‘Cô không sinh được con trai thì để người khác làm thay’

‘Cô không sinh được con trai thì để người khác làm thay’

Thứ 6, 10/01/2014 08:36

“Thân làm vợ thì phải biết thương chồng, lo nghĩ cho gia đình nhà chồng. Nhà tôi phải có đứa cháu trai. Nếu chị không sinh nở được nữa, thì phải chấp nhận để người khác làm thay. Nhà này không thể tuyệt tự. Tôi đã chấm được người rồi...” lời mẹ chồng nói như ngàn mũi dao đâm vào tim chị Trang...

Gia đình tan nát vì vợ không sinh được con trai

Cả tháng nay, mọi người cùng cơ quan thấy chị Trang đến cơ quan mắt luôn sưng đỏ, thất thần, ai hỏi gì cũng không nói, rồi thỉnh thoảng lại chạy vào nhà vệ sinh ngồi khóc.

Cả phòng quyết định kéo chị ra quán cà phê để hỏi han. Lúc này chị Trang mới bật khóc: Vợ chồng em có lẽ phải li hôn, tất cả cũng chỉ vì cái tội... sinh con một bề...

Trước đây khi Trang yêu Thiệp ai cũng bảo cô là người may mắn như chuột rơi vào hũ nếp. Thiệp vốn là con trai một, gia đình bố mẹ buôn bán giàu có. Trang lấy chồng về được thừa hưởng một gia tài tương đối của gia đình. Nhà cao, cửa rộng, có người hầu hạ. Đi làm về chỉ việc ngồi vào bàn ăn, chẳng phải làm gì. Lương hàng tháng cũng không phải nộp. Bên gia đình Thiệp chỉ có một yêu cầu đó là hai vợ chồng sinh cho ông bà thật nhiều con cháu, nhất là phải có con trai, có cháu đích tôn. Nếu cần thiết thì bỏ việc.

Sau lần đầu sinh được  một cô con gái kháu khỉnh, khoẻ mạnh, 1 năm sau Trang có bầu nhưng vì cũng muốn có một bé trai cho nhà chồng vui lòng, Trang đi siêu âm xác định giới tính thai nhi, biết mình lại mang thai con gái, dù đau lòng Trang vẫn phải cắn răng... phá bỏ.

2 lần phải đi nạo hút thai vì giới tính thai là nữ, đến lần thứ 3, khi thai được 7 tuần thì  chị Trang bị chửa ngoài dạ con nên cũng phải bỏ. Bác sĩ bảo Trang sẽ khó có con lần nữa . Mẹ chồng hay tin đó đã khóc lóc ỉ ôi, bà nói nếu vợ chồng chị không sinh được thêm đứa cháu đích tôn cho bà thì coi như anh bất hiếu với tổ tiên, bố mẹ từ mặt con.

Đã có lần mẹ chồng Trang nói thẳng với gia đình nhà Trang “Nếu nó không sinh được nữa  thì tôi trả về nhà bà nuôi, nhà tôi không thể không có con nối dõi tông đường”.

Chịu sức ép từ phía gia đình, dòng họ, anh Thiệp cũng sinh ra chứng rượu chè, bố mẹ chồng thì mặt nặng mày nhẹ, Trang chặc lưỡi thôi thì chấp nhận mạo hiểm, chạy chữa để có thêm đưa con trai cho chồng.

Sau nhiều cố gắng, Trang “có tin vui”, cả nhà chồng mừng như “bắt được vàng”, nhưng khi thai được 7 tuần tuổi, Trang thấy đau bụng, đi khám thì lại phát hiện thai ngoài tử cung, lại phải bỏ, và lần này Trang hoàn toàn mất khả năng sinh con.

Suốt quãng thời gian Trang nằm viện, mẹ chồng không hề đến thăm, chỉ có mẹ đẻ ở bên, nhìn con gái với ánh mắt thương cảm.

Gia đình - ‘Cô không sinh được con trai thì để người khác làm thay’

Gia đình chị Trang đứng trên bờ vực chỉ vì cái tội của chị là... không sinh được con trai

Ngay hôm xuất viện về nhà, mẹ chồng đã gọi chị vào phòng và nói: Thân làm vợ thì phải biết thương chồng, lo nghĩ cho gia đình nhà chồng. Nếu không sinh nở được nữa, thì phải chấp nhận để người khác làm thay. Nhà này không thể tuyệt tự. Tôi đã chấm được người rồi. Cô ta không đòi hỏi gì hết, chỉ cần làm một mâm cơm mời họ hàng thân thích là được.

Ngồi nghe mẹ chồng nói, Trang như người chết đứng. Cô chạy vào buồng nằm khóc nức nở. Chị đã làm gì nên tội. Chỉ vì muốn có một đứa cháu đích tôn, họ nỡ cư xử với chị như thế. Từ trước đến nay anh Thiệp là người luôn yêu thương vợ con. Trước áp lực ngày một tăng của bố mẹ, anh vẫn quan tâm động viên, tận tuỵ phục vụ vợ con chu đáo. Nhưng hôm nay thì anh im lặng. Nước chảy đá mòn. Huống hồ là con người. Trang biết điều mình lo lắng nhất đã đến. Chẳng lẽ cô không còn con đường nào khác để lựa chọn.

Bao nhiêu nỗi buồn ập đến. Hạnh phúc gia đình bỗng chốc mong manh, tình cảm vợ chồng chao đảo… Trang không ngờ mình lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, dở khóc dở cười như vậy. Chỉ vì “sinh con một bề” mà phải chịu biết bao cảnh ấm ức, khổ cực.

Có con trai chưa chắc đã bằng con gái.

Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” dường như đã ăn sâu, bám rễ, tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội và không dễ dàng xoá bỏ. Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nhận thức về bình đẳng giới ngày một nâng cao. Nhưng không ít người vẫn còn tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, nhất định phải có con trai bằng mọi giá. Hậu quả để lại là nhiều gia đình lâm vào cảnh đông con, nợ nần, túng thiếu. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, chồng lừa dối, phản bội, ngược đãi vợ con.

Nhất là khi sinh được con trai, phúc đâu không thấy, chỉ thấy họa. Nhiều người quá nuông chiều con, để con hư hỏng, sa đà vào nghiện ngập, trộm cắp, phá gia chi tử. Thậm chí cháu đích tôn giết ông bà chỉ vì thiếu tiền đi đánh bạc, hút hít.

Đó là chưa nói đến hậy quả lâu dài đối với xã hội, mức độ chênh lệch về giới tính sau này… Để góp phần xoá bỏ dần tư tưởng lạc hậu này, bản thân mỗi người tự quyết định lấy cuộc sống của mình. Kiên định lập trường, con trai hay con gái đều là do mình sinh ra. Phải yêu thương, giáo dục để con trở thành con ngoan, trò giỏi, khoẻ mạnh, có hiếu với cha mẹ, ông bà, là công dân tốt của xã hội.

Người ta vẫn nói: giáo dục một bé trai là được một con người, giáo dục một bé gái là được cả một thế hệ. Khi con cái hiếu thảo, thành đạt rồi, bố mẹ hài lòng, cuộc sống tự nhiên hạnh phúc! Mà hạnh phúc là cảm nhận của mỗi người, người ngoài cuộc làm sao thấu cảm được hết! Vợ chồng cứ nhất tâm, hòa thuận, mãn nguyện với những đứa con của mình, cùng nhau nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ, coi đó là niềm vui của người trồng hoa, trồng cây. Tuổi già được ngắm hoa, thưởng trăng, nhàn một ngày, không phải là tiên một ngày đó sao?.

Ngọc Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.