Có hay không việc đánh thuế ô tô trên 1,5 tỷ đồng để doanh nghiệp bán xe?

Có hay không việc đánh thuế ô tô trên 1,5 tỷ đồng để doanh nghiệp bán xe?

Bùi Thế Anh

Bùi Thế Anh

Thứ 4, 18/04/2018 22:17

Chuyên gia kinh tế đưa quan điểm, nếu không giải thích rõ ràng việc đánh thuế ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ khiến dư luận suy diễn ra nhiều vấn đề và cho rằng, các tập đoàn, doanh nghiệp đang lái chính sách.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tài sản và đề nghị đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Ngày 13/4, bộ Tài chính đã tổ chức họp báo để công bố về dự án luật này, đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Đối với các loại như: Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt, là việc bình thường. Còn loại thuế mà bộ Tài Chính đang hướng tới những dòng từ 1,5 tỷ đồng trở lên chẳng khác gì là đánh thuế nhà giàu. Đây là một thuế luỹ tiến, nhằm hạn chế chi tiêu của người dân”.

Có hay không việc đánh thuế ô tô trên 1,5 tỷ đồng để doanh nghiệp bán xe?

Có hay không việc đánh thuế ô tô trên 1,5 tỷ đồng, để doanh nghiệp bán xe?.

“Dĩ nhiên, việc xe ô tô đang phải gánh rất nhiều loại thuế, bây giờ lại thu thêm thuế đối với dòng xe từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ không ai muốn nộp thuế này. Hiện nay, mỗi một chiếc xe đang phải gánh quá nhiều loại thuế rồi, bây giờ thêm loại thuế này nữa nó sẽ làm ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội”, TS. Doanh chia sẻ.

Trong khi đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Nhà, đất, xe ô tô là những tài sản gắn liền với người dân mà lại đánh thuế đối với xe từ 1,5 tỷ đồng trở lên, thì việc người dân phản ứng là điều hiển nhiên. Nếu bộ Tài Chính không giải thích rõ ràng về tính pháp lý sẽ tạo ra một phản ứng rất kịch liệt từ phía người dân”.

“Bên cạnh đó, có một số mạng thông tin xã hội lại nói: “Có một tập đoàn ô tô sắp sản xuất ô tô dưới 1,5 tỷ đồng và xây dựng hơn 3.000 ngôi nhà dưới 700 triệu đồng nên việc tăng thuế là để kích cầu cho doanh nghiệp bán ô tô, bán nhà”. Đây là thông tin của mạng xã hội, chưa khẳng định được đúng sai, nhưng không giải thích rõ ràng sẽ khiến dư luận suy diễn ra nhiều vấn đề cho rằng, các tập đoàn, doanh nghiệp đang lái chính sách”, ông Liên nói.

Ông Liên cho hay: “Việc thu thuế để tích thêm ngân sách Nhà nước phục vụ xã hội, nhưng đi đôi với nó là chúng ta phải tiết kiệm, tiết kiệm tài sản, tiết kiệm từ đầu tư công, hạn chế xe công, không xây trụ sở hào nhoáng, giảm bớt bộ máy cồng kềnh để tiết kiệm cho ngân sách”.

Nói về việc giá thành ô tô quá cao so với các nước, ông Liên cho rằng: “Hiện tại, xe ô tô đang phải gánh rất nhiều các loại thuế. Việc tăng thuế như thế này sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội cũng như ngành vận tải”.

“Đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô là chưa thuyết phục do người tiêu dùng trong nước đang phải chi trả rất lớn hay nói cách khác là đã đóng quá nhiều tiền thuế cho việc mua xe. Để vận hành được 1 chiếc xe, người tiêu dùng đã phải chịu quá nhiều chi phí khác, như thuế môi trường qua xăng dầu, phí cầu...”, ông Liên giãi bày.

Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, hiện tại, xe ô tô đang phải chịu 3 loại thuế bắt buộc. Cụ thể là: Thuế nhập khẩu linh kiện (10 -30%) hoặc xe nguyên chiếc (50 - 70%); thuế tiêu thụ đặc biệt (40 - 60% tùy dung tích xe); thuế giá trị gia tăng (VAT 10%). Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp 22% cũng được tính vào giá xe.
Khi xe ô tô được lưu thông trên đường sẽ tiếp tục phải "cõng" thêm nhiều loại phí lưu hành. Trước tiên là phí trước bạ. Ô tô du lịch chịu lệ phí trước bạ với mức 10% hoặc 15%, tùy theo thành phố. Các loại ô tô khác phải chịu 2% lệ phí trước bạ khi muốn đăng ký.
Ngoài ra, xe ô tô còn phải chịu thêm khoản phí để được cấp biển số. Để được lưu thông trên đường, ô tô ở Việt Nam còn phải chịu phí kiểm định với mức 240.000 - 560.000 đồng một lần kiểm định. Bên cạnh đó là lệ phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật có mức 50.000 - 100.000 đồng/lần.
Trong đó, còn có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT và phí bảo trì đường bộ. Đặt biệt, xe ô tô còn phải chịu một loạt phí khác: phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn.
Vì vậy, người dân muốn sở hữu một chiếc ô tô là cả một vấn đề không hề đơn giản, ngoài việc mua xe với mức giá cao do chịu nhiều loại thuế thì trong quá trình sử dụng chúng ta còn phải gánh thêm rất nhiều loại phí khác. Trong đó, chưa tính đến việc tăng thuế đối với xe từ 1,5 tỷ đồng trở sẽ làm cho thị trường xe ô tô giao động.

Thế Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.