Từ 1-7, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) bắt đầu có hiệu lực thi hành với những quy định mới có nhiều thay đổi so với Pháp lệnh XLVPHC trước đây. Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này, gây lo ngại việc XLVPHC sẽ bị “vô hiệu hóa” trong khoảng thời gian chờ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật mới. Các địa phương cũng đang lúng túng chưa rõ giai đoạn giao thời này sẽ tạm áp dụng quy định mới hay cũ. Phóng viên đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, xung quanh vấn đề này.
Có khoảng trống pháp lý
Phóng viên: Từ 1-7, việc XLVPHC sẽ thực hiện ra sao trong khi chưa có văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của luật này?
+ Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Trước hết, phải khẳng định kể từ 1-7, Luật XLVPHC đã có hiệu lực thi hành thì việc XLVPHC phải thực hiện theo luật này. Luật có tới 142 điều với rất nhiều nội dung, trong đó Quốc hội chỉ ủy quyền Chính phủ quy định cụ thể một số nội dung về: Hành vi vi phạm và mức phạt tương ứng; chế độ áp dụng các biện pháp XLVPHC, chứng từ thu tiền phạt; thi hành quyết định hành chính đối với người bị xử phạt chết, mất tích…
Hiện có khoảng trống pháp lý do chưa ban hành các quy định mới nên Bộ Tư pháp đã có đề xuất tạm áp dụng các quy định hiện hành mà không trái với Luật XLVPHC trong giai đoạn chuyển tiếp. Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản cụ thể về việc thi hành luật này, trong đó sẽ có giải pháp cụ thể giải quyết những vướng mắc đặt ra. Còn về các vấn đề cơ bản của luật như thẩm quyền phạt, các hình thức xử phạt, các hình thức khắc phục hậu quả, trình tự thủ tục xử phạt, thẩm quyền tạm giữ người; thẩm quyền khám nơi cất giấu phương tiện vi phạm; các điều kiện miễn, hoãn nộp tiền phạt… đều áp dụng trực tiếp các quy định trong luật nên không có vướng mắc phải chờ đợi thêm văn bản hướng dẫn nào cả.
Lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về trật tự lòng lề đường. Ảnh: HTD
Thậm chí một số quy định có lợi cho người vi phạm đã sớm được áp dụng trước, ngay từ khi luật được thông qua (không cần chờ đến 1-7 luật có hiệu lực) như: không áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh; không áp dụng biện pháp đưa đi trường giáo dưỡng với trẻ 12-14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do vô ý; không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với trẻ 12-14 tuổi nhiều lần trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng.
PV: Có tiền lệ nào về cách giải quyết khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển tiếp không, thưa bà?
+ Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải giải quyết vấn đề này mà thực tế, cách làm này đã được áp dụng trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh XLVPHC năm 2002. Cụ thể, tại thời điểm pháp lệnh có hiệu lực vào 1-10-2002 chưa có nghị định mới nào được ban hành theo tinh thần Pháp lệnh 2002. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Chỉ thị số 20/2002/CT-TTg về việc tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh XLVPHC năm 2002. Theo đó, “các quy định pháp luật về XLVPHC được ban hành trước khi Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 có hiệu lực mà không trái với quy định của pháp lệnh này thì vẫn tiếp tục được thi hành cho đến khi có văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế”.
Thời gian quá ngắn nên chậm trễ
PV: Vì sao tiến độ các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC lại chậm trễ gây ra khoảng trống pháp lý?
+ Luật XLVPHC có nội dung phức tạp, nhiều điểm mới so với Pháp lệnh XLVPHC, các hành vi vi phạm đa dạng, phức tạp, liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống. Trước đây, để có thời gian xây dựng các nghị định, Chính phủ từng đề nghị Quốc hội về thời điểm có hiệu lực là sau 18 tháng công bố luật. Tuy nhiên, sau cùng thời điểm luật có hiệu lực được chốt như hiện nay nên thời gian soạn thảo các nghị định lại quá ngắn (chỉ trong khoảng 10 tháng), rồi còn phải tổ chức lấy ý kiến đối tượng bị tác động, thẩm định nên tiến độ ban hành có chậm trễ.
Một nguyên nhân quan trọng khác là qua thẩm định thì một số dự thảo phải chỉnh lý vì còn nhiều hạn chế, bất cập về các nội dung như mô tả hành vi VPHC; một số hành vi bị xử phạt không hợp lý; quy định mức phạt tiền cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, thu nhập của người dân; nhiều quy định thiếu tính khả thi… Nhất là hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm được quy định khá phổ biến mà không căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm đã làm ảnh hưởng tính hợp lý, khả thi của nghị định, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh tiến độ thì việc bảo đảm chất lượng vô cùng quan trọng.
Theo Pháp luật TP HCM