Vụ thiên tai kép này đã phá hủy chuỗi mắt xích hỗ trợ toàn cầu và làm rung chuyển các cơ sở hạ tầng cả một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Công cuộc tái thiết của Nhật Bản sau trận động đất còn nhiều ngổn ngang
Thảm họa tiếp theo vẫn tiếp tục đeo đẳng tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi cũng gây rúng động cho thế giới. Hiện tượng rò rỉ phóng xạ tại 3 trong số 6 lò phản ứng giờ đây đã được thừa nhận. Sự bức xạ đã ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh, bao gồm cả các cơ sở chăn nuôi và nông nghiệp trọng yếu, và nguồn nước nhiễm xạ đã làm hủy hoại khu vực giàu tài nguyên cá suốt dọc bờ biển của Nhật Bản.
Việc tái thiết Nhật Bản sẽ tốn rất nhiều tiền của, cùng với việc thay đổi chỗ ở của rất nhiều người dân ở Tohoku, những đòi hỏi cấp thiết đối với chính phủ Nhật Bản giờ đây là bố trí nhà ở, công việc và ổn định sức khỏe cho người dân. Những nỗ lực nhằm tạo ra một kế hoạch khôi phục đang thu hút sự tập trung của chính phủ, các doanh nghiệp và các chuyên gia phi chính phủ.
Đối với người dân tại Tohoku, vấn đề ưu tiên là tái thiết cuộc sống của họ, bao gồm nền nông nghiệp và nền công nghiệp đánh bắt cá. Với rất nhiều người tại Tokyo, vấn đề ưu tiên hàng đầu là xây dựng một “mô hình” cho tương lai của xã hội Nhật Bản.
Tấn thảm kịch ngày 11/3 một lần nữa lại bộc lộ sức mạnh to lớn của Nhật Bản – đó chính là người dân của đất nước này. Trong vòng ba tháng kể từ thảm họa động đất và sóng thần, thế giới rất lấy làm kinh ngạc trước khả năng phục hồi và ý chí của Nhật Bản. Dường như Nhật Bản đã đặt tính tự mãn của họ sang một bên, trong phạm vi quốc gia, những tình nguyện viên già và trẻ đã xung phong lên các chuyến tàu về Tohoku. Các hộ gia đình và các doanh nghiệp trên toàn đất nước đã giảm bớt sự tiêu thụ năng lượng của mình, có thể là thấp hơn cả mức tiêu chuẩn toàn cầu từ 10-25%. Các công chức từ thành phố tới trung ương đều hướng tới một nỗ lực chung nhằm giữ vững đất nước của họ tại thời điểm cần thiết nhất.
Những thảm họa phải được nhìn nhận như một chất xúc tác không chỉ đối với việc xây dựng một đất nước Nhật Bản mạnh mẽ hơn mà còn cho việc xây dựng những hệ thống hợp tác khu vực và toàn cầu khăng khít hơn. Từ New Orleans tới Tứ Xuyên và tới Christchurch, người dân đã phải trải qua những mất mát khủng khiếp nhất trong việc đối mặt với những sức mạnh tàn phá của tự nhiên.
Tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima Daiichi đã đưa ra cơ hội để xem xét lại sự an toàn của hạt nhân, và xây dựng một phương thức mang tính toàn cầu trong việc điều chỉnh sức mạnh khủng khiếp của hạt nhân. Nhu cầu về năng lượng của chúng ta đã tạo ra những hệ thống công nghệ phức tạp đề duy trì sự phát triển kinh tế nhưng không đủ để đảm bảo sự an toàn cho con người.
Những bài học này vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với châu Á, nơi mà những thảm họa tự nhiên ngày càng thường xuyên hơn và sức tàn phá ngày càng lớn hơn. Thảm họa sóng thần trên biển Ấn Độ Dương năm 2004 với sức mạnh chết người trong một khu vực không có những hệ thống cảnh báo sớm và sự hạn chế đối với việc mô phỏng. Tương tự như vậy, trận động đất tại Tứ Xuyên năm 2008 đã trở thành một cơ hội để các quốc gia khu vực Đông Bắc Á đề xuất việc tìm kiếm, cứu trợ cũng như trợ giúp nhân đạo lâu dài.
Họ vẫn quyết tâm tái thiết đất nước từ đống đổ nát
Cùng với nhiệm vụ cơ bản của sự trợ giúp tại thời điểm cần thiết, sự hợp tác trong việc cứu trợ thảm họa cũng có thể tạo nên những mối quan hệ bền vững giữa các xã hội của châu Á. Sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Trung Quốc là phương tiện trong việc thay đổi thái độ của người Trung Quốc đối với Nhật Bản sau giai đoạn căng thẳng trong quan hệ song phương.
Đó là điều quan trọng đối với các quốc gia Châu Á để thúc đẩy cơ chế hỗ trợ cho sự phục hồi của Nhật Bản. Những sự phản ứng đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân thực sự bị lúng túng. Bài học về sự kiện ngày 11/3 và những ngày tháng tiếp theo đó sẽ đặc biệt hữu ích cho Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác về việc quá phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, đó cũng là nhiệm vụ của các chuyên gia khoa học trong khu vực và toàn thế giới để phát triển một nền tảng chung trong việc đo lường đánh giá mức độ phóng xạ và thúc đẩy nhận thức về mức độ có thể chấp nhận được. Trong các chuyên gia, dường như thiếu đi một sự thống nhất về những thông tin khoa học để cho chúng ta biết. Đối với công chúng, thậm chí có vẻ như là thiếu đi nguồn an ủi trong chính phủ và các cuộc thảo luận về đảm bảo lương thực và các sản phẩm.
Các nhà hoạch định chính sách tại Tokyo và xung quanh các nước châu Á phải học hỏi nhiều từ thảm họa ngày 11/3. Nhiệm vụ trước mắt tại Nhật Bản không chỉ đơn giản là đưa mọi thứ trở lại nguyên trạng như trước khi thảm họa xảy ra. Đúng hơn là các nhà hoạch định chính sách châu Á phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những giả định và thực tế về các thảm họa để sẵn sàng ứng phó, và sau đó tạo nên một cách tiếp cận tốt hơn đối với việc đảm bảo đời sống và phương kế sinh nhai cho người dân.
Nhật Bản có một vai trò tiên phong trong tiến trình này và trong một vài tháng và một vài năm trước mắt, Nhật Bản có rất nhiều điều để nói với các quốc gia khác trong khu vực châu Á và trên toàn thế giới về việc làm thế nào để xây dựng một xã hội kiên cường và an toàn hơn.
Chí Thành (theo Wall Street journal)