Nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài
Nhiều năm nay, khu vực các tỉnh phía Nam như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tham gia vào lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Điều này giúp thị trường nhà ở tăng nguồn cung, đa dạng sản phẩm, đặt biệt với tiềm lực tài chính từ vốn doanh nghiệp nước ngoài giúp cho các nhà đầu tư, người mua nhà an tâm hơn về công tác xây dựng, tiến độ bàn giao.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, hiện nay tại Tp.HCM khu vực Tp.Thủ Đức, một dự án của chủ đầu tư nước ngoài, đã khởi công xây dựng dự án với vốn đầu tư hơn 117 triệu USD quy mô dự án lên tới 5,6ha, tạo dựng một khu đô thị hiện đại, tiện nghi và tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Hay một tập đoàn đến từ Singapore, cũng đã xây dựng và đang triển khai một số dự án trên địa bàn Tp.HCM tại các khu vực như quận 1, quận 4… hay trên địa bàn phường Thảo Điền (Tp.Thủ Đức) với số lượng lên tới hàng nghìn căn hộ.
Tại khu vực tiệm cận như tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp FDI cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới thị trường bất động sản của tỉnh này khi liên tiếp đầu tư vào những dự án có quy mô lớn, bài bản.
Đơn cử, hồi tháng 4/2024, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho các tập đoàn đến từ Nhật Bản, khi các đơn vị này tham gia góp vốn vào dự án có quy mô gần 50ha với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Bên cạnh thu hút các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, thị trường bất động sản ở Bình Dương còn thu hút "ông lớn" từ Singapore tham gia dự án nhà ở quy mô lớn (18,9ha) với gần 3.500 căn hộ, đáp ứng nhu cầu khoảng 13.000 cư dân. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng 18.000 tỷ đồng.
Một tập đoàn của Malaysia cũng góp vốn vào dự án quy mô 5,6ha tại phường Hòa Phú (Tp.Thủ Dầu Một) với tổng vốn đầu tư 117 triệu USD. Tập đoàn này cũng đang phát triển dự án tại Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với quy mô gần 18,26ha vốn đầu tư khoảng 1.430 tỷ đồng.
Được biết, một đơn vị nước ngoài đã có nhiều dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương, cũng đang bắt tay với một tập đoàn từ Thái Lan, tiếp tục làm 11 dự án nhà ở với tổng cộng gần 9.000 căn hộ thuộc phân khúc vừa túi tiền tại địa phương này.
Lợi thế nguồn vốn, tuy nhiên giá nhà bán cao
Theo báo cáo của Công ty TNHH Cushman & Wakefield Việt Nam, trong hơn 2 quý vừa qua, vốn FDI tại khu vực phía Nam đến từ các nước như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 20% vốn FDI đăng ký mới và 9% vốn FDI thực hiện, là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang chuẩn bị sẵn sàng cho một chu kỳ mới.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trần Anh (Trần Anh Group) cho rằng: "Nhiều năm nay với cơ chế chính sách mở cửa hội nhập, hợp tác sâu rộng, Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết tới và các doanh nghiệp cũng đến để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, y tế…trong đó có ngành nghề bất động sản".
"Với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng…trong đó lợi thế vùng như Tp.HCM, Bình Dương hay Đồng Nai là các địa phương có vị trí chiến lược với môi trường kinh doanh thuận lợi, kết cấu hạ tầng chất lượng cao, quỹ đất làm dự án sạch… đặc biệt với nhu cầu sở hữu nhà ở, sở hữu tài sản bất động sản của người dân đã tạo nên những yếu tố quan trọng, để nhà đầu tư nước ngoài 'rón' vốn vào thị trường này", ông Thiện cho hay.
Cũng theo ông Thiện, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore… là nhóm quan tâm nhiều nhất đến phân khúc phục vụ nhu cầu ở tại các tỉnh thành phía Nam.
"Họ nhận định được thị trường ở khu vực này đang trên đà phát triển và tiềm năng về khách hàng rất lớn. Đặc biệt là nhu cầu về nhà ở hiện tại ở Việt Nam, nên doanh nghiệp FDI hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cùng vốn sự vững mạnh về tài chính, kỳ vọng thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc, khởi thông. Dòng tiền FDI sẽ thúc đẩy vấn đề xây dựng, hoàn thiện dự án một cách nhanh chóng bàn giao cho nhà đầu tư, người mua nhà, tạo tính thanh khoản cho thị trường ở hàng loạt phân khúc khác nhau", ông Hà Văn Thiện nhận định.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào thị trường bất động sản trong nhiều năm qua và có những dự án đã đi vào hoạt động bàn giao cho khách hàng. Một số dự án mới công bố đầu tư tuy nhiên tiến độ xây dựng khá nhanh.
Tuy nhiên, những dự án mà các doanh nghiệp FDI đang phát triển và chào bán trên thị trường hiện nay nằm ở phân khúc cao cấp, với giá bán lên tới hàng chục tỷ đồng/căn chung cư hoặc nhà phố.
Đơn cử, dự án nằm trên đường Mai Chí Thọ, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM (doanh nghiệp Malaysia) bán căn hộ 1 phòng ngủ diện tích 55m2 với giá dao động từ 5,8 - 6,8 tỷ đồng/căn. Căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 70 - 80m2 có giá 7,8 - 9,9 tỷ đồng/căn.
Một dự án khách nằm ở Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (doanh nghiệp Singapore) đang được các sàn môi giới rao bán căn hộ diện tích 52m2 khoảng 3 tỷ và 100 - 115m2 giá dao động khoảng 6,4 tỷ đồng. Riêng phân khúc biệt thự nhà phố tại dự án này cũng có giá hơn 8 tỷ đồng.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Lê Tứ (nhà đầu tư) cho rằng: "Những dự án mà doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư sẽ giúp nguồn cung của thị trường tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay các dự án có giá bán quá cao, hầu như chỉ dành cho những người có điều kiện về kinh tế, hoặc nhưng người đầu cơ dài hạn.
Chính vì vậy, khách hàng của những dự án này cũng cực kỳ chọn lọc. Nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi không lựa chọn các phân khúc này bởi tiềm năng và khả năng về kinh tế chưa cho phép đầu tư dài hạn vào phân khúc hạng sang. Với số tiền trên có thể mua rất nhiều khu vực khác".
Chia sẻ với PV, ông Lê Đình Lăng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển địa ốc Song Long nhận định: "Dự án có yếu tố vốn nước ngoài thường bán giá rất là cao, doanh nghiệp họ thường ít tập trung vào phát triển phân khúc nhà bình dân. Bởi, số tiền họ bỏ ra đầu tư vào quỹ đất dự án với vị trí đẹp chắc chắn sẽ làm dự án giá cao để phát triển thu về lợi ích về kinh tế".
Về tác động của dòng vốn FDI đến bất động sản, ông Lăng cho rằng đều có mặt lợi và hại. Đơn cử, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành chuyển nhượng quỹ đất lấy lời, chiếm dụng quỹ đất lớn ở vị trí đẹp... Việc thu hút vốn FDI vào bất động sản còn đưa tới thách thức cho các doanh nghiệp nội về sự cạnh tranh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 35 năm qua, đã có 66,4 tỷ USD vốn ngoại rót vào khoảng 1.100 dự án bất động sản Việt Nam. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực thị trường địa ốc Việt là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, quần đảo Virgin thuộc Anh và Nhật Bản.
Riêng trong năm 2023, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/8, vốn đăng ký cấp mới vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn mới (12 tỷ USD). Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.