Chị bế trên tay một sinh linh bé bỏng, một bé trai kháu khỉnh. Mới chỉ hai ngày tuổi sao chị thấy nó giống anh đến lạ kì, nó là cháu đích tôn của anh… một cảm giác yêu thương dâng trào trong lòng chị, giá như anh còn sống đến ngày hôm nay để được đón nhận giây phút hạnh phúc này…Chuông điện thoại reo:
- Mẹ à, mẹ đang ở trong bệnh viện hả mẹ?
- Ờ, mẹ đang bế thằng “chó con” đây.
- Nó có đẹp trai không mẹ?
- Hì.. hì…ờ, đẹp trai lắm!
- Nó giống con là đẹp trai rồi hì… hì…
- Hì .. hì.. đẹp nhưng không giống bố nó mà giống ông hàng xóm hay sao ấy.
- Hì … hì… bà nội lúc nào cũng vui tính hì.. hì…
Cả phòng bệnh nhi tròn mắt nhìn chị, một người hỏi: "Bố thằng bé gọi điện à, con trai riêng của anh ấy đấy à, Ồ!!!"... Chị mỉm cười khẽ gật đầu rồi hôn lên trán cháu. Chỉ mình chị hiểu được để có ngày hôm nay chị đã vất vả như thế nào.
Bố mẹ chị sinh được 4 anh em, chỉ có mình chị là gái nên từ bé chị đã được cả nhà cưng chiều. 20 tuổi, tốt nghiệp Trung học sư phạm, chị được điều về công tác tại một trường vùng cao của huyện miền Núi. Chị đã gặp và yêu anh cũng là một đồng nghiệp trong trường. Chị yêu anh bằng tình yêu vô tư, hồn nhiên trong sáng của một cô gái mới lớn mà không hề so đo, tính toán còn anh trầm tư hơn khi đã chia tay vợ và có một cậu con trai…
Ngày chị đưa anh về nhà chơi, bố mẹ và các anh của chị ai cũng buồn, mẹ chị khóc…! Nhưng chị vẫn yêu và xin mẹ cho chị được lấy anh.
Ngày chị cưới, mẹ lại khóc mà dặn chị: “Con ơi! Điều mẹ lo lắng nhất cho con là cảnh mẹ ghẻ con chồng, số phận đã vậy con phải khéo mà đối nhân xử thế”.
Anh trai chị nói: "Em đi lấy chồng làm mẹ tổn thọ, sau này cố gắng sống hạnh phúc, đừng để mẹ phải bận tâm thêm”.
23 tuổi chị về làm vợ anh, 24 tuổi chị phải suốt ngày tất bật với hai đứa trẻ con, một bé gái sơ sinh, một cậu con trai vào lớp 1, ông bà nội ngoại đều ở xa không giúp chị được gì, gần như một tay chị phải gánh vác tất cả.
Cuộc sống không giản đơn, không chỉ là màu hồng như suy nghĩ ở cái tuổi 20 của chị nữa. Chị phải đối mặt với công việc chuyên môn, với nỗi lo cơm áo, gạo tiền khi đồng lương eo hẹp và đặc biệt là với câu ca dao: “Mấy đời bánh đúc có xương…”, luôn văng vẳng bên tai chị… làm gì chị cũng phải cân nhắc, đắn đo để anh khỏi buồn lòng, để cậu con không bị tổn thương.
Thời gian chồng đi học tại chức xa nhà, chủ yếu chỉ có 3 mẹ con ở nhà với nhau, giữ để cho khỏi có lời ra tiếng vào cũng đã là khó, người thông cảm cho chị thì ít thì mà người để ý dèm pha thì nhiều, đôi khi chỉ một câu nói đùa vô thức của hàng xóm với đứa trẻ thôi cũng làm cho chị khó xử. Cái ăn, cái mặc đến cái nhỏ nhất bao giờ chị cũng phải cố gắng làm sao cho thật công bằng với hai đứa trẻ. Nhiều lúc chị chỉ ước cậu con trai kia cũng là do mình dứt ruột sinh ra thì chị không cần cố gắng mà vẫn không bao giờ bị chịu tiếng thị phi của người đời.
Chị chuyển công tác về gần thị trấn để thuận tiện cho việc học của hai đứa con, anh chị lại sống xa nhau, anh chỉ về vào mỗi cuối tuần, lại một mình chị gánh vác, lo toan… Chị nhớ có lần chị đi làm vắng, cậu con ở nhà leo trèo nghịch ngợm ngã gãy tay thuận, gần hai tháng trời con bó bột chị phải lo chăm sóc cho con nhưng vẫn không tránh khỏi điều tiếng: “Bố nó đi vắng không để ý nó nên nó mới bị vậy”. Chị buồn lắm nhưng cũng đành nén nỗi buồn vào trong lòng và lặng lẽ chăm sóc cho con.
15 tuổi, tuổi mới lớn, cái tuổi “dở dở, ương ương” cậu con trai bắt đầu có những mối quan hệ mới, có những người bạn mới, tốt có, xấu có. Một số kẻ đã lợi dụng hoàn cảnh của cậu, rủ rê, lôi kéo cậu vào những việc làm xấu. Chị nhiều lần tỉ tê trò chuyện cùng con, còn anh do nóng tính nên rất nhiều lần anh ra đòn với con, mỗi lần như vậy chị lại nhận được ánh mắt thiếu thiện cảm của nhiều người… chị lại buồn và lại cố gắng!
Học yếu lại mải chơi, 17 tuổi cậu con nhất quyết nghỉ học để tự lập, anh chị khuyên can thế nào cũng không được cuối cùng đành chấp nhận cái câu: “Trời không nghe đất thì đất phải chịu trời”. Việc bỏ học giữa chừng đi tìm việc làm của cậu con trai lại thêm một lần nữa đổ lên đầu chị búa rìu của dư luận… chỉ có những cuộc điện thoại của con điện về trò chuyện cùng chị mới giúp chị giải tỏa bớt âu lo. Chị chỉ biết lặng lẽ căn dặn, chỉ bảo cho con mặc những thị phi của người đời. Chị chỉ cần anh và con hiểu được lòng chị…
Năm cậu con 24 tuổi, anh mắc bệnh nan y và qua đời. Bạn bè, người thân nhiều người ái ngại cho hoàn cảnh của chị khi chị vừa mới qua tuổi 40, chị đã phải chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng để vượt qua tất cả… Cậu con dường như cũng hiểu được nỗi lòng của chị, và với chị đó là nguồn động viên lớn nhất.
Hơn ba năm sau ngày anh mất, cậu con thưa chuyện xin mẹ cưới vợ, chị vừa mừng vừa lo, mừng vì con đã trưởng thành thực sự, vì con tin tưởng vào chị, lo vì làm sao cho công việc đại sự của con được tốt đẹp.
Đêm ấy, chị ngả lưng xuống giường, công việc kể như cũng tạm ổn, khách khứa, bạn bè cũng đã ra về hết cả. Hai đêm gần như thức trắng làm chị thấm mệt…đôi mắt chị díp lại. Điện thoại báo tin nhắn, chị uể oải cầm lên, tin nhắn đến từ “trai cả”, chị giật mình ngồi bật dậy, chẳng phải nó vừa ngoài phòng khách đó sao? Chị mở tin nhắn: “Mẹ! Con cảm ơn mẹ vì tất cả những gì mẹ đã làm cho con từ trước tới giờ! Mẹ không sinh ra con nhưng trong lòng con mẹ chính là mẹ ruột”. Chị thở phào nhẹ nhõm, hai hàng nước mắt lăn dài trên má, những giọt nước mắt của hạnh phúc, chị thấy nhớ anh!…
Và hôm nay, khi bế đứa bé còn đỏ hỏn trên tay, chị thấy mình thật hạnh phúc. Cái hạnh phúc đó dường như càng vẹn tròn hơn khi “ người phụ nữ ấy” đón đứa bé từ tay chị và nói: “Tối nay em về nghỉ đi, chắc là em cũng mệt rồi”, cả phòng trầm trồ: “Thằng bé này sướng thật, có tới hai bà nội!...”.
Chị cười, hôm nay về chị lại sẽ thắp nhang cho anh như bao lần chị gặp chuyện buồn vui kể từ ngày anh mất, chắc chắn anh sẽ rất vui. Chị sẽ nói với anh rằng: “Gia đình chính là cội nguồn của hạnh phúc! Sự thông cảm, hi sinh và sẻ chia là điều không thể thiếu trong mỗi gia đình!”.
Thằng bé con đang ngủ, bất giác cũng nở nụ cười trong mơ như đồng tình với suy nghĩ của chị. Yêu quá, bé con!
Lê Thị Huyền