GenK dẫn trường hợp cô bé 11 tuổi tại Hàn Quốc trả lời một cuộc phỏng vấn cho biết, toàn bộ thời gian của cô hầu như gắn liền với chiếc smartphone. Công việc chủ yếu của cô trên chiếc smartphone là nhắn tin tán gẫu với bạn bè hàng giờ và thậm chí cô còn dành rất nhiều thời gian để chăm sóc thú cưng điện tử.
(Ảnh minh họa)
Đáng quan tâm, theo những tiết lộ của Common Sense Media, một tổ chức hoạt động nhằm cải thiện đời sống trẻ em thông qua công nghệ và giáo dục truyền thông, trường hợp của cô bé Hàn Quốc nói trên không phải là hiện tượng hiếm gặp hiện nay và tổ chức này gọi đó là những dấu hiệu của “nghiện” smartphone.
Để đi đến những kết luận nói trên, Common Sense Media đã tiến hành một thí nghiệm. Theo đó, những đứa trẻ tham gia thí nghiệm được gắn một thiết bị theo dõi mức độ sử dụng điện thoại trong chiếc smartphone của chúng. Kết quả của cuộc thí nghiệm thật sự gây bất ngờ, 41% trẻ em có tần số sử dụng thường xuyên đủ để có thể kết luận chúng đã thực sự “nghiện” smartphone.
Tuy nhiên, rất nhiều đứa trẻ nằm trong 41% nói trên khi được hỏi vẫn cho rằng ước gì chúng không bị quá phụ thuộc vào các thiết bị truyền thông đến thế và thực tế này không phải điều mà chúng mong muốn.Câu trả lời này hé mở nhiều hi vọng cho các bậc cha mẹ về việc "cai nghiện" smartphone cho con.
Từ những kết quả nói trên, Common Sense Media khuyến cáo các bậc cha mẹ nên có một chế độ quản lý giờ giấc sử dụng điện thoại của bọn trẻ hợp lý để tạo thói quen tốt cho trẻ. Thậm chí trong trường hợp cần thiết các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý nếu phát hiện ra dấu hiệu "nghiện" công nghệ của trẻ. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên điều chỉnh hành vi của mình tránh để trẻ bắt chước.
Theo các nhà nghiên cứu, "nghiện" smartphone ở trẻ là chuyện có thật và vấn đề đặt ra là những người có trách nhiệm cần có những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng đó của trẻ.
Tuấn Khanh (tổng hợp)