Cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam trong tình hình mới

Cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam trong tình hình mới

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 6, 26/11/2021 17:21

Giá cà phê xuất khẩu đạt 2.370 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 5 năm qua, khiến cho thị trường ngành nông sản này đang rất sôi động.

Sáng 26/11, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Facebook (Meta) tổ chức buổi hội thảo với chuyên đề “Các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành cà phê trong nền kinh tế số tại Đăk Lăk”.

Tín hiệu tích cực cho cà phê Việt Nam

10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam ước đạt 1,273 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,41 tỷ USD. Suy giảm 5,1% về khối lượng nhưng giá trị lại tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết:

Niên vụ cà phê 2020-2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đạt 201.393 tấn, tăng 6.146 tấn so với niên vụ 2019-2020 (tăng 3,1%), chiếm tỷ trọng 13,4% so với cả nước. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 366,206 triệu USD, tăng 34,224 triệu USD so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 13% so với cả nước. Nếu so với niên vụ 2019-2020, lượng cà phê xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu đều tăng (niên vụ cà phê 2019-2020, số lượng cà phê xuất khẩu chiếm tỷ trọng 11,9% và kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng 11,7% so với cả nước).

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam trong tình hình mới

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk (ảnh chụp màn hình)

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) nhận định, cà phê là ngành hàng gần như không chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, bằng chứng là hoạt động xuất khẩu vẫn ổn định.

Giải thích nguyên nhân giá cà phê tăng trong thời gian qua, ông Cương cho rằng, trong đại dịch, xu hướng làm việc tại nhà diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, vô hình chung, lực lượng lao động làm việc tại nhà đã mang thói quen tiêu dùng cà phê thâm nhập vào trong sinh hoạt gia đình khiến nhu cầu về mặt hàng nông sản này gia tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, sản lượng thế giới sụt giảm, xu thế sử dụng cà phê của người tiêu dùng không còn giới hạn khung thời gian như trước, đối tượng sử dụng đa dạng hơn…cũng khiến việc tiêu thụ và giá cả cà phê tăng mạnh.

Theo ông Cương, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế quan đến từ các Hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP… đây là cơ hội để các doanh nghiệp chớp thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới mốc 3 tỷ USD trong năm nay.

Song song với đó là xu thế rút ngắn chuỗi cung ứng, các nhà bán lẻ và công ty rang xay trên thế giới có xu hướng tìm kiếm trực tiếp các nguồn cung ứng cà phê nhân, giúp cho cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam rộng mở hơn, dễ dàng thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, chế biến mặt hàng này.

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam trong tình hình mới (Hình 2).

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Nguyễn Hoa Cương 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gợi ý, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử chất cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, trị giá chỉ khoảng 6,8 triệu USD, điều này là chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên.

“Nếu cải thiện được chất lượng rang, khử caffein thì cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận các thị trường Bắc Âu”, ông Cương nói thêm.

Cùng chung nhận định, bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ DNNVV – VCCI cho biết, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Công nghệ số - giải pháp khắc phục các hạn chế và thúc đẩy tăng trưởng cà phê Việt Nam

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế, sản lượng chế biến còn hạn chế. Mặt khác, sự liên kết sản xuất, chuỗi ngành hàng còn lỏng lẻo, xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê chế biến chưa được triển khai hiệu quả.

Báo cáo của ngành nông nghiệp Đăk Lăk - thủ phủ cà phê Việt Nam cho thấy, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Diễn biến thời tiết phức tạp, trái quy luật, mưa, bão, lũ lụt ngày càng bất thường đã khiến gia tăng tình trạng xói mòn, rửa trôi, khô hạn dẫn đến suy giảm diện tích, chất lượng đất canh tác, tốc độ thoái hóa đất đai đang diễn tiến theo chiều hướng xấu. Biến đổi khí hậu còn làm suy thoái nguồn nước dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới cho nông nghiệp.

Bên cạnh đó, biến động giá cả cà phê, vật tư đầu vào các loại, mô hình sản xuất nhỏ lẻ lạc hậu, hạn chế trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất…đã ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân, khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, mất đi tính bền vững và ổn định.

Để khắc phục tình trạng trên, bà Trần Thị Thanh Tâm đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp cà phê cần chủ động đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số - chuyển đổi số. Gia tăng xu hướng chuyển dịch thị trường, liên kết phát triển chuỗi giá trị, đồng thời, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm.

“Xây dựng thương hiệu để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm là một trong những hướng đi và giải pháp để phát triển bền vững”, bà Tâm nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam trong tình hình mới (Hình 3).

Bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ DNNVV – VCCI (ảnh chụp màn hình)

Ông Rucio Tico, Quản lý Chương trình Chính sách, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Facebook (Meta) đánh giá, Việt Nam là một thị trường năng động, tuy nhiên, với quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) sẽ luôn phải đối mặt với những thách thức và cạnh tranh từ thị trường trên con đường xây dựng thương hiệu sản phẩm. Công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp SMB hiện thực hóa nhiều giai đoạn, từ ý tưởng kinh doanh, phát triển sản phẩm đến tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm.

“Các doanh nghiệp SMB sử dụng quảng cáo được cá nhân hóa có báo cáo tăng trưởng doanh số bán hàng tốt hơn 16% so với những doanh nghiệp không sử dụng phương thức này”, ông Ruci Tico kết luận.

Kinh tế vĩ mô - Cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam trong tình hình mới (Hình 4).

Ông Rucio Tico, Quản lý Chương trình Chính sách, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Tập đoàn Facebook (nay là Meta)

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai hiệu quả quy trình thâm canh, tái canh theo hướng áp dụng các sản phẩm công nghệ cao. Tích cực mở rộng thị trường thông qua tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế về cà phê, hội thảo quốc tế, xây dựng website của doanh nghiệp...

Phát triển hài hòa, nâng cao hiệu quả cả 3 kênh thương mại chính cho cà phê là thương mại truyền thống; thương mại điện tử và kênh thương mại thông qua các sàn giao dịch hàng hóa với hợp đồng kỳ hạn cà phê.

      

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.