Hai thế kỷ trước, Tổng thống James Monroe khẳng định, các cường quốc châu Âu phải đứng ngoài Tây bán cầu. Ông giải thích rằng, chỉ có Mỹ mới có quyền tấn công các nước láng giềng.
Trong những năm qua, Mỹ đã nhiều lần khẳng định quyền lực của mình ở Mỹ Latinh. Động lực của Washington đã thay đổi nhiều lần, từ cái gọi là “nhân đạo” cho đến lợi ích về kinh tế, theo chuyên gia Doug Bandow, cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan.
Washington đã để mắt đến Venezuela từ cuối thế kỷ 19, tuyên bố rằng cuộc tranh chấp biên giới giữa quốc gia này và Vương quốc Anh (liên quan đến thuộc địa British Guiana) đã nằm trong phạm vi quan tâm của Mỹ.
Mỹ khẳng định Học thuyết Monroe, yêu cầu London chấp nhận vai trò trọng tài của Mỹ. Tổng thống Grover Cleveland cảnh báo sẽ thi hành quyết định của mình bằng bất kỳ giá nào. Anh đã từ chối Học thuyết Monroe vì không phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng quyết định rằng mối quan hệ tốt với Washington vẫn quan trọng hơn một chút đất đai tranh cãi.
Giờ đây, Tổng thống Donald Trump một lần nữa đe dọa sẽ áp dụng sức mạnh quân sự của Mỹ đối với Venezuela. Tuy nhiên, đây được coi là một ý tưởng rất xấu, chuyên gia Bandow lưu ý.
Đứng trước các biện pháp trừng phạt bóp nghẹt của chính quyền Trump, quốc gia Mỹ Latinh đã rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, xã hội, như tờ New York Times từng mô tả, tình hình hiện nay “gần như không thể tưởng tượng”.
Từ trước đến nay, công chúng vẫn biết rằng, chính sách thường xuyên gây áp lực tối đa của Mỹ mặc dù có thể làm suy yếu một quốc gia nhưng lại không thể làm thay đổi chính quyền hoặc thậm chí làm thay đổi chính sách của quốc gia đó. Tiêu biểu có thể kể đến trường hợp của Triều Tiên, Iran, Nga và Cuba. Nhưng điều đó không ngăn cản Tổng thống Trump thực hiện cách tiếp cận tương tự ở Venezuela.
Ông áp đặt các hình phạt kinh tế mới, đáng kể nhất là tìm cách ngăn chặn việc bán dầu, từ đó tước đi nguồn thu của Chính phủ Venezuela.
Nhưng giới lãnh đạo Caracas hầu hết có thể thích nghi với các lệnh trừng phạt nước ngoài. Chính phủ Maduro chỉ đơn giản tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ những người ủng hộ của mình trong khi đổ lỗi cho Washington về các vấn đề gây ra.
Tổng thống Trump cũng công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido, người đứng đầu Quốc hội, là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela (tự xưng), và mời gọi quân đội hành động. Ông dự kiến chính quyền sẽ sụp đổ nhanh chóng ở Caracas và hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ từ các cử tri đến từ Mỹ Latinh.
“Nhưng không có gì xảy ra”, chuyên gia Bandow nhận xét. “Mức sống suy giảm. Mất điện. Nhưng Tổng thống Maduro và đội ngũ của mình vẫn giữ vững quyền lực. Càng nhiều quan chức của chính quyền Trump xúi giục và thổi phồng cuộc khủng hoảng lên thì những nỗ lực của họ càng trở nên kém hiệu quả hơn”.
Vì vậy, Tổng thống Trump bắt đầu đe dọa chiến tranh. Trước đây, ông đã được các quan chức và các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh can ngăn. Nhưng sự thất bại trong chính sách Venezuela của ông đã làm tăng áp lực buộc ông phải làm một cái gì đó.
Tuy nhiên, hành động quân sự sẽ hoàn toàn không phù hợp.
Lý giải về vấn đề này, chuyên gia Bandow tin rằng, các nước láng giềng của Venezuela đã tràn ngập người tị nạn và Washington chắc chắn không muốn sự ổn định trong khu vực bị lung lay thêm.
Chiến tranh chỉ được coi là biện pháp cuối cùng để bảo vệ những lợi ích thực sự quan trọng nhưng Venezuela lại không hề đặt ra mối đe dọa an ninh nào đối với Mỹ.
Hơn nữa, Mỹ đã can thiệp thường xuyên vào các quốc gia khác trong những năm qua, với kết quả thường phản tác dụng và đôi khi là thảm họa. Venezuela cũng sẽ không nằm ngoài kịch bản này.
Năm ngoái, Tổng thống Trump tuyên bố, chính phủ của Maduro sẽ sụp đổ rất nhanh nếu quân đội quyết định làm điều đó. Tuy nhiên, chuyên gia Bandow tin rằng, kể cả trong trường hợp người dân Venezuela có muốn Tổng thống Maduro ra đi, họ cũng không bao giờ nhờ đến Washington bước giúp mình làm điều đó.
Hơn nữa, chiến thắng ban đầu rất khác với thành công cuối cùng. Bài học cho Mỹ là ở Iraq, khi chiến thắng của Mỹ đã đến thảm họa đẫm máu như thế nào. Với việc ủng hộ cho phe đối lập ở Venezuela, hành động quân sự của Mỹ có thể gây ra một cuộc nội chiến.
Nga và Trung Quốc cũng là một yếu tố phức tạp trong nhiệm vụ của Washington. Họ đang cung cấp cho Venezuela sự hỗ trợ ngoại giao, viện trợ nhân đạo và trong trường hợp của Moscow có thể là cả sự hậu thuẫn của quân đội. Nga đã gửi vũ khí và nhân viên quân sự đến sửa chữa tên lửa phòng không S-300 và huấn luyện phi công trực thăng ở Venezuela.
Phản ứng của Mỹ đối với động thái của Nga thời gian qua là khá thẳng thắn. Tổng thống Trump đã yêu cầu “Nga phải rời khỏi” Venezuela. Ông nói thêm rằng tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc, có lẽ là bao gồm cả hành động quân sự.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton gọi sự hiện diện của Nga là một “mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực”, mặc dù chính Washington mới là bên đang đe dọa chiến tranh.
Về phần mình, bộ Ngoại giao Nga nhắc nhở các chính trị gia Mỹ rằng “họ đang sống ở thế kỷ 21 chứ không phải thế kỷ 19”, và “Venezuela là một quốc gia có chủ quyền”. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng không quên lưu ý người Mỹ: “Hãy xem bản đồ các căn cứ quân sự Mỹ - chúng nằm rải rác trên khắp thế giới”.
Cựu quan chức Lầu Năm Góc Jed Babbin từng lo ngại rằng, chỉ cần khoảng 500 lính đánh thuê Nga, ít nhất 100 lính chính quy Nga, một số lượng quân của Vệ binh Cách mạng Iran, và hỗ trợ đến từ Cuba, Venezuela sẽ là cơ sở quyền lực lớn của Nga-Iran ở Nam Mỹ.
Sự hiện diện của các lực lượng như vậy sẽ là rào cản lớn cho Mỹ. Việc Mỹ bất chấp hành động, gây thương vong cho Nga trong một cuộc tấn công hoặc xâm lược sẽ có nguy cơ leo thang xung đột giữa hai nước.
Nhắm mục tiêu Moscow với các biện pháp trừng phạt bổ sung cũng không mang đến hiệu quả và không có nhiều biện pháp trừng phạt mới nào để áp đặt vào Tehran. Trừ khi Mỹ đưa ra một thỏa thuận, mang đến sự tôn trọng phạm vi ảnh hưởng của nhau, nếu không, Chính phủ Putin sẽ không có động lực để rời đi.
Chuyên gia Bandow tin rằng, chính quyền Trump chỉ nên cung cấp sự ủng hộ thầm lặng trong lúc Venezuela tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Cuối cùng chỉ có người dân Venezuela mới có thể sửa chữa những gì bị hỏng.