Cơ hội mới cho trái dừa tươi Việt Nam
Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Cục đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi và làm căn cứ cho việc ký nghị định thư.
Theo báo Công Thương, thời gian kiểm tra giữa tháng 8/2023. Hình thức kiểm tra trực tuyến kết hợp kiểm tra thực địa và tài liệu.
Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung vào kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại...; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu (bố trí vườn trồng, biện pháp phòng dịch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ); quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu;…
Kế hoạch kiểm tra này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Việc kiểm tra sẽ giúp Trung Quốc đánh giá được chi tiết về hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng dừa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo xuất khẩu dừa an toàn và hiệu quả hơn.
Qua đó nâng cao tính minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn của dừa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần thúc đẩy ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi giữa hai nước.
Theo Vietnam+, để chuẩn bị tốt các nội dung kiểm tra đợt này, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố về việc chuẩn bị kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu.
Chi cục cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của GACC. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ và tài liệu kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý, phòng chống sinh vật gây hại theo yêu cầu của GACC.
Các địa phương rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông báo và hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói hoàn tất hồ sơ, tài liệu liên quan và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tham gia kiểm tra trực tuyến theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Toàn bộ hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, của các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi phải được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Trung và gửi về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 5/8 tới để tổng hợp gửi GACC.
Sau kiểm tra, Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình đánh giá rủi ro và đề xuất các yêu cầu nhập khẩu phù hợp để xây dựng nghị định thư về nhập khẩu dừa từ Việt Nam.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện để đợt kiểm tra trực tuyến đối với các vườn trồng và cơ sở đóng gói dừa tươi của GACC được tiến hành thuận lợi, đạt kết quả tốt.
Tiềm năng lớn từ thị trường tỷ dân
Nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc tiếp tục tăng. Đảo Hải Nam, nơi sản xuất dừa chính tại Trung Quốc, chỉ sản xuất 250 triệu trái dừa mỗi năm, trong khi nhu cầu thị trường hàng năm của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ trái. Ngoài ra, còn có 1,5 tỷ trái dừa cần chế biến nên chênh lệch cầu rất lớn.
Bổ dưỡng, ít béo và hương vị thơm ngon, dừa là loại trái cây nhiệt đới có nhu cầu sử dụng ngày càng tăng nhanh.
Do thị trường Trung Quốc có nhu cầu dừa rất lớn nhưng sản lượng dừa của nước này chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu thị trường nên chỉ có thể dựa vào dừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, theo báo Công Thương, ngày 22/2/2023, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với đồng chí Thẩm Hiểu Minh - Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã đưa ra đề xuất với phía bạn trong việc hợp tác xúc tiến thương mại và thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam, trong đó, thúc đẩy đưa dừa tươi Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với mặt hàng dừa tươi, trong đó Hải Nam là một trong những địa phương nhập khẩu dừa tươi lớn nhất của Trung Quốc. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với trái dừa của Việt Nam sẽ giúp Hải Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp.
Hiện nay, tại Việt Nam có đến hơn 180.000ha đất nông nghiệp dùng để trồng dừa. Số lượng lớn đều tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre. Nhờ vậy mà Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới.
Hiện các địa phương trồng dừa đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ. Hơn 7.000ha dừa đạt chứng nhận dừa hữu cơ là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Với sự nỗ lực của người nông dân và các doanh nghiệp thay đổi cách làm để thích nghi với thị trường xuất khẩu trong đó có thị trường Trung Quốc, kỳ vọng dừa tươi Việt Nam sẽ nhận được “tấm vé thông hành” sang thị trường tỷ dân này.
Ngành dừa sắp gia nhập CLB xuất khẩu tỉ USD
Trao đổi với Người Lao Động, bà Bùi Hoàng Yến, phụ trách CụcXúc tiến thương mại phía Nam - Bộ Công Thương, cho biết, diện tích dừa cả nước là hơn 180.000ha, sản lượng 1,9 triệu tấn, mang về doanh thu xuất khẩu hơn 900 triệu USD gồm dừa và các sản phẩm liên quan đến dừa trong năm 2022. Với dư địa còn rất lớn, ngành dừa hoàn toàn có khả năng gia nhập CLB xuất khẩu 1 tỉ USD trong tương lai gần.
"Tiềm năng của ngành dừa rất lớn, Hiệp hội Dừa thế giới dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành đến năm 2025 có thể đạt bình quân 10%/năm. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như: kem dừa tăng 36%/năm, nước dừa tăng 25%/năm, dầu dừa tinh khiết tăng 21%/năm, sữa dừa tăng 15%... do người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng các sản phẩm lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật.
Do đó, ngành dừa cần nắm bắt cơ hội từ việc nâng cao khả năng cạnh tranh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho sản phẩm" , bà Hoàng Yến khuyến cáo.
Minh Hoa (t/h)