Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý
Sáng 24/11, phát biểu tại hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên hàng đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, gắn với thi hành pháp luật, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, môi trường, đất đai; tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; nghiên cứu, nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, có giá trị dẫn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, không để thể chế cản trở sự phát triển.
Với quyết tâm đó, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở cả khía cạnh xây dựng và thi hành pháp luật. Hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn, từ pháp luật về quyền con người, quyền công dân; tổ chức bộ máy đến lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân, từng bước tiệm cận chuẩn mực quốc tế về pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.
Tuy vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của chúng ta vẫn còn bất cập, vướng mắc, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao; chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của một số văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, của người dân, doanh nghiệp và nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu mà công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang đặt ra.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, thời gian tới, để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của chúng ta chính là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030 đưa ra quan điểm phát triển: “Lấy hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước”, đồng thời tiếp tục xác định “hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược.
Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thời gian qua chúng ta đã có được một hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, công khai, minh bạch hơn; tạo dựng được hành lang pháp lý quan trọng cho xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị…
Lập pháp là một trong ba trụ cột quan trọng của Quốc hội và thời gian qua, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc liên quan đến công tác lập pháp, bảo đảm cả về quy mô và chất lượng, bao quát hết tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh, chúng ta thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật còn những bất cập, hạn chế, yếu kém. Trong đó nổi lên là hệ thống pháp luật còn những quy định chưa đồng bộ, tính khả thi của một số dự thảo được xây dựng chưa cao; tính ổn định của một số luật, pháp lệnh còn hạn chế do điều kiện khách quan trong phát triển; một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo… Đây là những vấn đề mà chúng ta cần phải tiếp tục rà soát, khắc phục, hoàn thiện, bổ sung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, trong tổ chức thi hành pháp luật, vẫn còn những điểm yếu. Trong thực thi pháp luật, chúng ta thấy có hiện tượng người ta vi phạm pháp luật một cách rất "hồn nhiên", ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm túc, nhất là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Việc xây dựng pháp luật cần bám sát vào Nghị quyết của Đảng để tập trung vào những trọng tâm lớn là: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân, đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; những vấn đề về bảo đảm hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục đổi mới, thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các nhân, tổ chức trong tuân thủ và thực hiện pháp luật.
“Tôi bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng, với những vấn đề được xem xét thảo luận, quyết định, sau Hội nghị này, công tác xây dựng thể chế, pháp luật và thi hành pháp luật của nước ta sẽ có một bước chuyển biến tốt hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ.
H.Lan