Làng dệt Bảy Hiền nằm tập trung tại một số tuyến đường như Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng,Tái Thiết… trong phường 11 (quận Tân Bình, TP.HCM).
Mặc cho bao nhiêu thăng trầm, làng nghề dệt vải Bảy Hiền vẫn được những người dân Quảng Ngãi lập nghiệp tại Sài Gòn gìn giữ. Bởi cũng chính cái nghề dệt vải cũng là nghề của những con người miền Trung thân thương ấy mang vào đất Sài Gòn phồn hoa, nhộn nhịp.
Làng dệt nức tiếng giờ còn đâu?
Tôi tìm đến làng dệt Bảy Hiền vào một buổi sáng sớm, rất may hôm ấy trời Sài Gòn không mưa nên chỉ theo sự chỉ dẫn của những bác chạy xe ôm, tôi đã tìm ra được làng dệt truyền thống.
Khi mới đặt chân đến con hẻm 133, đường Năm Châu đâu đâu cũng nghe tiếng máy dệt chạy vang lên ‘ầm ầm’. Một âm thanh mà dường như rất quen thuộc và đi vào cuộc sống của những người dân sinh sống tại con đường này.
Đa số những hộ làm nghề dệt vải nơi đây đều là người huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) di cư vào vào Sài Gòn lập nghiệp.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước do chiến tranh và thiên tai tàn phá ác liệt, khi vào Sài Gòn những con người miền Trung ấy vẫn mang theo nghề dệt của ông cha ở quê hương của mình để tiếp tục mưu sinh.
Cũng tại thời điểm đó, ở các phường 11 và 12, quận Tân Bình có đến 90% cư dân sinh sống đều là người Quảng Ngãi. Dần dần người ta hay gọi với cái tên ‘xứ Quảng thu nhỏ’ giữ lòng Sài Gòn. Và cũng trong những năm 80 – 90 thì làng dệt Bảy Hiền rất hưng thịnh, nức tiếng là nơi cung ứng vải lớn nhất cả nước.
Cũng theo thời gian, sự phát triển của công nghệ sản xuất vải cũng dần được thay thế những chiếc máy dệt khung gỗ thủ công bằng những chiếc máy dệt bằng máy tự động hiện đại của nước ngoài. Nên bây giờ làng dệt Bảy Hiền chỉ được cái tiếng còn các hộ dệt thì chỉ sót lại được vài ba gia đình làm riêng lẻ.
Nhiều hộ gia đình cũng bỏ nghề dệt do gặp phải những khó khăn không chỉ về thị trường mà cả về số lượng, mẫu mã. Mà nguyên nhân chính là do bị cạnh trạnh thị trường nước ngoài mà nhiều nhất Trung Quốc. Một phần cũng do những hộ làm nghề dệt đều làm riêng lẻ không có sự đoàn kết nên dễ bị thị trường hàng nhập ngoại lấn át.
Mặc dù thế, hiện nay tại làng dệt Bảy Hiền nức tiếng một thời ở Sài Gòn vẫn còn được chính những người xứ Quảng tiếp tục duy trì và phát triển.
Những chiếc máy dệt khung gỗ đang bị lu mờ
Có thể nói đi khắp các con đường như Năm Châu, Võ Thành Trang, Tái Thiết, Nguyễn Bá Tòng,…những con đường đã tạo nên một thời ‘vàng son’ của làng dệt Bảy Hiền ở đất Sài Gòn. Nhưng giờ đây nơi những con đường ấy đã không còn vang rộn nhưng âm thanh ‘ầm ầm’ của con thoi đưa và cả hình ảnh những người xứ Quảng đông đúc, nhộn nhịp dệt vải bên những chiếc máy dệt khung gỗ như ngày xưa ấy nữa.
Và đối với những thế hệ trẻ tại làng dệt Bảy Hiền cũng đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của gia đình để lại mà chuyển sang nghề khác.
Bởi ở cái thời buổi trên đất Sài Gòn phồn hoa và tấp nập thì việc ‘buôn có bạn, bán phải có phường’ thì mới có thể tồn tại được.
Chị Diệp, một thợ dệt tại làng dệt Bảy Hiền chia sẻ về những hối tiếc của những chiếc máy dệt khung gỗ: "Những chiếc khung gỗ nó đã gắn bó với chị hơn 30 năm nay rồi, mà bây giờ cũng sắp phải bỏ nó đi thay vào máy dệt máy cho nó nhanh, chứ bây giờ mà dệt bằng máy khung gỗ thì mình không thể nào cạnh tranh được với ai cả".
Hiện nay, chắc có lẽ tại làng dệt Bảy Hiền rất thưa thớt những hộ làm nghề dệt và cũng chỉ còn rất hiếm những hộ dệt bằng khung gỗ, nhưng âm thanh của những con thoi đưa qua đưa lại để dệt nên những tấm vải thật đẹp và chất lượng.
Sài Gòn là thế, nơi chọn lựa của những con người xa quê chon làm nơi lập nghiệp mưu sinh. Họ đi nhưng mang cả làng nghề truyền thống của ông cha để lại khiến cho Sài Gòn không biết tự bao giờ đã có những con phố buôn bán, kinh doanh đủ kiểu như phố thuốc bắc, cưới hỏi, đồ cổ, sách cũ,… và cả những làng nghề truyền thống làng dệt Bảy Hiền vậy. Những cái tên dường như đã quá quen thuộc, đầy thân thương mà khi hỏi thì ai ai cũng đều biết đến gắn bó với đất Sài Gòn đắt đỏ.
Ngọc Nhiên