Cơ hội và thách thức đối với ngành hồ tiêu trong năm 2024

Cơ hội và thách thức đối với ngành hồ tiêu trong năm 2024

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 7, 10/02/2024 07:00

Mặc dù có những tín hiệu tích cực nhưng theo các chuyên gia những thách thức đối với ngành hồ tiêu còn rất lớn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt 267 nghìn tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022.

Theo VTV, trong năm qua, châu Á là khu vực thị trường lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam, chiếm hơn một nửa lượng hạt tiêu xuất khẩu của năm 2023. Điều đáng nói, Trung Quốc đã tăng mua rất mạnh hạt tiêu Việt Nam và vượt xa Hoa Kỳ để trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam.

Kinh tế - Cơ hội và thách thức đối với ngành hồ tiêu trong năm 2024

Xuất khẩu hồ tiêu năm 2023 thu về 912 triệu USD. Ảnh minh họa: Báo Công Thương

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023, chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt hơn 60.000 tấn, tăng 174% so với năm 2022. Hồ tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương nước này. Một số địa phương ở Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam có thể kể đến như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Trong năm 2024, dự báo nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại Trung Quốc vẫn ở mức cao do thói quen tiêu dùng. Ngoài ra, du lịch nội địa phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng. Bên cạnh đó, mùa đông năm nay lạnh và kéo dài khiến nhiều người dân hướng đến sử dụng các món ăn cay, nóng như lẩu, nướng..., trong đó hồ tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu. Tại thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, dư địa dành cho hồ tiêu Việt Nam vẫn còn lớn, khi các sản phẩm của nước ta chưa thâm nhập sâu vào các địa phương trong nội địa nước này.

Bên cạnh đó, mặc dù diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm (năm 2020 diện tích hơn 130.000ha, năm 2023 chỉ còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn) nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị thế là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% thị phần. Bỏ xa quốc gia ở vị trí thứ 2 là Brazil 73.300 tấn, trị giá 227,7 triệu USD. Đồng thời xét trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, Việt Nam là quốc gia duy nhất ghi nhận khối lượng xuất khẩu tăng trong khi các nước sản xuất hàng đầu khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Campuchia... đều sụt giảm.

Trong bối cảnh nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu (EU) đang có dấu hiệu phục hồi, giá tiêu trong nước và xuất khẩu liên tục tăng cao trở lại trong thời gian gần đây, hồ tiêu kỳ vọng sẽ sớm lấy lại vị thế ngành hàng xuất khẩu tỷ đô trong năm 2024. Trên thị trường thế giới những ngày đầu năm 2024, giá hồ tiêu đang tăng. Theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch ngày cuối ngày 5/1/2024, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,03% (+1,0 USD/tấn), lên mức 3.940 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ổn định ở mức 3.270 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok tăng 0,05% (+3,0 USD/tấn), lên mức 6.069 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ổn định ở mức 7.300 USD/tấn.

Theo Đại Đoàn Kết, mặc dù có những tín hiệu tích cực nhưng theo VPSA, những thách thức đối với ngành hồ tiêu còn rất lớn, bên cạnh việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.

“Sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 ước tính cũng sẽ giảm khi dự báo từ các nước sản xuất đều giảm. Tuy nhiên, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo giá hồ tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn. Đặc biệt, xuất khẩu nhiều loại nông sản sẽ phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu”, đại diện VPSA chia sẻ. Từ thực tế trên VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.

Ngoải ra, EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu.

Về vấn đề giảm phát thải, Việt Nam cam kết cắt giảm 30% trong năm 2030 và về Net Zero vào năm 2050. Do đó ngành hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước bao gồm sắp xếp hoạt động nhà máy và vườn trồng trong chuỗi bền vững để vừa bảo đảm việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định mà Chính phủ đang trong quá trình xây dựng cũng như giúp đem lại thêm thu nhập cho người dân nếu sản phẩm đạt chứng chỉ.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.