Con đường thành công đầy những nốt thăng, nốt trầm
Được mệnh danh là "ông hoàng nhạc Việt", Đàm Vĩnh Hưng đã phần nào chứng tỏ vị thế vững chắc tại làng nhạc Việt. Anh hiện là một trong những ca sĩ hàng đầu với lượng fan vô cùng hùng hậu. Đây quả là một vị trí đáng tự hào, khiến nhiều người phải ngưỡng mộ, ghen tỵ. Ấy nhưng, con đường đi đến thành công của “ông hoàng nhạc Việt” không hề màu hồng mà đầy những nốt thăng, nốt trầm không phải ai cũng thấu.
Tuổi thơ của Đàm Vĩnh Hưng đầy những vết hằn đau đớn trong tâm hồn vì gia đình gặp biến cố, nợ nần chồng chất. Nỗi lo cơm áo, gạo tiền, tủi hổ vì nghèo đói đã "cuốn phăng" những giấc mơ chớm nở của cậu bé Hưng. Để sống qua ngày, cậu bé ấy không nề hà bất cứ việc gì, miễn sao có tiền để phụ giúp gia đình.
Cực chẳng đã, Hưng quyết tâm đi học nghề để đổi đời. Cũng từ đây, anh thợ cắt tóc Huỳnh Minh Hưng đã xuất hiện. Vốn thông minh, nhanh nhẹn nên chỉ một thời gian ngắn, anh đã học được hết những "mánh khóe" của nghề làm tóc và có thu nhập giúp đỡ gia đình.
Thời điểm đó, ngoài ý nghĩ làm sao kiếm được tiền nuôi sống bản thân và phụ gia đình, Đàm Vĩnh Hưng chẳng còn thời gian màng tới những việc khác. Trước đó, anh cũng có đi hát đám cưới ở nơi này nơi khác, nhưng chưa bao giờ Mr Đàm nghĩ hát sẽ là nghề thay đổi cuộc đời anh. Nhưng rồi, số phận đã đưa đẩy anh gắn liền với nghiệp cầm ca. Mới đầu, chỉ vì thích tiếng vỗ tay, thích đứng trên sân khấu, anh tham gia rất nhiều cuộc thi ca hát nhưng đều trượt.
“Tôi thi cứ trượt hoài, thi cuộc nào là nát bét cuộc đó. Tuy nhiên, tôi lạ lắm, dù trượt hoài mà vẫn cứ lao lên sân khấu để thi. Đúng là số phận đã đưa đẩy. Từ việc cứ lao như con thiêu thân vì thích tiếng vỗ tay, tôi dần dần quen người nọ người kia và rồi đến với ca hát lúc nào không hay”, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Năm 1992 được xem là cột mốc quan trọng của Đàm Vĩnh Hưng bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp khi anh đoạt giải Nhất cuộc thi tuyển chọn giọng ca trẻ do trung tâm Văn hóa quận 10 tổ chức. Quyết tâm theo đuổi đam mê ca hát, nhưng mới đầu còn non nớt và bỡ ngỡ, lại không có nhiều kiến thức về thanh nhạc nên Đàm Vĩnh Hưng cũng gặp không ít khó khăn. Anh đã tự học đàn, nghiên cứu tài liệu để làm quen với ký xướng âm và phong cách biểu diễn.
Từ dạo ấy, Đàm Vĩnh Hưng coi ca hát là nghề muốn gắn bó cả đời. Anh từng có 8 lần thử sức ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM, nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với chàng ca sĩ trẻ. Song, mỗi lần thất bại lại tạo thêm cho anh một động lực để cố gắng trau dồi thêm về kỹ năng, giọng hát của bản thân. Và, sự nỗ lực không ngừng ấy đã được đền đáp khi anh đạt giải Tư của cuộc thi này vào năm 1998. Cho đến năm 2001, Đàm Vĩnh Hưng tạo được dấu ấn mạnh mẽ với khán giả qua hai ca khúc Tình ơi xin ngủ yên và Bình minh sẽ mang em đi.
Từ đó, Đàm Vĩnh Hưng liên tiếp khẳng định được khả năng của bản thân với chất giọng khàn đặc biệt. Không chỉ dừng lại ở dòng nhạc trẻ, nhạc dance, Đàm Vĩnh Hưng còn thử sức với nhạc xưa, Bolero, và nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Tuy vậy, giọng ca Say tình vẫn cố gắng cho khán giả biết, đây không chỉ là cuộc “dạo chơi”, mà còn là niềm đam mê mà anh muốn theo đuổi.
Suốt hơn 20 năm gắn với nghiệp cầm ca, cái tên Đàm Vĩnh Hưng liên tục phủ sóng và chưa từng có dấu hiệu nguội đi bởi mỗi năm, nam ca sĩ này lại cho "ra lò" nhiều sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, "ông hoàng nhạc Việt" cũng sở hữu cho mình nhiều giải thưởng danh giá như: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến và Ca sĩ xuất sắc nhất (2007), giải Ca sĩ của năm - Làn Sóng Xanh (2008), Nghệ sĩ xuất sắc nhất châu Á (2015)…
Kẻ ghét cũng lắm, người mê cũng nhiều
Không ngoa khi nói rằng, Đàm Vĩnh Hưng là một trường hợp đặc biệt nhất của showbiz Việt, bởi, kẻ ghét cũng lắm, mà người mê cũng rất nhiều. Dường như, “ông hoàng nhạc Việt” cũng đã quá quen những luồng ý kiến trái chiều dành cho mình. Nhưng phần đa vẫn dành cho anh sự ưu ái, bởi tính cách bộc trực, thẳng thắn, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hết mình của nam ca sĩ.
Chính Dương Triệu Vũ – “tri kỷ” của Mr Đàm đã chia sẻ rằng: “Đàm Vĩnh Hưng nhiều khi rất dễ ghét, mà nhiều lúc rất dễ thương. Nhưng, phần thương nhiều hơn ghét, bởi anh luôn có những tôn chỉ cho riêng mình và anh luôn phấn đấu không ngừng để làm được điều đó”.
Hay qua tiết lộ của ca sĩ Vũ Hà - người bạn thân thiết hơn 20 năm của giọng ca Nửa vầng trăng, khán giả sẽ hiểu thêm phần nào tính cách của Đàm Vĩnh Hưng. “Hưng bộc trực. Hưng có những lúc rất vui, nhưng cũng có những lúc rất khó chịu và dễ sợ. Chỉ những người không bình thường mới có thể gần gũi và thân thiết được với Hưng thôi, ví dụ như là Vũ Hà”, nam ca sĩ nói về người bạn thân của mình.
Để có được thành quả như hôm nay, với “ông hoàng nhạc Việt” đó là một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc, hết mình. Bước qua những hoài nghi, thị phi, sóng gió trong đời, cái tên Đàm Vĩnh Hưng đã có một “chỗ đứng” vững chắc trong trái tim người hâm mộ.