Hiện nay tại Nhật có vài trăm trường dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài. Về bản chất, các trường này giống như các trung tâm dạy ngoại ngữ tại Việt Nam. Những trường này muốn được tuyển sinh và dạy học thì phải có giấy phép. Muốn thành lập trường đào tạo thì phải có tư cách pháp nhân, hoặc là pháp nhân trường học, hoặc là pháp nhân công ty. Nhưng thường yêu cầu về pháp nhân trường học khó nên người ta thường lập pháp nhân công ty rồi sau đó thành lập trường. Quy mô của những trường này thường khá nhỏ, có khi chỉ vỏn vẹn 1 – 2 phòng học.
Nếu công ty này muốn đào tạo người nước ngoài học tiếng Nhật thì họ phải xin phép Bộ Tư pháp của Nhật Bản. Vì ở trường dạy tiếng Nhật, nên các học sinh là người nước ngoài - liên quan tới việc nhập cảnh, cư trú ở Nhật, vì vậy phải do Bộ Tư pháp Nhật, trong đó có Cục Xuất nhập cảnh, cấp phép và quản lý.
Các công ty tư vấn du học ở Việt Nam quá “lơ đễnh”.
Theo những trang tin tức của Nhật Bản thì đại diện pháp nhân đăng ký của Công ty cổ phần - trường Học viện Ngoại ngữ Suginami là người Trung Quốc. Họ đã lợi dụng kẽ hở là phía công ty môi giới Việt Nam chỉ cần một bản “mềm” của giấy báo cư trú, thì họ đã có thể nhận tiền đóng các khoản phí. Theo ông Lê Huy Hà, Tổng Giám đốc công ty Du học Plus, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực “du học Nhật Bản” cho biết, có một số nguyên nhân chính dẫn tới sự việc lừa đảo nghiêm trọng này.
Nguyên nhân thứ nhất, nhiều công ty tư vấn bây giờ mới thành lập, chưa có điều kiện như về kinh tế, về ngôn ngữ, quan hệ với các trường bên Nhật chưa tốt nên chưa thể sang Nhật đi tìm hiểu thực tế đối tác. Mà nhiều người trong công ty môi giới còn không biết tiếng Nhật hay tiếng Anh.
Nguyên nhân thứ hai, có nhiều trường phía bên Nhật gặp khó khăn về tuyển sinh, ví dụ như du học sinh bỏ học hay trốn về quá nhiều. Do đó, để tuyển sinh được thì phải có cách thu hút, như học phí cho đóng nhiều đợt khác nhau, tiền ở ký túc xá thì cho đóng từng tháng một, làm chi phí ban đầu thấp xuống, du học sinh có nhiều điều kiện đi hơn rồi sang đó đi làm trả sau. Tiếp theo, là họ trả cho các công ty tư vấn du học tại Việt Nam một khoản “hoa hồng”. Thường khoản đó không cao nhưng để cạnh tranh nhau, một số trường ở Nhật đã trả cao gấp rưỡi, gấp đôi nên nhiều các công ty tư vấn ở Việt Nam lóa mắt vì lợi nhuận, đồng ý tuyển sinh cho họ.
Nguyên nhân thứ ba, tình trạng chung là có nhiều công ty tư vấn du học ở Việt Nam mới thành lập, nếu sang Nhật tìm hiểu thực tế thì sẽ lỡ thời gian tuyển sinh. Vậy cứ có thông tin từ trường bên Nhật, dù chưa kiểm chứng, thì cứ tuyển sinh đã.
Nguyên nhân thứ tư, theo một số thông tin thì công ty cổ phần Học viện ngoại ngữ Suginami có nhờ một số người đại diện ở Hà Nội hoạt động quảng bá tạo niềm tin cho họ, nên nhiều công ty tư vấn du học tại Việt Nam “nhẹ dạ cả tin” nên bị lừa.
Người muốn du học cần phải chủ động tìm hiểu thông tin.
Ông Fushihara - Đồng đại diện Dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (IEVJ), cho rằng người muốn đi du học cần phải tự chủ động tìm hiểu thông tin.
Hiện nay, trong các nỗ lực của chính phủ Nhật Bản và cả chính phủ Việt Nam là cố gắng cung cấp những thông tin về du học - không chỉ là Nhật Bản mà cả những nước khác trên thế giới - một cách đầy đủ nhất, chính xác nhất, tới tất cả những người có nhu cầu đi du học để những người này không còn phụ thuộc hoàn toàn vào công ty tư vấn du học. Điều này đã được thể hiện rõ trong nội dung của hội thảo ngày 22/1/2019 mang tên “Hội thảo cung cấp thông tin chính xác về thực tập kỹ năng và du học”, do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chủ trì.
Theo ông Lê Huy Hà, việc xem xét kỹ năng lực công ty tư vấn du học là điều hết sức quan trọng. Một số điều lưu ý mà ông Lê Huy Hà chia sẻ: ”Thứ nhất là nghiên cứu kỹ website của công ty. Mình nhờ một số người quen biết mà có những kiến thức, đã biết về lĩnh vực du học, giáo dục nhờ họ tư vấn cho, tìm hiểu cho những cái công ty nào có uy tín, sau đó có thể đến đấy, ghi chép kỹ thông tin và thông tin liên hệ. Tiếp nữa, bạn có thể lên các diễn đàn du học, thường là những người đã từng sang Nhật du học rồi, những nhóm trên các phương tiện truyền thông khác... vì họ sẽ có đánh giá cụ thể nhất. Đặc biệt, nên tìm và tham khảo thông tin từ nhiều nơi, chứ không nên chỉ từ một nơi sẽ bị phiến diện. Cần tìm hiểu xem công ty tư vấn đó có giấy phép hay không? Tại Việt Nam có rất nhiều công ty tư vấn du học.
Riêng Hà Nội thì có khoảng 720 công ty tư vấn du học có giấy phép (số liệu tính đến ngày 18/1/2019 của Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nhưng ngoài số này ra, thì còn rất nhiều công ty tư vấn du học hoạt động “chui” mà không hề có giấy phép.
Hạnh Mỹ - Nguyễn Quốc