Có hay không phân biệt đối xử với taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất?

Có hay không phân biệt đối xử với taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất?

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 2, 23/11/2020 15:48

Với quy định phân làn đón xe mới được áp dụng, đã có xung đột giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ xảy ra trong việc đón khách.

Nản lòng hành khách, tài xế

Từ ngày 14/11, sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện phân làn lại ở đường nội bộ. Theo đó, xe taxi công nghệ (GrabCar, BeCar...) đón khách ở làn A, B, C, D nhưng phải lên tầng 3 - 5 của nhà xe vì chưa đóng thương quyền với cảng hàng không.

Tài xế Nguyễn Minh Hoàng (trú tại quận 9, TP.HCM) cho hay: “Anh em nào đón khách cũng rất vất vả, khó di chuyển lên nhà xe, nhiều khi lên xong phải lòng vòng tìm chỗ trống lùi xe vào chờ khách. Hành khách thì phải leo lên tầng 3 - 5 họ cũng khó chịu, nhất là khi có con nhỏ, mang theo nhiều hành lý hay người cao tuổi. Số lượng thang máy hạn chế nên chỉ còn cách leo thang bộ”.

Còn tài xế Nguyễn Văn Hoàng (31 tuổi) nói: “Sau hơn 15 phút di chuyển từ ngoài cổng sân bay mới lên được bãi đón ở lầu 4 nhà xe. Chúng tôi cũng không hiểu vì sao lại có sự phân tách làn kiểu này, trong khi làn B và C dành cho xe kinh doanh trống trơn không có xe vào mà lại không linh động cho chúng tôi vào cho dễ đón khách. Tình trạng này nếu kéo dài chắc chúng tôi cũng hủy các chuyến ở sân bay chứ không dám nhận nữa, di chuyển phức tạp lắm”.

Tin nhanh - Có hay không phân biệt đối xử với taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất?

Muốn đón xe taxi công nghệ, hành khách phải lên tầng cao trong nhà xe. Ảnh: Thành Nhân.

Sự nản lòng diễn ra đối với cả tài xế và hành khách. Di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM, chị Hoàng Thị Như Thảo (trú quận 6, TP.HCM) thường đặt xe GrabCar. “Bình thường ứng dụng báo giá hơn 100.000 đồng cho chuyến xe khoảng 10 km, nếu sử dụng mã khuyến mại chỉ còn 80.000 đồng. Nhưng hôm trước tôi đành bỏ cuộc sau 30 phút không tìm được tài xế”, chị Thảo nói.

Theo hành khách này, chỉ cần bước đến làn D, chị được chào mời bởi nhiều hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Vina,… nhưng “bất ngờ” vì giá gấp 3 lần, tức hơn 300.000 đồng. Thậm chí, có chỗ còn viết hóa đơn, yêu cầu khách thanh toán trước.

Ngược lại, tài xế Trần Hoàng Linh của hãng Vinasun phân trần: “Giá cả xe truyền thống cao hơn là vì tiền bến bãi quá cao. Phí ra vào trước đây 10.000 đồng nay đã lên 25.000 đồng. Grab hay Be cũng là xe hợp đồng, muốn kinh doanh nhưng lại không muốn bỏ tiền ra thuê bến bãi thì phải lên tầng 4, 5 đón khách là đúng rồi”.

Anh Võ Nguyễn Quốc Thanh - nhân viên kinh doanh, trú TP.HCM - nêu ý kiến: “Tất cả sân bay và các hãng xe đều là vì mục đích phục vụ khách hàng. Về tiền phí và các tiền dịch vụ liên quan đến sân bay, hành khách đã mua vé đầy đủ. Vậy khi khách hàng xuống máy bay thì họ đi xe gì dịch vụ gì là quyền của họ. Sân bay phải có trách nhiệm và tạo điều kiện để các loại xe dịch vụ được đón khách một cách nhanh chóng nhất chứ không nên gây khó dễ cho hành khách”.

 

 

Kinh doanh vận tải hay ứng dụng công nghệ?

Trao đổi với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, đại diện cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, việc phân làn đã đạt được những hiệu quả ban đầu là giao thông thông thoáng, không còn tình trạng ùn tắc trong sân bay dù trong những ngày cao điểm cuối tuần.

Một số loại xe công nghệ phải vào bãi đậu xe vì phía sân bay ưu tiên quyền lợi các đơn vị vận tải ký hợp đồng nhượng quyền khai thác với cảng hàng không là 4 hãng taxi và 7 đơn vị kinh doanh xe.

Ông Phạm Vũ Cường - Phó Giám đốc cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho hay, đơn vị này đã làm việc với đại diện các hãng xe công nghệ có hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất. Được biết, buổi làm việc đầu tiên đã diễn ra vào ngày 19/11 nhưng các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Phía cảng hàng không Tân Sơn Nhất khẳng định sẵn sàng sắp xếp cho các hãng xe công nghệ một số vị trí để đón khách như các hãng taxi và kinh doanh vận tải đã ký thương quyền. Điều này sẽ giúp tài xế của các hãng xe công nghệ và hành khách thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, đến nay các hãng xe công nghệ vẫn cho rằng họ là doanh nghiệp quản lý về công nghệ chứ không phải doanh nghiệp vận tải, nên không trực tiếp đứng ra ký hợp tác thương quyền với sân bay.

Còn hãng Grab chỉ xác nhận “tiếp tục làm việc, trao đổi cùng cảng vụ và các cơ quan chức năng liên quan nhằm sớm mang đến giải pháp tốt nhất, đảm bảo quyền lợi của tài xế và nhất là hành khách có nhu cầu sử dụng GrabCar” chứ không chia sẻ chi tiết nội dung thảo luận. Đại diện Be Group cũng tương tự.

Tin nhanh - Có hay không phân biệt đối xử với taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất? (Hình 2).

Với tần suất phục vụ hơn 450 chuyến bay, tương đương 100.000 lượt khách mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất được ví như "mỏ vàng" hay "miếng bánh ngon" của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách như taxi, xe hợp đồng...

Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ - Phó Tổng Giám đốc Vinasun, Chủ tịch hiệp hội Taxi TP.HCM - ủng hộ phương án phân làn hiện nay vì giúp giảm đi sự lộn xộn của các xe cá nhân, xe hợp đồng, xe công nghệ.

Đồng thời, mỗi hãng taxi đều phải đấu thầu từng vị trí đậu xe và chi hàng tỷ đồng mỗi năm theo hợp đồng nhượng quyền khai thác vận tải hành khách tại cảng. Do đó, ông cho rằng việc các xe của Grab, Be phải đón khách ở tầng cao trong bãi đậu xe là hợp lý.

Một lãnh đạo khác của cảng hàng không Tân Sơn Nhất viện dẫn Thông tư 17/2016/TT-BGTVT nhấn mạnh, việc quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay là “đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch” đối với các doanh nghiệp được nhượng quyền. Công tác đó nhằm “đảm bảo năng lực phục vụ taxi đáp ứng nhu cầu thực tế của nhà ga”, xây dựng văn minh, lịch sự, an ninh trật tự đối với hoạt động khai thác taxi.

Vì thế, nếu các ứng dụng xe công nghệ như Grab, Be thực hiện đúng quy định, đăng ký nhượng quyền sẽ được khai thác bình đẳng như các đơn vị khác. Hành khách, tài xế của ứng dụng sẽ có điểm đón cụ thể, không phải di chuyển lên tầng cao của nhà xe.

Trước diễn biến này, cục Hàng không đã chỉ đạo cảng vụ Hàng không miền Nam rà soát, kiểm tra lại hoạt động phân làn, đón trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có văn bản đề nghị cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nghiên cứu phương án xây dựng cầu bộ hành, đường hầm nối giữa ga quốc nội và nơi giữ xe để hành khách sau khi hạ cánh đi ra nhà xe đón xe thuận tiện hơn. Nhưng trước khi dự án được thực hiện vào năm 2021, tình trạng lộn xộn sẽ diễn ra đến bao giờ?

Tăng phí gửi xe, tăng lợi nhuận gấp 5 lần

Nhà xe ga quốc nội TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất được khởi công xây dựng từ tháng 10/2015 và chính thức đi vào hoạt động toàn phần từ tháng 10/2016. Nhà xe này do công ty CP Đầu tư TCP là chủ đầu tư và quản lý vận hành.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, công ty TCP có vốn điều lệ 110 tỷ đồng, trong đó là 19,8 tỷ đồng, tương đương sở hữu 18% vốn doanh nghiệp từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ sở hữu sân bay Tân Sơn Nhất.

Đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 nhưng đến năm 2017, hoạt động của nhà xe báo lỗ gần 17 tỷ đồng. Năm 2018, doanh nghiệp lần đầu có lãi với khoản lợi nhuận gần 4,8 tỷ đồng. Đặc biệt, khi thay đổi giá dịch vụ xe ra vào từ đầu năm 2019, lợi nhuận của nhà xe tăng tới 508%, đạt trên 24 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.