Sự thật lạ lùng này đã xảy ra tại Đội 12/9, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Câu chuyện bắt đầu từ tháng 7/1991. Hồi đó HTX Vận tải Lạng Sơn (Anh Sơn) giải thể. Huyện Anh Sơn có chủ trương, vận động các xã viên của HTX này lên xã Long Sơn “mở đất” làm kinh tế mới. 75 xã viên ở đây thực hiện lời kêu gọi ấy, đã kéo toàn bộ các thành viên trong gia đình lên Long Sơn lập nghiệp làm chè. Rồi đến năm 1993, 1995 và các năm sau nữa, các thành viên trong HTX tiếp tục lên đây và tạo thành một đội sản xuất mang tên Đội 12/9 thuộc Xí nghiệp Chế biến chè Anh Sơn.
Sổ hộ khẩu của người dân Đội 12/9
Ông Phan Văn Tiến (SN 1962) tâm sự: “Đã 21 năm rồi, chúng tôi xây dựng nhà cửa vườn tược kiến cố. Hộ khẩu thì có nhưng xã lại không xem chúng tôi là công dân của họ. Việc làm các thủ tục giấy tờ là vô cùng khó khăn”. Ông Phạm Văn Hòa (SN 1955) cho biết: Con trai ông là Phạm Văn Kiên khi lập gia đình với cô dâu Đặng Thị Loan lên xã làm thủ tục nhưng họ không cấp giấy tờ kết hôn. Lý do họ đưa ra là gia đình tuy có hộ khẩu ở đây nhưng không phải là công dân của xã vì chưa thực hiện nghĩa vụ với xã. Giải thích về điều này, ông Phạm Văn Sỹ (SN 1935) cho hay: “Tất cả các khoản đóng góp chúng tôi đều nộp qua xí nghiệp (Xí nghiệp Chế biến chè Anh Sơn – PV). Vấn đề là ở chổ, xí nghiệp giải quyết như thế nào với xã thôi chứ chúng tôi không nộp các khoản đóng góp trực tiếp với xã. Thế là mỗi lần muốn có cái giấy, cái tờ cho con cái mà lên xã là gặp rất nhiều khó khăn”.
Người dân bức xúc trao đổi với PV
Ngoài những vướng mắc trong việc giải quyết các quyền lợi hành chính, đến nay những hộ dân ở đây cũng chưa ai được cấp sổ đỏ (Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất). Người may mắn nhất trong Đội 12/9 này là ông Phạm Văn Bình. Trong hơn 180 hộ dân sinh sống ở đây thì chỉ có ông Bình là người có một tờ giấy “Chứng nhận tạm thời sử dụng đất trong thời gian đang làm bìa đỏ”. Mảnh giấy “đặc biệt” có một không hai này do phó chủ tịch UBND xã Long Sơn ký nhưng không có số và ngày ban hành. Theo ông Bình, để có được mảnh giấy này, gia đình phải “chạy vạy” nhiều nơi, nhiều “cửa” và tốn rất nhiều tiền.
Giấy CNQSDĐ do xã tự chế
Khi nói về những bất cập của người dân ở Đội 12/9, ông Nguyễn Thực (SN 1940) cho biết: Dân ở đây chỉ làm chè, phải gọi là làm thuê vì không có lương, không được nộp bảo hiểm thì không thể gọi là công nhân được. Nhưng để được làm ăn ở đây, tất cả các hộ dân này, phải chịu một khoản nợ của của xí nghiệp trong những năm 80 trở về trước. Số nợ này họ chia trên đầu người dân với mức lãi suất 2,5%. Theo ông Thực, chè là do dân làm ra nhưng phải bán cho xí nghiệp, giá cả do họ quy định. Còn nợ trên đầu dân có trả thì 20 năm nữa vẫn không hết.
Ông Hiệp nói rằng, nợ XHCN nên không vay cũng phải trả
Khi trao đổi về thực trạng ở Đội 12/9, Cao Văn Hiệp, giám đốc Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Anh Sơn cho biết: “Tất cả các hộ dân ở đây đều di cư theo chính sách của Nhà nước. Họ đã sống và làm ăn ở đây hơn 20 năm rồi. Vấn đề cấp sổ đỏ cho các hộ dân ở đây, lãnh đạo xí nghiệp cũng rất đau đầu nhưng vì thẩm quyền không đủ nên đành chịu. Nếu có chủ trương của tỉnh và huyện thì doanh nghiệp chúng tôi cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Còn chuyện nợ nần là phải trả. Dù họ không nợ nhưng đây là nợ cũ của xí nghiệp, nợ XHCN. Chúng tôi cũng đã kiến nghị đến Sở Tài chính, UBND tỉnh Nghệ An rồi nhưng họ không chịu”.
Ông Phạm Bá Đồng, chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: “Xã chúng tôi chỉ quản lý Đội 12/9 về mặt hành chính, còn về phát triển kinh tế thì hoàn toàn do Xí nghiệp chè Anh Sơn chịu trách nhiệm. Tuy vậy, tất cả nhân dân ở đây đều có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân ở xã Long Sơn, không có chuyện gây khó dễ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như người dân phản ánh”. Còn chuyện dân chưa có sổ đỏ, ông Đồng cho hay: “Ở đây rất nhiều người chưa có sổ đỏ. Gia đình tôi sống trên địa bàn từ năm 1966 nhưng đến nay vẫn còn “ở đợ” đó thôi. Chỉ có ai mua đất đấu thầu của nhà nước thì mới có bìa đỏ, số còn lại đang trong tình trạng ở nhờ”.
Ông chủ tịch xã nói, chỉ có mua đất đấu thầu mới có bìa đỏ
Trái với những phát biểu của ông Đồng và ông Hiệp, ông Nguyễn Văn Thế, trưởng phòng TN - MT huyện Anh Sơn khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ đề nghị nào từ phía Xí nghiệp chè Anh Sơn cũng như UBND xã Long Sơn về việc này nên chưa có căn cứ để cấp sổ đỏ cho dân. Nếu dân có nhu cầu, địa phương và xí nghiệp trình lên thì chúng tôi sẽ làm”.
Hơn 180 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đang sống vật vờ trên những đồi chè, oằn mình sản xuất và oằn mình trả nợ. Họ có rất nhiều nghĩa vụ để thực hiện với xí nghiệp, với chính quyền nhưng với họ quyền lợi lại là một thứ rất xa vời.
Xuân Hồng – Hồ Ngọc