Bách bệnh có… tiêu tán?
Theo tuyên bố “hùng hồn” của CMC thì phần mềm có tên gọi CryptoShiel có khả năng đưa dữ liệu của người dùng vào một vùng an toàn, bất khả xâm phạm đúng vào thời điểm nó phát hiện ra có mã độc tấn công.
Đây là sản phẩm có khả năng chống mọi loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền người dùng (Ransomware) nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó CryptoShield có thể nhận biết tất cả các vi mã hóa dữ liệu và tiến hành ngăn chặn mà không cần nhận dạng loại mã độc của Ransomware.
Với ưu điểm nhanh, nhẹ và “thông thái”, CMC CryptoShield cho phép người dùng lựa chọn tiêu diệt những ứng dụng có hành vi mã hóa quá mức giới hạn thông thường, sau đó mọi dữ liệu bị mã hóa sẽ được tự động khôi phục. “CMC CryptoShield đảm bảo rằng tất cả các dữ liệu của người dùng sẽ được đưa vào một vùng an toàn và bất khả xâm phạm vào thời điểm ngay trước khi bị mã hóa” - ông Vũ Lâm Bằng - Phụ trách Nghiên cứu Phát triển sản phẩm tự tin chia sẻ với báo giới.
Cũng theo ông Bằng, thì trong phần thử nghiệm cho thấy CryptoShield có khả năng phản ứng rất nhanh khi chiếc máy tính bị WannaCry tấn công và mã hóa dữ liệu. Truy cập vào phần mềm này, người dùng sẽ khôi phục lại được toàn bộ dữ liệu cần thiết. Tuy nhiên ông này lại đưa ra khuyến cáo, người dùng vẫn nên cài đặt các phần mềm diệt virus để bảo vệ máy tính an toàn trước các dòng mã độc còn lại như ăn cắp mật khẩu, ăn cắp thẻ tín dụng....???
Vẫn phải cài thêm Antiviruts(?)
Trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc tại sao CMC không tích hợp công nghệ này vào bộ phần mềm Antivirus có sẵn, ông Triệu Trần Đức (Tổng giám đốc CMC InfoSec) giải thích: Cơ chế hoạt động của CryptoShield rất khác so với các phần mềm diệt virus. Theo đó, phần lớn các phần mềm chống virus hoạt động theo kiểu "mèo đuổi chuột", tức là khi virus xuất hiện và lây lan thì các hãng mới bổ sung vào cơ sở dữ liệu nhận dạng, còn CryptoShield lại sử dụng công nghệ phân tích hành vi, cho phép ngăn chặn các loại ransomware kể cả khi chưa một chương trình antivirus nào phát hiện. Từ đó, người dùng có thể yên tâm trước các cuộc tấn công dù là mới nhất.
Hiện CMC đang muốn hướng CryptoShield tới đối tượng người dùng chính phủ và doanh nghiệp. Mức giá cho CryptoShield sẽ là khoảng 48 USD/PC/năm. CMC cũng “úp mở” trong thời gian tới, hãng sẽ tung ra một phiên bản miễn phí của phần mềm này dành cho đối tượng người dùng gia đình.
Trái với sự lạc quan từ phía CMC, nhiều chuyên gia hàng đầu bảo mật tại Việt Nam lại tỏ ý nghi ngại đặt ra dấu hỏi. CMC có tự tin thái quá khi khẳng định phần mềm mới của mình có khả năng “tiêu trừ bách bệnh” mọi biến thể của WannaCry tại Việt Nam kể cả khi còn trong “trứng nước”?
Đ.Huệ
(còn tiếp)