Liên tiếp xảy ra động đất
Ngày 28/7, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) đã phát đi liên tiếp các thông báo động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Theo đó, trong ngày 28/7, cơ quan chức năng ghi nhận liên tiếp 4 trận động đất xảy ra tại địa phương kể trên. 4 trận động đất diễn ra từ 3h12 sáng tới 11h35 trưa cùng ngày thì kết thúc, với thời gian các trận động đất cách nhau không đồng đều. Trong đó, các trận động đất có độ lớn tăng dần từ 3.3 tới 5 richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km tới 8,3km.
Ba trận động đất đầu được Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, không gây thiệt hại về người. Riêng trận động đất thứ 4, có độ rủi ro thiên tai cấp 2.
Tiếp đó, các địa chấn nhỏ vẫn tiếp tục diễn ra, đỉnh điểm ngày 31/7, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam ghi nhận tới 9 trận động đất có độ lớn từ 2.6 đến 3.4, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Mặc dù các trận động đất này được đánh giá thuộc cấp 0, thuộc diện ít nguy nghiêm không gây thiệt hại. Tuy nhiên, rất đáng chú ý, trận động đất xảy ra lúc 11h35 ngày 28/7 với độ lớn 5 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận, là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực, khiến nhiều tỉnh, thành phố lân cận rung chuyển, nhiều nhà cửa tại Kon Plông bị rạn nứt.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo giới, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ richter. Việc một ngày trên 20 trận động đất như trong 2 ngày 28 và 29/7 vừa qua là chưa từng xảy ra trước đây.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Anh, hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi, hoặc xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.
Thống kê từ đầu năm đến nay, trên cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum 54 trận động đất, độ lớn từ 2,5 đến 5 độ richter. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam (3 trận), Yên Bái (2 trận), Hà Nội (1 trận), Phú Yên (1 trận), Tuyên Quang (1 trận), Điện Biên (1 trận), Ninh Bình (1 trận), Thanh Hóa (1 trận). Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai. Dự báo động đất kích thích tại Kon Tum khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định.
Đáng chú ý, theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đến nay, rất khó để dự báo được chính xác thời điểm xảy ra động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể dự báo được độ lớn của động đất. Ngay cả Nhật Bản là một nước thường xuyên xảy ra động đất, các nhà khoa học cũng không dự báo được thời điểm chính xác xảy ra động đất.
Chủ động đối phó với nguy cơ sóng thần
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần Viện Vật lý Địa cầu từng đánh giá, Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Theo nghiên cứu từ Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần Viện Vật lý Địa cầu từng đánh giá, cho tới nay chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam bao gồm: Riukiu - Đài Loan, đới hút chìm Manila, Biển Sulu, Biển Celebes, vùng Biển Ban Đa, Bắc Biển Đông, Palawan và Tây Biển Đông. Trong đó đới hút chìm Manila (Máng nước sâu Manila) được cho là có nguy cơ cao nhất.
Trong khu vực này đã xảy ra một trận động đất cường độ 8,2 độ Richter (hình 9) ngày 26/5/2006, nhưng may mắn trận động đất này đã không gây nên sóng thần.
Còn theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, việc nghiên cứu sóng thần ở nước ta chưa được chú ý nhiều. Lần đầu tiên việc khảo sát, đánh giá sóng thần đã được tiến hành cho vùng bờ biển Nghệ An - Hà Tĩnh phục vụ việc xây dựng Khu gang thép Thạch Khê năm 2007. Nghiên cứu này đã đưa ra các kết luận cho rằng vùng bờ biển Thạch Khê có khả năng từng xảy ra sóng thần cao tới 3m, nguyên nhân không phải là động đất mà có thể là có nguồn gốc khí tượng, động đất phát sinh ở các đứt gãy trên vùng thềm lục địa có thể gây sóng thần cao không quá 2m ở vùng bờ biển này. Tuy nhiên, những người nghiên cứu chưa chú ý đến các nguồn sóng thần trong vùng Biển Đông.
Đặc biệt, nguy hiểm sóng thần lớn nhất, đạt độ cao trên 10m tại vùng biển Quảng Ninh và Vinh nếu xuất hiện kịch bản động đất tại Tây Hải Nam (Trung Quốc) với chấn cấp 7,5 độ Richter. Tuy vậy cực đại động đất của các đới phát sinh động đất mạnh trong phạm vị Biển Đông cần được nghiên cứu chi tiết hơn.
Theo tìm hiểu từ Người Đưa Tin, từ năm 2007, Việt Nam đã thành lập một trung tâm có tên gọi Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu. Trung tâm này chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc phát hiện sớm động đất, sóng thần và ra các cảnh báo về động đất, sóng thần trên toàn lãnh thổ của Việt Nam. Đến nay, trung tâm này vẫn duy trì hệ thống quan trắc có trực ca 24/24 giờ. Nếu có sóng thần xảy ra, chúng ta hoàn toàn có khả năng cảnh báo sớm, cảnh báo kịp thời cho các vùng biển ở toàn bộ dải ven biển của Việt Nam.
Đồng thời, trung tâm cũng nằm trong hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại từ sóng thần của khu vực Thái Bình Dương với 35 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Vì thế, nếu sóng thần xảy ra trên toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, nếu có nguy hiểm tới Việt Nam, chúng ta sẽ được thông báo bởi các tổ chức quốc tế. Đồng thời, trong phạm vi của quốc gia, Việt Nam cũng có khả năng tự phát hiện và tự ứng phó với sóng thần trên toàn bộ dải ven biển của Việt Nam.
Tuy vậy, theo PGS.TS. Phương, việc phát hiện cảnh báo sớm sóng thần là nhiệm vụ cần phải có sự chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trong tương lai bởi thực tế, các hoạt động địa chất thường có diễn biến khó lường, mặc dù đã được cảnh báo nhưng khi xảy ra thì thiệt hại vẫn là rất lớn.
Thứ nhất, với các khu vực nằm trong vành đai núi lửa hoặc nơi giãn cách lục địa, mọi người cần chú ý theo dõi tin tức về động đất, không chỉ ở khu vực mình đang ở mà cả những khu vực khác. Sóng thần có thể tạo nên bởi những trận động đất cách xa hàng ngàn dặm.
Thứ hai, nên chú ý âm thanh lạ, vì những người sống sót sau các trận động đất nói rằng họ nghe thấy âm thanh như tiếng tàu chở hàng.
Thứ ba, khi thấy nước rút nhanh và bất ngờ trong thời gian không phải thủy triều xuống, cần chạy nhanh lên bờ, tìm những nơi có địa hình cao để trú ẩn.
Thứ tư, đợt sóng đầu tiên của trận sóng thần không phải đợt sóng nguy hiểm nhất. Vì vậy, nên tránh xa biển cho đến khi chính quyền thông báo tình hình ổn định.
Thứ năm, nếu linh cảm thấy sóng thần sắp xảy ra thì chúng ta nên tránh xa vùng biển, đừng đợi đến khi có thông báo chính thức của cơ quan chức năng, vì sóng thần thực sự xuất hiện chỉ khoảng 5 phút sau dấu hiệu đầu tiên.