“Căn nhà thơ ấu mà cha tôi là thế hệ cuối cùng, như dập dờn trong mịt mù nước, chỉ còn lại mối liên kết với những ngôi nhà kế cận. Cha tôi không xây ngôi nhà cao vống, kiểu cách. Cha cho tôi một ngôi nhà thật bền, thật vững trong tâm khảm của một người luôn trọng chữ nghĩa và nhữn điều giản dị. Ở đó, có cái nhìn về thế giới rộng lớn, bao la nhưng cũng thật gần gũi nếu mình luôn trải lòng và thực sự yêu thương…” - dùng cảm xúc để dẫn dụ cảm giác, những dòng văn thuần hậu và tràn đầy luyến thương với những miền đã qua, những người đã gặp như thế đã đưa tôi vào những trang đời phóng khoáng và nghĩa tình của một nhà báo nhiều tâm huyết với nghề và giàu thi cảm với văn chương.
Đọc “Miền sau cánh cửa” của Trần Nhật Minh, có thể thấy được chất tạp văn rất rõ, nghĩa là gần với báo chí hơn văn chương, trong đó chưa đựng những sự thấu cảm của anh đối với các khía cạnh xã hội và tâm trạng sống của chính anh với đương thời. 38 bài viết có dung lượng chữ vừa phải, được viết thấu đáo đến tận cùng cảm xúc và biện giải là sự suy tưởng về những chuyến đi, những ký ức đẹp, những giá trị sống, những quan niệm nhân sinh… gắn với từng đoạn đời của tác giả.
Chưa bàn sâu về nội dung của từng tạp văn nhưng chỉ với cách viết tương đối tùy hứng, để cảm xúc dẫn dắt gần như 4/5 bài viết, để rồi phần cuối đột ngột “đảo phách”, gửi gắm vào đó “cái sự đời” qua lăng kính của chính mình đã cho thấy bản lĩnh của một người viết có nghề và có dụng tâm với bài viết của mình. Đây có vẻ như là cách biểu đạt “ngôn hữu tận nhi ý vô cùng” - lời hết nhưng ý chưa dứt, nghĩa là dùng chuyện nhỏ để khái quát cái lớn, chuyển tải những triết luận hàm súc. Chính điều này đã cho thấy, dù “Miền sau cánh cửa” có xu hướng gần với báo chí hơn văn chương, song văn thế của Trần Nhật Minh đã thể hiện khá rõ, thậm chí đã tạo dấu ấn mạnh mẽ như một tác phẩm văn học.
Giọng văn cũng khá đa dạng, lúc thì tung tẩy, giễu nhại, khi thì thư thái, uyên thâm, lúc lại hồn nhiên kiểu gặp gì viết nấy, khi đanh đá, riết róng như “mẹ chồng”… nhưng tựu chung lại thì rất có duyên. Cái duyên đằm trong một vẻ ngoài “đồ sộ, quánh màu nước thời gian” (1). Đọc “Miền sau cánh cửa” và xét theo hai nhận định văn học của Buy-Phông “Phong cách chính là người” và Hàn Mạc Tử “Người thơ phong vận như thơ ấy”, thì có thể khẳng định rằng, Trần Nhật Minh đã tạo nên một “dạng vân chữ” (2) trong thể loại tạp văn nói riêng và văn chương nói chung.
Và cũng chính điều này đã lý giải cho tôi những cảm nhận tương đối khó diễn tả về Trần Nhật Minh. Ở anh, có sự thấu triệt rất rõ về chân, thiện, mỹ nhưng luôn thể hiện bởi sự bất cần, lãng tử. Rồi cái vẻ ồn ào, tự tin đến thong dong lại ẩn chứa sự tinh tế và lòng trượng nghĩa. Và sau sự tùy hứng, bốc đồng dường như vẫn lấp lánh nhạy cảm và cẩn trọng… Tất cả sự tò mò của tôi đã gần như được giải đáp khi đọc sách, bởi người văn này đã được nuôi dạy trong một môi trường gia đình như thế, một tuổi trẻ sôi nổi như thế, rồi vượt thoát và trưởng thành đầy vạm vỡ và hào sảng trên hành trình cuộc đời với biết bao va đập, biết mấy yêu thương. Tóm lại, tôi cứ hàm hồ mà nhận xét như thế. Nếu có đúng, có trúng thì cũng là tự cảm dẫn đường. Còn nếu có sai, thì cũng …mặc kệ Trần Nhật Minh, vì đơn giản là tôi cũng chưa thân với anh cho lắm, làm sao hiểu sâu, hiểu rõ được anh.
Quay trở lại với nội dung của từng tạp văn, tôi rất ấn tượng với những trang viết của anh về Hà Nội, mà ở đó ẩn chứa một miền suy tưởng đẹp về mọi cái đã qua và cả sự hứng khởi về bao điều đang đến. Những ký ức về cha mẹ, những tình tiết gợi nhớ một thời thanh hàn nhưng đầm ấm tình người đã cho tôi hiểu thêm về Hà Nội. Rồi từng món ăn, thức uống của Hà Nội cũng đi vào trang văn của Trần Nhật Minh rất tự nhiên, để người đọc có thể nhẩn nha cảm nhận ký ức của tác giả và của chính mình.
Và một ưu điểm lớn của tác phẩm là sự đa dạng của đề tài. Bởi người viết có lẽ đã có một thời tráng niên vô cùng phóng khoáng với đôi chân vạn dặm. Ấy chính là “lộc nghề” đã cho anh cơ hội được đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều giai tầng văn hóa, lịch sử… mà như anh tâm sự, anh tập hợp các bài viết và in thành “Miền sau cánh cửa” như một sự lưu giữ những năm tháng đã qua và tri ân những người đã gặp. “Quý người người mới quý mình/ Lấy tâm tình đãi tâm tình mới cao”…, trong những năm tháng ruổi rong, Trần Nhật Minh hẳn đã luôn tâm niệm như thế để sống trọn vẹn với quê hương, người thân và bè bạn. Và rồi anh cũng đã nhận lại biết bao nghĩa tình, bao thương mến của cuộc đời và lòng người.
Để miền suy tưởng của tác giả dẫn dắt, sẽ có được những cảm nhận thật khác biệt về những vùng đất mà chính tôi đã từng qua. Bởi nó được khám phá và viết lại bằng cảm nhận chân thành của chính người viết. Những bài tạp văn viết về vùng cao đượm màu sắc núi rừng, vừa đơn giản nhưng vừa hào phóng và nhiều phong vị, chứa đựng những minh triết về cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những bài viết về biển thì đằm sâu hơn, gần gũi hơn và những con người được phản ánh cũng đầy phong cách. Đặc biệt, những câu chuyện mà anh ghi nhận được qua mỗi chuyến công tác ở nước ngoài cũng đã mang lại nhiều thông tin hữu ích về văn hóa, con người ở nơi đó. Nói đơn giản hơn là, cái tinh tường bén ngọt của một người đàn ông từng trải, sự nhạy cảm của một trái tim thiện lương và cả sự cao ngạo, tùy hứng của một người chuẩn bị bước vào tuổi “tri thiên mệnh” đã khiến anh thấy khác, nghĩ khác và viết khác…, tuy vô tình mà hữu ý tạo nên “vân chữ” của riêng mình.
Một đặc điểm chung dễ nhận thấy là mỗi bài viết đều hàm chứa một câu chuyện về văn hóa sống hoặc văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực… ở nhiều vùng miền, nhiều dân tộc khác nhau. Những nét văn hóa đôi khi không hề cao siêu như cốc bia, bát phở, món cá tiến vua hay đặc sản đồng rừng như cỗ lá, trứng kiến xào, thịt chuột… Nhưng cũng có những giá trị văn hóa lớn lao thể hiện đời sống tâm linh, tinh thần của những dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt. Hay chỉ đơn giản là giá sách của “người có chữ”, mùi khói rạ rơm, hay quan niệm sống của những con người còn nhọc nhằn nhưng đầy lòng tự trọng… Những “miền văn hóa” được thể hiện qua câu chữ tinh gọn, tả trực diện và có những gợi mở rõ nét.
Một điều đáng ghi nhận là dẫu triển khai ở thể loại tạp văn, song “Miền sau cánh cửa” không hiếm gặp những câu văn đẹp với những chữ dùng rất “trúng”, rất “đắt”. Không khó để có thể nhặt ra những phân đoạn mà chỉ cần ngắt câu, xuống dòng đã có thể trở thành một bài thơ giàu hình ảnh và thức cảm chân thật được kết cấu bằng chính ký ức của người viết.
Có thể kể ra như: “Câu Kinh như lời ru êm dạy con người ta tu tâm tích đức, biết vượt qua hố mê dục vọng, biết cúi đầu nghiêng mình trước điều thiện, cái đẹp, biết ngẩng đầu trước bạo quyền...”, hay “Ngoài kia sông Hồng tháng Chạp hanh heo. Dỏng tai nghe kỹ có thể thấy tiếng nước bỏ đi, sông khô héo gầy gò. Những vệt phù sa nhìn tựa những vệt máu nhói lòng. Ven bờ, cụm cây bắt đầu trổ vàng lá non xanh. Xanh đến nhức mắt”, hoặc “Khói sớm mong mỏng là khói mới khơi bếp; khói trưa loang loáng màu nắng, la đà say; khói chiều nằng nặng pha chút sương, bay không cao được, bị níu xuống dải đồng hoang “liêu trai”. Khói quê dễ chịu hơn khói phố; khói phố là khói bon chen ngột ngạt. Khói quê lãng đãng mang mang; khói phố nặng như chì, đùng đục màu xăng xám. Khói quê như chẳng phải khói, cứ lang thang, trong veo như mây trời vậy”…
Và trong bài viết này, tôi đã không nêu tên hay trích dẫn các tạp văn cụ thể trong “Miền qua cánh cửa” để minh chứng cho nhận định của mình, bởi chưng tôi mong muốn độc giả hãy dọn lòng an tĩnh và tìm cách cảm thụ của riêng mình. Vì chỉ như thế, mới có thể chiêm nghiệm về một miền suy tưởng đầy phóng khoáng của người, của ta mà không bị dẫn dụ bởi người phê bình. Và nhận lấy niềm vui dịu dàng, thanh sạch như hương hoa bưởi ngoài kia
(1):Chữ của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
(2):Chữ của nhà thơ Lê Đạt
Phạm Vân Anh