Hàng năm, cứ đến tháng 7 âm lịch, những gia đình người Hoa và người theo đạo Phật tại Sài Gòn lại bắt đầu phong tục cúng cô hồn với ý nghĩa cứu giúp những linh hồn khốn khổ, vất vưởng để được phù hộ. Khi mâm cúng xuất hiện, hay vừa cúng xong, nhiều người tập trung cướp mâm cúng, còn gọi là “giật cô hồn”.
Trong một con hẻm trên đường 3/2, Q.11, khi gia đình chị Hương vừa đặt mâm cúng gồm hương, hoa, gạo, muối, vàng mã và đặc biệt có một con gà luộc, bỗng xuất hiện một nhóm trẻ lao tới. Chúng nhắm vào con gà luộc, nhưng chị đứng bên cạnh nhanh tay giữ lại được. “May kịp giữ lại nếu không thì chẳng có gà mà cúng. Đúng là các “cô hồn” đây rồi chứ đâu nữa, nhưng có “cô hồn” đến giật là điềm tốt”, chị Hương cười nói.
Phong tục cúng cô hồn với ý nghĩa cứu giúp những linh hồn khốn khổ, vất vưởng để được phù hộ.Nhưng để trọn vẹn mâm cúng như thế này thì cần phải có người bảo vệ túc trực.
Tại các tuyến đường lớn trên địa bàn Q.5, nơi nhiều người Hoa sinh sống, những mâm cúng từ đơn giản cho đến mâm khá giả có thịt gà, heo quay, tiền lẻ đều có người đứng canh khi hương chưa tàn. Cẩn thận là vậy nhưng nhiều mâm cúng cũng bị “bốc hơi” khi sơ sẩy trong giây lát.
Anh Hoàn, chủ một tiệm vàng trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5 đang ngẩn người khi mâm đang bày ra mới được một nửa đồ, một ít hương, hoa thì còn nhưng con heo quay đã không cánh mà bay. Anh kể lại, vừa mới một lúc khi anh đang bày đồ cúng có hương, hoa, vàng mã và con heo quay, nhắc bảo vệ đứng canh nhưng lúc đó có khách tới tiệm, bảo vệ phải sắp xếp xe, anh bưng đèn, gạo ra tiếp thì thấy 4 thanh niên cầm con heo quay chạy đi mất.
“Chắc nãy giờ chúng đã canh me mâm cúng của tôi rồi. Năm ngoái cũng bị lấy hết đồ khi cúng xong nhưng năm nay thấy những người này táo tợn hơn nhiều. Tính mua con heo quay cúng các cô hồn xong rồi cả nhà và nhân viên cùng ăn nhưng bị “cô hồn sống” ăn mất", anh Hoan, chỉ tiếc chứ không bực, nói.
“Mâm cúng cô hồn với những món cơ bản như: Vàng mã, hương hoa, đèn, gạo, muối, khá giả hơn thì gà, heo, tiền lẻ. Mâm thường đặt trước hiên nhà, công ty, cửa hàng để mời những vong linh cơ nhỡ ăn uống. Khi cúng xong, những đồ ít có giá trị để lại cho trẻ em nhặt, nhưng ngay cả khi hương chưa tàn, mấy khi mâm được nguyên vẹn vì trẻ em và cả người lớn đều lấy đi. Điều này đối với người cúng cô hồn không quan trọng bởi đó có thể là điềm tốt coi như các cô hồn lấy đồ. Nhưng về ý nghĩa của cúng cô hồn thì chưa trọn vẹn nếu bị mất đồ khi chưa cúng vì các vong hồn chưa được hưởng mà “cô hồn sống” đã lấy đi mất”, bà Thường chủ một cửa hàng ở đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5, nói.
Sau khi cúng xong, những đồ ít có giá trị trên mâm hay tiền lẻ được quăng xuống, chủ yếu trẻ em và người nghèo nhặt
Trong nhóm trẻ cướp gà cúng của chị Hương, Thành - người lớn nhất nhóm cho biết: “Chúng em lúc đầu đi giật đồ cúng và nhặt tiền chỉ có vài đứa trong xóm lao động nghèo gần đây nhưng sau đó có mấy đứa đi theo. Bọn em đi khắp khu vực này chờ người ta cúng xong rồi lấy đồ, chủ yếu bọn em chờ những công ty, cửa hàng, nhà có điều kiện quăng tiền cho cô hồn để nhặt, vừa có tiền vừa vui”.
“Có mấy đứa liều hơn cướp cả mâm người ta vừa bày ra, chúng đang cầm 2 con gà trong túi đó anh. Mấy đứa chờ tháng 7 này lâu giờ rồi, đây là dịp được ăn, nhậu thịt gà no nê, nếu chán có thể bán lại cũng kiếm được ít tiền xài”, Thành vừa chỉ về nhóm đã đi trước vừa nói.
Biết chắc sẽ bị cướp nên nhiều công ty, cửa hàng có những mâm cúng có giá trị thường cắt cử nhân viên, bảo vệ canh đồ cúng. Trưa gần đứng bóng, trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, một doanh nghiệp lớn bán đồ điện gia dụng bày mâm cúng khá lớn, trong đó nổi bật nhất là con heo quay khá lớn chính giữa mâm. Để bảo vệ mâm cúng và có thịt heo quay ăn sau khi cúng xong, có đến 5 nhân viên và bảo vệ đứng trước cửa hàng để canh chừng những người “giật cô hồn” tiếp cận. Khi chúng tôi dừng xe lại, một nhân viên bước tới không phải để dắt xe cho khách vào mua như ngày thường mà hỏi “Vào để làm gì?”, khi chúng tôi nói “Vào để mua đồ chứ làm gì”, nhân viên này cười nói “Anh thông cảm, giờ đang cúng cô hồn, bọn em sợ “cô hồn sống” giật mất heo thì anh em nhịn luôn".
“Thoát” khỏi nạn “giật cô hồn”, khi cúng xong người cúng đều để lại những đồ ít có giá trị như kẹo bánh, trái cây để trẻ con, người nghèo nhặt. Nhà khá giả hơn cúng tiền lẻ thì khi cúng xong thường quăng tiền cho mọi người nhặt, vì thế cảnh chen lấn nhặt tiền xuất hiện thường xuyên trong những ngày tháng 7 âm lịch. Những người nghèo chịu khó tìm, chờ đợi nhà cúng cô hồn quăng tiền cũng có thể kiếm được một số tiền nhỏ tiêu xài hoặc ít đồ cúng có thể ăn được.
Theo Tri thức