Nhưng điều kỳ diệu trong cuộc đời chị lại nằm ở câu chuyện "vượt cạn" kỳ tích. Dẫu đã bị liệt nửa người, không còn cảm giác, nhưng chị vẫn có thể tự sinh con bằng chính sức lực mình.
Mái ấm nho nhỏ của vợ chồng anh Chín, chị Phương - kết quả của tình yêu mãnh liệt.
Cổ tích tình yêu của cô gái tật nguyền
Đất Tân Kỳ một ngày nắng hiếm hoi của tháng 4, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người đàn bà tật nguyền. Chị là Nguyễn Thị Phương (SN 1979) sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Chị có một tuổi thơ êm đềm và phát triển bình thường như các anh chị và bao bạn bè cùng lứa. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên chị theo các bạn vào làm công nhân trong miền Nam. Với công việc nhẹ nhàng, tuy lương bổng vừa phải, nhưng chị rất yêu công việc của mình.
Đang mải mê bươn chải lo toan cuộc sống và hạnh phúc từng ngày với tình yêu của người lính, thì bỗng nhiên tai ương ập xuống đời chị.
Chị Phương và anh Chín yêu nhau được mấy tháng thì chị phát bệnh. Hai đầu gối, bàn chân như đeo 2 sợi xích nặng, đứng không vững, chị cứ ngã liên tục, như một đứa trẻ mới lẫm chẫm tập đi. Đến khi bước chân không thể đứng được nữa, nằm một nơi, chị mới chấp nhận nghỉ việc để điều trị. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, chị bị khối u lớn chèn dây thần kinh.
Về phần anh, sau khi biết chuyện, anh luôn bên cạnh động viên chị vượt qua bệnh tật. Còn bản thân chị luôn tìm mọi cách để chia tay anh Chín, vì không muốn anh phải gánh chịu những vất vả từ bệnh tật của mình, nhưng anh vẫn một mực yêu thương chị.
Năm 2001, chị nhập viện, nhưng giấu không cho anh biết. Sau khi được chủ nhà nơi chị Phương trọ thông báo, anh Chín tất tả từ Bình Dương lên thăm chị. Những ngày sau đó, anh ở lại bệnh viện chăm nom chị. Mỗi lần lên thăm chị, anh mang theo lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ, từ cái cốc, đến con dao gọt hoa quả. Mọi người nằm cùng phòng với chị vẫn đùa: Anh như một người chồng thực thụ.
Sau một thời gian điều trị, chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, bệnh tình chị vẫn không thuyên giảm. Chị vẫn nhớ, hồi đó, còn hai ngày nữa là tết, chị xin ra viện. Về phòng trọ, chị em tự chăm sóc nhau rồi chờ ra tết lại nhập viện. Năm ấy chị không về quê ăn tết.
Rồi chị được sắp xếp mổ bởi một chuyên gia về máu hàng đầu của Pháp. Sau khi mổ xong, vị bác sĩ này vẫn không dám khẳng định sự thành công của ca mổ sẽ đảm bảo một sự vững chắc cho sức khỏe của chị sau này. Tức là xác suất dù nhỏ nhưng bệnh của chị vẫn có khả năng tái phát. Vấn đề là thời gian. Khi chị bình phục, anh có đặt vấn đề đưa chị về giới thiệu với gia đình. Bản thân chị từ sau khi bị bệnh luôn có phần tự ti, nên cứ lần khất anh. Chị càng từ chối thì anh càng tha thiết mời.
Đến tháng 9/2002, bệnh của chị tái phát. Nhận tin, anh Chín lại dong xe lên thăm chị. Ngầm đoán được những khó khăn của tương lai, lại một lần nữa chị chủ động chia tay anh. Nhưng anh không đồng ý. Tháng 10/2007, chị về quê. Sau khi để lại một bức thư với nội dung mong anh hãy quên chị để đi tìm hạnh phúc mới, chị cắt hoàn toàn liên lạc với anh.
Cái kết có hậu của một tình yêu mãnh liệt
Một ngày chủ nhật của tháng 11/2003, chị Phương đang nằm trong nhà thì thấy em trai chạy vào thông báo "có bạn ở miền Nam về chơi", ngóc đầu dậy thấy anh xuất hiện nơi cổng nhà, chị ngỡ ngàng không nói nên lời. Anh vào được hai ngày thì chị nhận được điện thoại trong Sài Gòn, thông báo gia đình chuẩn bị đưa chị vào để tiếp tục điều trị. Suốt thời gian đó anh chăm chị chu đáo như một người chồng chăm sóc vợ.
Sau 8 tiếng đồng hồ trên bàn mổ, tỉnh dậy chị thấy người đơ như một khúc cây, nhưng nào ngờ "đơ" cho đến mãi giờ. Đôi chân chị càng ngày càng teo tóp, không phục hồi được. Trong thời gian này, anh xin đi làm thêm cho các quán ăn để tích cóp tiền chăm sóc chị.
Sau một thời gian nỗ lực điều trị, bác sĩ người Pháp chỉ biết cầm tay chị nhẹ nhàng nói: "Đó là số phận của Phương rồi, không thể chữa trị được nữa".
Biết đó là nỗi đau bệnh tật mình phải đa mang, nên chị một mực đòi chia tay để anh đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng anh không chịu, quyết tâm xin ở lại Nghệ An để được chăm sóc chị. Anh Chín nói với gia đình chị: "Ngày nào Phương còn sống, con còn chăm sóc Phương. Nếu Phương mất, con sẽ tính tiếp...". Câu nói xuất phát từ tấm chân tình của anh đã khiến bố mẹ chị cảm động rơi nước mắt.
Từ đó anh ở lại với mảnh đất nghèo Gia Đề, để được chăm sóc người con gái mình yêu thương.
Ba năm sau, một câu chuyện kỳ diệu đã đến với họ, khi ông Nguyễn Hữu Khai - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Y dược Bảo Long đọc bài báo viết về tình yêu của anh chị.
Xúc động trước tấm chân tình của người con trai và sự nỗ lực vượt lên bệnh tật của người con gái, ông quyết định xin được đón chị ra, chăm sóc miễn phí tại Bệnh viện đa khoa Bảo Long. Chính tại nơi thăng hoa của tình người này, một câu chuyện kỳ diệu nữa lại đến với họ.
Cuộc "vượt cạn" kỳ tích
Những ngày đầu tháng 9/2007, tự nhiên chị Phương thấy trong người khang khác, đưa tay sờ xuống bụng thấy có một cục tròn nhỏ, tưởng u nên chị báo cho bác sĩ để tiến hành kiểm tra.
Chị Phương luôn hạnh phúc bên chồng con.
Sau khi siêu âm, bác sĩ kết luận: "Hiện có một khối u đang phát triển trong bụng", khiến chị vô cùng lo lắng. Cuộc hẹn gặp riêng anh Chín của vị bác sĩ đó càng khiến chị Phương thấp thỏm không yên. Ngay cả khi đón nụ cười rạng rỡ của anh với thông báo: "Em có bầu 4 tuần rồi", chị vẫn ngỡ ngàng không tin đó là thật.
Cả tập đoàn Bảo Long đón nhận tin chị Phương có bầu trong ngạc nhiên, bởi không ai tin được điều kỳ diệu ấy có thể xảy ra. Người phụ nữ tật nguyền đó đã trải qua những ngày nghén thai với niềm hạnh phúc vô bờ.
Cũng trong ngày hoan hỉ ấy, anh Chín quyết định xin cưới chị Phương, bởi anh biết, đây chính là cơ hội để anh "khóa" chị với cuộc đời mình. Một đám cưới linh đình được tổ chức trong đại sảnh Công ty dược Bảo Long vào những ngày giáp tết Đinh Hợi.
Nói về cái thai trong bụng chị Phương, bất kỳ bác sĩ có chuyên môn nào cũng đều khẳng định chắc chắn phải mổ. Chị Phương bảo: "Đời chị không thiếu những ca mổ, nên dù lần này nếu phải mổ để chào đón đứa con của mình, với chị đó cũng là một điều bình thường. Và chị đã chuẩn bị tâm lý cho cuộc vượt cạn dao kéo đó từ rất lâu rồi".
Ấy vậy mà, một ngày giữa tháng 6 chói chang, chị thấy trong người có những chuyển động khang khác. Bụng cứ gồng lên rồi lại gồng xuống, không đau đớn gì, nên chị vẫn nằm im ngắm cái sự gồng lên gồng xuống ấy trong cảm giác thích thú.
Được một lúc sau, nước ối bị vỡ, mọi người vội vàng đưa chị lên bàn mổ. Khám tổng quát ban đầu, bác sĩ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy chị có khả năng đẻ thường dù chị bị liệt, không có cảm giác ở phần dưới.
Không lâu sau đó, tiếng khóc chào đời của một cậu bé vỡ òa khắp phòng, những niềm hạnh phúc, những nụ cười rạng ngời lặng đi. Với bất kỳ ai được chứng kiến một phần cuộc đời người phụ nữ tật nguyền này, đều khẳng định: Cuộc "vượt cạn" của chị là một kỳ tích hiếm có, nhưng thật may mắn là nó đã xảy ra.
Giờ bé Trương Bảo Phúc đã được gần 4 tuổi, bụ bẫm và rất lém lỉnh. Đặc biệt, trong thời gian này anh Chín đang đi làm xa, bé Phúc luôn bên mẹ, để làm chân sai vặt và cũng là "nhân viên mát - xa".
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phương cho biết, bản thân đang ấp ủ cho ra mắt một cuốn tự truyện về chính cuộc đời mình. Bản thảo đã được biên tập và sắp tới sẽ xuất bản. Trong đó nhân vật chính sẽ là người đàn ông của cuộc đời chị. Xin chúc mừng cho chị - người phụ nữ đã vượt qua sự thử thách của số phận để đón nhận những tháng ngày viên mãn.
Loan Nguyễn