đã hỗ trợ thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên, hiện có hai đơn vị sản xuất cái này. Hai đơn vị chuyển giao từ nước ngoài. Chúng tôi đang thúc đẩy để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra có hai đơn vị sản xuất được kit kháng thể. Phương châm là làm sao chúng ta sẽ chủ động được kit xét nghiệm”.
Về nguyên tắc phân bổ vắc-xin, dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, ưu tiên địa bàn trọng điểm và nhóm dân số. Đó là các tỉnh thành có nguy cơ rất cao, đầu mối giao thông, mật độ giao thông nhiều... Thời gian qua, Bộ y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương phân bổ vắc-xin.
Về nhóm ưu tiên, trong tháng 10 các nơi phải phủ được người trên 65 tuổi, từ tháng 11 phủ cho người trên 50 tuổi, đây là hai nhóm rủi ro nhất.
Hai tuần đầu tháng 11, Bộ Y tế triển khai ở một số địa bàn trọng điểm tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi. Mũi 3 sẽ được tiêm từ cuối tháng 12/2021. Hiện cả nước đang tiêm phủ mũi một, sau đó phủ mũi hai rồi tiêm mũi 3.
Hoàng Bích - Hồng Bích